Văn học - Nghệ thuật

Giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam với sự phát triển của văn học nghệ thuật

Thụy Phương 15:02 02/03/2023

Tọa đàm “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam” do Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng 2/3 đã thu hút đông đảo các văn nghệ sĩ đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, nhà thơ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định: “Đề cương về văn hóa Việt Nam là tuyên ngôn đầu tiên của Đảng về chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, tạo nền tảng lý luận quan trọng hình thành các chủ trương, đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng gắn với mỗi giai đoạn cách mạng. Đây là văn kiện khai phóng, cắm mốc lịch sử tư duy chiến lược sâu sắc về việc Đảng vô sản phải kịp thời nắm quyền lãnh đạo văn hóa, văn nghệ, tổ chức, tập hợp đội ngũ trí thức văn hóa, văn nghệ trong mặt trận dân tộc thống nhất, đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng, chấn hưng nền văn hóa mới của dân tộc, phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân lao động”.

1.jpg
Tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các văn nghệ sĩ.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thực tiễn sáng tác của đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay cho thấy tư tưởng dân tộc hóa, đại chúng hóa khoa học hóa của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị.

“Trải qua một thời gian dài, thế giới cũng như trong nước có nhiều thay đổi, song Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn luôn cho thấy tình thời sự của nó. Điều đó cho thấy giá trị của một tài liệu mang tính chính trị, song lại mang đậm giá trị văn hóa đối với đất nước chúng ta”. GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhấn mạnh.

Soi chiếu hệ giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam vào các lĩnh vực của văn học nghệ thuật, các đại biểu tham gia tọa đàm cũng đề cập tới những vấn đề còn tồn tại trong đời sống văn học nghệ thuật hiện nay đồng thời đưa ra những đề xuất nhằm phát huy hơn nữa vai trò của văn học nghệ thuật. Cụ thể, đó là việc tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế để thúc đẩy văn học nghệ thuật phát triển; bổ sung, hoàn thiện và xây dựng cơ chế chính sách đáp ứng yêu cầu mới trong hoạt động văn học nghệ thuật; chú trọng công tác tuyên truyền quảng bá giá trị, thành tựu của văn học nghệ thuật; kiến tạo sự đa dạng và độc đáo trong văn hóa các dân tộc thiểu số…

Theo NSND, họa sĩ Vương Duy Biên – Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, rất cần có sự quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết đã có của Đảng về văn học nghệ thuật nói riêng và về văn hóa nói chung.

NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng nên đặt sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật trong mối tương quan với phát triển công nghiệp văn hóa. Cần phải nghiên cứu và khu biệt những phân khúc của từng loại hình văn học nghệ thuật, từng nhóm, thể loại, chủ đề để có phương án tổ chức, lãnh đạo, quản lý, hỗ trợ đầu tư đúng tầm, đúng hướng. Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn tới vấn đề giáo dục văn học, nghệ thuật trong môi trường gia đình, trường học, xã hội; chăm lo cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong điều kiện mới...

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, chất lượng dân trí hiện nay được nâng cao rất nhiều, bởi thế chất lượng văn học nghệ thuật càng phải nâng cao, vì tác phẩm có hay thì mới đến được với công chúng. Ông cũng bày tỏ mong muốn từ cuộc tọa đàm sẽ lan tỏa, thúc đẩy sáng tạo của giới văn nghệ sĩ để có thêm nhiều những tác phẩm hay, phục vụ đất nước.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Thực tiễn 80 năm qua đã chứng minh đề cương văn hóa Việt Nam như sự khai phá, mở đường cho văn hóa Việt Nam. Đến nay, Đề cương vẫn đóng vai trò hạt nhân trong đường lối phát triển văn hóa văn nghệ dân tộc”. Để  văn học, nghệ thuật Việt Nam tiếp tục phát triển, đạt được những thành tựu mới trong bối cảnh hiện nay, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng cần tiếp tục thay đổi, nâng cao, nhận thức của hệ thống chính trị các cấp về vai trò, vị trí của văn học nghệ thuật đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Thêm nữa, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam và phát huy mạnh mẽ vai trò của phê bình văn học, nghệ thuật; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ kế cận; cải thiện môi trường làm nghề cho văn nghệ sĩ; nâng cao năng lực thẩm mỹ của công chúng.

Thụy Phương