Tác giả - tác phẩm

Đời tôi như một cánh chim thiên di…

Hoài Văn 13:18 05/03/2023

Nhà văn Hoàng Đình Quang đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả qua tiểu thuyết “Cánh đồng lưu lạc” - tác phẩm đã đoạt giải B cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (2003 - 2005). Và như bạn bè thường nói: Không chỉ cánh đồng của Hoàng Đình Quang lưu lạc mà bản thân nhà văn cũng lưu lạc không kém. Sự lưu lạc như ám vào ông đến nỗi không ít lần, ông phải thốt lên: Cuộc đời tôi như một cánh chim thiên di.

Khi có người gọi Hoàng Đình Quang là “con người lưu lạc”, ông trả lời không chút ngần ngừ: “Theo tôi, lưu lạc là một khái niệm mà tôi luôn bị ám ảnh trong ý thức. Ở tuổi này, ít nhất tôi cũng có hai cuộc lưu lạc lớn. Lần thứ nhất, đi bộ đội từ Bắc vào Nam. Đây là cuộc lưu lạc có ý nghĩa. Chiến tranh, suy cho cùng cũng là cơ hội để thử thách, rèn luyện tuổi trẻ. Lần thứ hai (sau 1975), thuyên chuyển nhiều đơn vị, cơ quan, vùng đất. Đây là cuộc lưu lạc vì mưu sinh thuần túy. Thế rồi tôi vào lập nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh. Trước và sau khi “an cư lạc nghiệp”, tôi đưa cả bốn em trai vào đây nữa. Hiện gia đình tôi có năm anh em sinh sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh. Hai cuộc lưu lạc này, tôi đã tái hiện rất thật, có những chi tiết thật 100% như cuộc đời vậy, trong tiểu thuyết “Cánh đồng lưu lạc””. Từ đó đến nay, ông đã “lưu lạc” nhiều nơi và công tác ở nhiều cơ quan khác nhau cho đến trước khi nghỉ hưu vào năm 2011. Ban đầu là Thái Nguyên, Tây Ninh; sau đó là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ban đầu là Báo Văn nghệ Giải phóng, Báo Phòng không; sau đó là Báo Thương mại và Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Ông chính thức chuyển ngành vào năm 1976. Khi rời quân ngũ, ông không trở về học tiếp Trung cấp Sư phạm Việt Bắc nữa mà chuyển sang học ở Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

hoang-dinh-quang-2.jpg
Nhà văn Hoàng Đình Quang

Vì gắn bó với lâu năm với Sài Gòn nên Hoàng Đình Quang “gọi” ra chất Sài Gòn rất nhanh. Ông bảo: “Người Sài Gòn rất lữ thứ và hiếu động. Nhịp sống thì sôi động nhưng tâm hồn người Sài Gòn lại rất hợp với nhịp điệu nhịp nhàng, thướt tha, tình cảm trong âm nhạc như rumba, bolero… Người Sài Gòn sống rất dân chủ, cởi mở, dễ chấp nhận người khác… Người Sài Gòn vẫn có tâm lý “sáng xích lô, chiều ông chủ”. Tuy vậy, xét về mặt bản sắc, người Sài Gòn vẫn có những cái gần như bất biến hoặc ít thay đổi”.

Theo quan sát của ông, từ 1954 đến nay, ít nhất, vùng đất này cũng thâu nạp vào mình nhiều dân di cư và sau này trở thành dân ngụ cư. Đó là các đợt di cư từ 1954 của người miền Bắc, di cư từ 1968 của người miền Trung và sau này. Có điều lạ là những người ở nơi khác đến Sài Gòn đều bảo lưu truyền thống của họ. Nếu bây giờ, ai có dịp quá bộ đến Gò Vấp làm khách trong một gia đình người miền Bắc di cư từ năm 1954 thì sẽ được trải nghiệm thực tế: Sau bữa cơm, khách chắc chắn vẫn sẽ được mời rửa tay trong một chậu thau và được gia chủ mời dùng tăm sau bữa như bao giở bao giờ. Ngay cả giọng nói, cách phát âm của họ cũng thế. Có cảm giác như sau nhiều năm từ ngày di cư tới đây, họ chẳng thay đổi gì cả. Và đối với Hoàng Đình Quang, mọi sự tồn tại đều có cái lý rất khách quan của nó.

Mặc dù ở xứ này lâu đến vậy nhưng Hoàng Đình Quang vẫn không tự nhận mình là người Sài Gòn. Ông khẳng định: “Không. Tôi chỉ là người Sài Gòn gốc Thái Nguyên thôi! Nhưng tôi luôn chịu ơn Sài Gòn, chịu ơn người Sài Gòn đã cưu mang, đùm bọc, yêu thương tôi và gia đình tôi. Nếu ví Sài Gòn như văn hóa chẳng hạn, thì Sài Gòn có thêm một thuộc tính: Hàm chứa vào mình những nét tạm coi là khác biệt của những miền đất khác. Mà chẳng cứ gì Sài Gòn. Ở nhiều đô thị lớn ở nước ta và trên thế giới cũng thế. Có điều là do ở đây đã lâu nên tôi “chứng” được thực tế này rất rõ qua lăng kính chủ quan”.

Hoàng Đình Quang là người mê Balzac. Ông thích lối văn vừa hấp dẫn, vừa đa dạng của nhà văn người Pháp này. Balzac có thể đùa cợt trên từng số phận và đùa cợt với chính bản thân mình. Đấy là với văn học nước ngoài. Còn với văn chương trong nước, ông thích Trang Thế Hy và Nguyễn Khải. Theo ông, văn Nguyễn Khải sắc lạnh, chỉn chu. Thêm nữa, ông trân trọng Nguyễn Khải vì Nguyễn Khải hay quan tâm đến lớp trẻ. Sinh thời, Nguyễn Khải thường nói với các nhà văn trẻ rằng: “Là nhà văn ở ta thì cứ trông nhau mà viết là được rồi”. Còn về Trang Thế Hy, ông nhận xét: “Văn Trang Thế Hy hấp dẫn vì thông tuệ. Thêm nữa, Trang Thế Hy rất quan tâm đến các nhà văn thế hệ sau ông. Sinh thời, mỗi khi đọc tôi, ông thường nói với tôi giọng thân mật, gần gũi có sự động viên rất lớn: “Mày cứ viết đi! Tao hiểu mày mà!”

Chia sẻ về việc đến với thơ, Hoàng Đình Quang nhớ lại: “Lúc sắp giải phóng Đà Nẵng (quãng tháng 3 năm 1975), nhà văn Nguyễn Trọng Oánh “kêu gọi” chúng tôi: “Các ông ơi! Sắp giải phóng Đà Nẵng rồi, mỗi ông làm cho tôi một bài thơ để kịp phát trên Đài Phát thanh Giải phóng. Nhớ đừng có quên đấy!” Vậy là tôi làm ngay một bài thơ hưởng ứng và từ đó chính thức đến với thơ”.

Và có thể kể rằng, tính đến nay, Hoàng Đình Quang đã hai lần “lưu lạc” sang thơ qua hai tập thơ đã xuất bản là: “Nói thầm” và “Hát chẳng theo mùa”.

Tôi nhớ một câu thơ rất trải nghiệm của Hoàng Đình Quang: “Đôi khi, phải tốn rất nhiều tiền mới bỏ được một thằng bạn”. Còn Hoàng Đình Quang lại nhớ những câu thơ như vận vào hoàn cảnh của ông, của gia đình ông, của bạn bè ông, của những người quanh ông vào những khoảng thời gian mà đất nước còn đầy rẫy khó khăn. Hình như đấy là nỗi lo, nỗi buồn làm con người ta phải suy nghĩ, trăn trở để vượt lên, để lớn dậy. Rồi ông chậm rãi đọc như thể đang nhấn nha từng câu, từng chữ: 

Ơn trời đất, ơn mẹ cha
Đội ơn vợ đã vì ta mà nghèo
Rượu cho chồng, cám cho heo
Tình tang cho nợ, bọt bèo cho thơ…

Hoàng Đình Quang cũng tự nhận mình thích viết văn xuôi và có sở trường về văn xuôi. Có lần, ông tâm sự: “Còn thơ ư? Với tôi, thơ có cái đặc biệt và tính phổ quát cao, lại có những lợi thế mà văn xuôi không có được. Làm thơ khó quá! Tôi không làm thơ thì không chịu nổi, nhưng thời gian này, mình làm thơ chưa được lắm”.

Đứa con tinh thần đầu tiên của Hoàng Đình Quang là truyện ngắn “Dòng sông”. Tuy là truyện ngắn nhưng nó lại khá dài và được đăng những 3 kỳ trên Văn nghệ Giải phóng vào năm 1974 - hồi Hoàng Đình Quang còn là lính miền Đông Nam Bộ và đang ở R. Cũng như nhiều người, sáng tác đầu tay này đã trở thành điểm xuất phát quan trọng của Hoàng Đình Quang và nhờ truyện ngắn này mà Hoàng Đình Quang được chuyển từ lính cao xạ về Báo Văn nghệ Giải phóng. Người có công đỡ đầu, có công đưa ông vào con đường viết văn là nhà văn Nguyễn Trọng Oánh. Ở đây, ông đã được gặp các nhà văn, nhà thơ đàn anh thuộc lực lượng văn nghệ giải phóng lúc đó như Văn Lê, Trần Ninh Hồ…
Đến giờ, nếu tạm tổng kết đời văn của Hoàng Đình Quang thì cũng không sớm và không muộn. Ở tuổi 72, ông đã cho xuất bản khoảng 20 đầu sách, trong đó có tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ và một số cuốn sách mà bạn đọc quen gọi là “sách công cụ”.

canh-dong-luu-lac-hoang-dinh-quang.jpg

Hoàng Đình Quang tự nhận mình là “người có duyên” với giải thưởng văn học. Trong quãng mấy chục năm cầm bút, ông đã đoạt nhiều giải thưởng về thơ, tiểu thuyết. Trong đó, đáng kể có tập thơ “Nói thầm” (Giải thưởng Hội Nhà văn và Bộ Quốc phòng), tiểu thuyết “Những ngày buồn” (Giải A Văn học công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động), tiểu thuyết “Cánh đồng lưu lạc” (Giải B Hội Nhà văn), tiểu thuyết “Xuân Lộc” (Giải thưởng của Bộ Quốc phòng), truyện ngắn “Một người Sài Gòn” (tặng thưởng Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh 2015).

Tác giả trích dẫn

Hoài Văn