Mỹ thuật

"Phố xưa, hè cũ" qua tranh của họa sĩ Trần Nam Long

Thụy Phương 06:00 04/03/2023

Hơn 50 bức tranh vẽ về những con phố Hà Nội vừa được giới thiệu với công chúng trong triển lãm cá nhân của họa sĩ trẻ Trần Nam Long. Triển lãm mang tên “Phố xưa, hè cũ” diễn ra từ 2 – 6/3/2023 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Những bức vẽ được “trình làng” trong triển lãm cá nhân đầu tiên này chủ yếu được hoạ sĩ Trần Nam Long vẽ từ năm 2021 trở lại đây, hi hữu có bức vẽ năm 2019 khi Nam Long mới 14 tuổi. Chưa từng qua một trường lớp về hội họa, Nam Long còn phải đối mặt với nghịch cảnh bởi từ khi sinh ra Long đã không thể nghe được âm thanh cuộc sống, thêm nữa còn mắc chứng tự kỷ. Nhưng tình yêu và niềm đam mê với hội họa đã khiến cuộc đời Nam Long trở nên ý nghĩa.

ben-o-cua-tran-nam-long.jpg
"Bên ô cửa" - Tranh của Trần Nam Long

Đến với “Phố xưa, hè cũ” người xem có thể cảm nhận được dấu vết thời gian trên những gương mặt phố Hà Nội qua bóng dáng của những ngôi biệt thự cổ, chung cu cữ mang nét đặc trưng của Hà Nội. Tất cả được Trần Nam Long tái hiện tỉ mỉ và kỹ lưỡng trong từng chi tiết, từ những bức tường, ô cửa, bậc thềm và cả những ngõ sâu...

Có thể kể tới những bức vẽ về phố Nguyễn Thái Học, góc quen phố Liên Trì – Trần Quốc Toản, phố Phùng Hưng - Hàng Mã, phố Ngô Sĩ Liên, Cửa Đông, Đường Tàu... rồi những ngôi nhà trên phố cổ Tô Hiến Thành, Trần Xuân Soạn, Phan Huy Chú, Trần Hưng Đạo, Đặng Tất; khu tập thể D14 Phương Mai, tập thể A12 Tôn Thất Tùng, cầu Long Biên... và cả những khoảng lặng, góc nhớ, ký ức mùa đông...

pho-phan-huy-chu-2.jpg
Phố Phan Huy Chú - Tranh của Trần Nam Long

Chia sẻ tại triển lãm, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nhận xét: "Hà Nội ngày một đông đúc, đồ sộ, tấp nấp, tân kỳ nhưng Hà Nội của Trần Nam Long nho nhỏ quen quen, vừa đủ để ta quanh quẩn cả đời, bịn rịn và nhớ nhung khi xa".

pho-ngo-si-lien-tran-nam-long.jpeg
Phố Ngô Sỹ Liên trong tranh Trần Nam Long.
ky-hoa-cau-long-bien-tran-nam-long.jpg
Ký họa Cầu Long Biên của Trần Nam Long.

Còn nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân (Viện Nhân học Văn hóa) thì đánh giá: "Tuy cơ bản là một người tự học vẽ, nhưng tranh của Long, dù là ký họa hay tác phẩm sơn dầu hoàn chỉnh, có độ chi tiết kỳ lạ và bố cục, tỷ lệ chuẩn xác về kiến trúc. Nếu để ý kỹ, có những cái “vụng” của người không trải qua đào tạo trường quy bài bản, song, đấy là sự non vụng làm nổi bật cái nhìn trong sáng vốn là giá trị thực sự trong các tác phẩm của em. Tôi nghĩ, tranh Hà Nội của Long được đón nhận và yêu mến bởi tính cộng cảm và hoài niệm phổ quát. Ngắm nhìn chúng, mỗi chúng ta sẽ tự liên hệ tới từng câu chuyện, từng trải nghiệm, từng kỷ niệm của riêng ta với Hà Nội”. 

Thụy Phương