Văn hóa – Di sản

Bức chạm gỗ “Mèo ngoạm cá”

Minh Nhương 13:24 17/03/2023

“Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài” là biểu tượng của văn hóa truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ, trấn giữ kinh thành Thăng Long xưa. Ở xứ Đoài, có nhiều ngôi đình lớn được nhân dân xây dựng to và đẹp, trong đó có đình Đại Phùng.

buc-meo-ngoam-ca.jpg
Bức chạm gỗ “Mèo ngoạm cá” ở đình Đại Phùng. Ảnh: Minh Tâm

Đình Đại Phùng tọa lạc giữa tổng Phùng, nay thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội, là nơi tôn thờ danh tướng Vũ Hùng từng phù trợ nhà Trần đánh giặc, cũng là Thành hoàng của làng Đại Phùng. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII), được xây dựng trong giai đoạn đất nước yên bình đời sống nhân dân khá giả, các hoạt động văn hóa truyền thống dân gian được phục hưng. Tương truyền, khu đất dựng đình vốn là doanh sở của tướng Vũ Hùng. Trong làng còn lưu truyền nhiều mẩu chuyện về ngài và những câu chuyện “nói khoác có lý” rất hóm hỉnh, trào lộng. Có thể nói, nơi đây là một làng cười. Dân gian có câu: “Đại Phùng nói khoác đổng đời/ Phượng Trì nối khố ăn chơi đủ vành”.

Tòa đại bái của đình được dựng bằng gỗ xoan, cột cái người ôm không xuể, vân gỗ nổi những đám mây. Ngôi đình còn bảo tồn trên hai mươi bức chạm gỗ đặc sắc của nghệ nhân xưa phản ánh sinh hoạt của xã hội đương thời. Nội dung các bức chạm ca ngợi những phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương như: Vinh qui bái tổ, đấu vật, tiên tắm đầm sen, trai gái tự tình, mả táng hàm rồng, uống rượu thưởng xuân, hội làng truyền thống... Có bức lại phê phán những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội như rượu chè cờ bạc của lớp người có máu mặt trong làng.

Trong số các bức chạm gỗ đặc sắc đó, có bức “Mèo ngoạm cá” gợi ra những câu chuyện thú vị và đáng suy ngẫm. Bức chạm hình tam giác đặt trên cao phía trái của tòa đại bái, sát với mái ngói. Nội dung gồm ba phần xếp chồng lên nhau. Phía trên là hình dáng chú mèo cắp chặt một con cá lớn. Hai tai mèo vểnh lên, đôi mắt trợn trừng như đang cảnh giác, sợ đối phương tranh cướp mất miếng mồi. Toàn thân mèo trong tư thế co lại, chân sau gập xuống như muốn nhảy ra nơi khác để giữ khư khư con cá vừa ngoạm được. Hai bên là hình ảnh những con rồng há miệng cười, ở giữa là cảnh hai vị quan chức tai to mặt lớn, mặt mày hỉ hả, áo quần xênh xang của tầng lớp bề trên: Một ông tay phải nâng chén rượu, tay trái như đang bốc món mồi ngon đặt vào tay ông kia còn người đàn ông nhận đồ nhắm thì nghiêng ngả choàng vai ông mời rượu. Bức chạm tả rõ tay áo phập phồng uốn lượn như gió thổi vào cuộc cụng ly. Bên trái của bức chạm là hình ảnh hai mẹ con nhà rồng nhếch miệng cười như chê bai cảnh vui thả của hạng người ăn trên ngồi trốc. Phần dưới của bức chạm là cảnh hội làng sôi nổi và đầm ấm của người dân lao động. Phía trái chạm khắc cảnh chàng trai đá cầu khỏe khoắn và bên cạnh là chú rồng con toét miệng cười tươi với “bàn tay” che chở của rồng mẹ. Tổng quan là cảnh vui đùa tập thể của đông đảo dân làng trẩy hội mùa xuân...

Trong xã hội phong kiến xưa kia, ý thức hệ về ứng xử giữa quan và dân thường trái ngược nhau. Nội dung các bức chạm gỗ ở đình Đại Phùng, mà ở đây là bức “Mèo ngoạm cá” đã cho ta thấy các nghệ nhân có ý thức phản phong rõ rệt. Điều này cũng phản ánh tinh thần đấu tranh với những thói hư tật xấu bằng hình tượng nghệ thuật dân gian thật hóm hỉnh mà chua cay và rất thông minh qua bàn tay tài hoa của những người thợ.

Minh Nhương