Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa được tái hiện qua “Đào, phở và piano”
Bối cảnh Hà Nội những năm 1946, 1947. Đại cảnh con phố cổ Hà Nội đổ nát trong "60 ngày đêm huyết lệ" được phục dựng kỳ công, tỉ mỉ qua bộ phim “Đào, phở và piano” do đạo diễn Phi Tiến Sơn.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết Đào, phở và piano là bộ phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đặt hàng, giao Công ty Cổ phần Phim truyện 1 sản xuất.
Thông qua chuyện xảy ra trên chiến lũy một khu phố cổ Hà Nội mùa Đông 1946, bộ phim truyện “Đào, phở và piano” khắc họa những khoảng khắc dữ dội và hào hùng nhất trong cuộc chiến 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ câu chuyện phim xảy ra trên chiến lũy một khu phố cổ mùa đông 1946, đầu năm 1947. Đây là khoảng thời gian của cuộc chiến đấu kỳ tích của quân và dân Thủ đô. Đó là "60 ngày đêm huyết lệ" hào hùng, bi tráng của người Hà Nội.
Dãy phố, cửa hiệu Hà Nội 36 phố phường trong những tháng ngày hứng chịu những vết thương của súng đạn. Phim trường của bộ phim cho thấy trận chiến ác liệt giành giật từng ngôi nhà, góc phố của 60 ngày đêm Hà Nội. Trong phim, phẩm cách anh hùng bất khuất của nhân dân Việt Nam lan tỏa trong mỗi người dân Hà Nội. Cùng đó, một Hà Nội máu và hoa, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, một Hà Nội vùng đứng lên với nhiều tầng lớp Nhân dân, thế hệ, không còn phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, tôn giáo… sẽ hiện lên trong phim.
Chuyện phim kể về hai người trẻ yêu nhau vượt qua gian nguy để tìm lại nhau trong ngày cuối cùng của cuộc chiến 17/2/1947 khi quân ta rút ra chiến khu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Họ trải qua những thời khắc lãng mạn và gay cấn ở chiến lũy. Khi tìm thấy nhau, họ chỉ còn vài giờ để làm lễ cưới, tận hưởng cuộc sống lứa đôi giữa lằn ranh sống chết.
Bộ phim truyện “Đào, phở và piano” mong muốn chuyển tải đến khán giả về một Hà Nội từ gần 80 năm trước, cùng cả nước dũng cảm chống lại kẻ thù xâm lược theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch.