Mỹ thuật

Gặp một Hà Nội rực rỡ và sâu lắng trong triển lãm “Hào khí Thăng Long”

Thụy Phương 04/03/2023 09:25

Cùng hội ngộ trong triển lãm “Hào khí Thăng Long” do nhà sưu tập Phan Minh Hà tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (từ 3/3 – 12/3/2023), những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Anh Thường và Vũ Hồng Ngọc mang đến cho người xem nhiều bất ngờ, thú vị và cũng đầy cảm xúc.

Trong số 23 tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm, 11 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Anh Thường chủ yếu là bức khổ lớn được thể hiện trên chất liệu sơn dầu, sơn mài và sơn khắc. Lộng lẫy, rực rỡ và lấn át không gian đó là điều mà người xem dễ dàng cảm nhận từ những tác phẩm này.

chua-thay-cua-hoa-si-nguyen-anh-thuong.jpg
Tác phẩm "Chùa Thầy" của họa sĩ Nguyễn Anh Thường.

Với lối tạo hình khúc chiết, nét vẽ phóng khoáng giàu chất biểu đạt, các tác phẩm của Nguyễn Anh Thường đưa người xem đến với những huyền thoại lịch sử hào hùng của dân tộc (tác phẩm “Huyền thoại dân tộc – tinh thần Thánh Gióng”); khúc tráng ca cách mạng (tác phẩm “Bạch Đằng”, “Điện Biên Phủ trên không”, “Thiếu nữ đất thép”; sự kỳ vĩ của thiên nhiên (các tác phẩm về đề tài Hạ Long) và đặc biệt vẻ đẹp sâu lắng của Thăng Long – Hà Nội (tác phẩm “Chùa Thầy”, “Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, “Hà Nội trong sắc đỏ”, “Hà Nội 1930”).

Họa sĩ Nguyễn Anh Thường quê gốc ở Hải Hưng, nhưng ông đã sống trọn cuộc đời hội họa tại con phố nhỏ Nguyễn Thái Học ở Hà Nội. Những con phố cũng là đối tượng nghệ thuật đầu tiên đem đến cảm xúc đặc biệt cho cuộc đời của ông. Ông vẽ nhiều về phố Hà Nội bằng chất liệu sơn dầu, ngoài ra còn cả ký họa bút sắt và mực tàu. Hầu hết tranh về phố của họa sĩ dù tone màu tươi sáng hay trầm buồn đều có sắc độ tương phản sáng tối mạnh mẽ, giàu tình hiện thực và biểu hiện.

ha-noi-1930.jpg
Tác phẩm "Hà Nội 1930" của  họa sĩ Nguyễn Anh Thường.

Nhà sưu tập Phan Minh Hà – người lưu giữ toàn bộ và có hệ thống những tác phẩm sơn mài, sơn khắc khổ lớn đặc sắc và quan trọng nhất của họa sĩ Nguyễn Anh Thường cho biết anh quen họa sĩ Nguyễn Anh Thường đã gần 20 năm. Được tiếp xúc trao đổi cùng họa sĩ, chứng kiến quá trình sáng tạo của họa sĩ anh càng hiểu và trân trọng hơn những nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, say mê hết lòng với nghệ thuật của ông. Đến nay, dẫu đã 94 tuổi ông vẫn còn say sưa với những phác thảo, vẫn tâm huyết với nghề.

Trong bộ sưu tập của Phan Minh Hà, có nhiều bức anh đã "đặt hàng" họa sĩ vì thế anh đã chứng kiến ông trăn trở từ khi dựng phác thảo tới khi hoàn thành tác phẩm. “Biết tôi tổ chức triển lãm này, ông phấn khởi lắm, còn dặn tôi ghi lại những lời chê của người xem “để còn khắc phục” vì ông bảo họ có chê thì họ mới hiểu tác phẩm của mình”, nhà sưu tầm Phan Minh Hà bộc bạch.

Cùng với những bức vẽ khổ lớn của họa sĩ Nguyễn Anh Thường, 10 tác phẩm trên chất liệu sơn mài, sơn dầu và sơn khắc của họa sĩ Vũ Hồng Ngọc mang tới không gian triển lãm sự thanh bình, êm ả, bay bổng và rất đỗi nên thơ.

lang-phu-dong-cua-vu-hong-ngoc.jpg
Tác phẩm "Làng Phù Đổng" của họa sĩ Vũ Hồng Ngọc.

Nhà sưu tập Phan Minh Hà chia sẻ, anh luôn cảm nhận được chữ “tình” từ những bức vẽ của họa sĩ Vũ Hồng Ngọc. Hội họa của bà hướng tới sự giản dị, chân phương là cảm xúc ấn tượng về những di tích lịch sử đền, chùa cổ kính, những góc phố rợp tán cây vàng, đỏ thời khắc giao mùa, những bến sông nơi sơ tán, rặng tre bình yên ở vùng quê… Tất cả toát lên một tâm hồn nghệ thuật hồn hậu yêu thiên nhiên và đằm thắm tình người.

Những bức tranh của họa sĩ Vũ Hồng Ngọc được giới thiệu trong triển lãm này chính là một phần quan trọng trong rất nhiều thể loại tranh mà bà đã sáng tác trong gần 80 năm cuộc đời.

tranh-pho-hang-giay.jpg
Tác phẩm "Phố Hàng Giấy" của họa sĩ Vũ Hồng Ngọc.

Nếu “Ký ức sơ tán”, “Lũy tre làng”, “Tóc xanh” đưa người xem trở về với những ký ức một thời thì những bức vẽ về Hà Nội lại mang đến những cảm xúc sâu lặng về một Hà Nội cổ kính, linh thiêng, hào hoa.

Họa sĩ Vũ Hồng Ngọc từng chia sẻ cả tuổi trẻ của bà đã rất vất vả nên đến khi vẽ tranh bà rất muốn người thưởng thức cũng cảm thấy thanh thản đầu óc khi ngắm nhìn tranh của mình, thông qua tác phẩm, để truyền tải năng lượng an yên, hướng con người tới Chân – Thiện – Mỹ. Và điều này cũng đã được minh chứng qua những tác phẩm được nhà sưu tập Phan Minh Hà giới thiệu tại triển lãm.

trien-lam.jpg
Triển lãm thu hút nhiều công chúng tới thưởng lãm. Ảnh: Quang Hưng

Một điều khá thú vị là trong số 23 tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm thì có 2 tác phẩm được hai họa sĩ Nguyễn Anh Thường và Vũ Hồng Ngọc cùng thực hiện. Đó tác phẩm “Hào khí Thăng Long” vẽ năm 2010 đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và tác phẩm “Ô Quan Chưởng” vẽ năm 2016. Dẫu hai phong cách khác biệt, hai cá tính sáng tạo riêng, nhưng với tình yêu dành cho Hà Nội và niềm đam mê nghệ thuật hai họa sĩ đã tạo nên những cộng hưởng trong nghệ thuật, đem đến sự hài hòa trong bố cục, màu sắc và chuyển tải tinh thần nội dung tác phẩm.

Nói về triển lãm này, nhà phê bình mỹ thuật Phạm Quốc Trung khẳng định: “Hào khí Thăng Long” như một sự tôn vinh sự nghiệp làm nghệ thuật và các tác phẩm hội họa của họa sĩ Nguyễn Anh Thường và họa sĩ Vũ Thị Hồng Ngọc. Qua đó, chia sẻ những giá trị văn hóa, nghệ thuật của hội họa của hai tác giả tới cộng đồng.

Còn nhà sưu tập Phan Minh Hà thì trải lòng: “Triển lãm này như một sự bày tỏ lòng cảm ơn, tri ân sâu sắc tới hai họa sĩ, những gương mặt hội họa trải qua thời gian vẫn lịch lãm, đầy đam mê và thơ mộng, góp phần trù phú cho mùa màng mỹ thuật hiện nay”.

Họa sĩ Nguyễn Anh Thường (Nguyên Vũ) sinh năm 1930, là một trong những sinh viên xuất sắc của khóa Tô Ngọc Vân (1955 - 1957) trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Ông từng tham gia du kích Bắc Sơn, chiến đấu ở chiến trường Thượng Lào và có nhiều năm tháng gắn bó với vùng đất mỏ Quảng Ninh góp phần vào sự phát triển của phong trào mỹ thuật nơi đây. Từ năm 1959 - 1990, Nguyễn Mạnh Thường công tác tại xưởng phim đèn chiếu, vẽ trên 150 bộ tranh phim về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Họa sĩ Nguyễn Anh Thường đã 2 lần được Ủy ban Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc trao giải Nhất về tranh phim; được Huy chương Đồng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990 với tác phẩm “Bến trăng”; có tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một số sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.

Nữ họa sĩ Vũ Hồng Ngọc sinh năm 1945, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1978. Bà từng gắn bó với Tổng công ty XNK Thủ công Mỹ nghệ Artexport và Công ty Diafilm – Bộ Văn hóa với vai trò họa sĩ. Họa sĩ Vũ Hồng Ngọc đã được trao tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam; có tranh trong các sưu tập tư nhân tại Hà Lan, Hungary, Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam.

Thụy Phương