Hà Nội xưa - nay

Lễ kỷ niệm Ngày hóa Đức Thánh Linh Lang Đại Vương thượng đẳng phúc thần tại đền Voi Phục

Kim Thoa 13:03 02/03/2023

Hằng năm, cứ đến ngày 10 tháng Hai âm lịch, quận Ba Đình (Hà Nội) lại tổ chức lễ kỷ niệm Ngày hóa Đức Thánh Linh Lang Đại Vương thượng đẳng phúc thần tại đền Voi Phục.

voi-phuc-4084.jpg
Lễ kỷ niệm Ngày hóa Đức Thánh Linh Lang Đại Vương thượng đẳng phúc thần tại đền Voi Phục (ảnh: giaoducthoidai.vn)

Đền Voi Phục- Thủ Lệ là một trong “Thăng Long tứ trấn” của thành Thăng Long xưa. Đền được lập từ đời vua Lý Thánh Tông (năm 1065) ở phía tây kinh thành Thăng Long thuộc địa phận làng Thủ Lệ nay thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền thờ Đức Thánh Linh Lang Đại Vương, người đã giúp nhà vua đánh tan quân Tống sang xâm lược nước ta trên vùng đất Thăng Long xưa. Với những giá trị tiêu biểu, trường tồn di tích đền Voi Phục-Thủ Lệ đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 1962.

Theo hồ sơ di tích, Đức Thánh vốn là hoàng tử thứ tư của Vua Lý Thánh Tông, mẹ là Hoàng phi họ Nguyễn (thường gọi là Hạo Nương, người làng Đồng Đoàn, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây – nay là làng Bồng Lai, xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội). Linh Lang Đại vương sinh ngày 13 tháng Chạp năm Giáp Thìn (1064), được đặt tên là Hoằng Chân. Tương truyền, hoàng tử Hoằng Chân sinh ra đã có diện mạo khôi ngô, tuấn tú. Suốt tuổi thơ, hoàng tử sống trong cung cùng mẹ ở khu Thị Trại (nay là phường Thủ Lệ). Lớn lên, Hoằng Chân tỏ rõ là chàng trai văn võ song toàn.

Thuở ấy, giặc Tống liên kết với quân Chiêm Thành kéo hàng vạn hùng binh bao vây chiếm đánh Đại Việt, thế giặc khi ấy rất mạnh. Nhà vua bèn xuống chiếu mời nhân tài đánh giặc cứu nước. Khi sứ giả của nhà vua đi ngang qua Thị Trại, hoàng tử Hoằng Chân nhờ sứ giả về tâu với Vua chuẩn bị cho mình một lá cờ hồng, một cây giáo dài, một thớt voi. Sứ giả vui mừng vội về tâu lại với nhà vua. Nhà vua bèn cấp đủ những thứ hoàng tử Hoằng Chân yêu cầu, ngoài ra còn cấp thêm hơn năm ngàn binh mã. Nhận được đồ vật vua ban, Hoằng Chân bèn thét lớn: “Ta là thiên tướng”. Con voi nghe tiếng thét bèn phủ phục xuống để hoàng tử ngự lên. Trên lưng voi, hoàng tử Hoằng Chân chỉ đạo hơn năm ngàn binh mã vua ban và 121 nghĩa sĩ của Thị Trại đánh thẳng vào nơi giặc đồn trú.

Giặc Tống thấy quân ta hùng dũng xông tới, nghe tiếng voi gầm ngựa hí thì hồn siêu phách tán, bỏ cả gươm giáo tháo chạy thoát thân. Trận ấy, hoàng tử và ba quân ca khúc khải hoàn. Nhà vua rất đỗi vui mừng, cho mở yến tiệc khao quân. Sau buổi yến tiệc, nhà vua tỏ ý muốn nhường ngôi cho hoàng tử Hoằng Chân, nhưng hoàng tử không nhận. Sau đó ít lâu, hoàng tử Hoằng Chân lâm bệnh nặng. Nhà vua truyền ngự y đến cứu chữa cho ngài, nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Không lâu sau, hoàng tử qua đời. Nhà vua tiếc thương, bèn phong hoàng tử Hoằng Chân làm Linh Lang Đại vương, cho lập đền thờ ngay tại Thị Trại, đổi tên Thị Trại thành ra Thủ Lệ, lại xuống chiếu cho người dân làng ấy được hưởng “Hộ nhi sở tại”, tức là được miễn phu phen, tạp dịch muôn đời để chuyên tâm thờ phụng Linh Lang Đại vương.

Để tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Linh Lang Đại Vương  vua Lý Thánh Tông đã sắc phong “Linh Lang Đại Vương thượng đẳng phúc thần” cho xây ngôi đền trên gò Long Thủ, nay là đền Voi Phục, để thờ phụng Ngài. Các đời Trần, Lê, Đức Thánh đều rất linh ứng phò giúp nước, giúp dân, dẹp giặc ngoại xâm nên đều được bao phong mỹ tự, sánh cùng trời đất, muôn thuở lưu truyền.

Lễ hội đền Voi Phục là một trong những lễ hội có quy mô tổ chức lớn so với các lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng thời có quy mô lớn nhất so với các lễ hội của Trấn Đông, Trấn Nam và Trấn Bắc. Theo tục lệ, công tác chuẩn bị lễ hội rất công phu từ đồ tế lễ, cắt cử người tham gia rước kiệu, trang hoàng đường xá, lễ tiết được thực hiện thận trọng và nghiêm ngặt. Bên cạnh phần lễ, phần hội gồm có các trò chơi dân gian, được diễn ra tại khu vực sân lễ hội cùng với các hoạt động hát quan họ và ca múa nhạc chào mừng. Lễ hội có sự tham gia đông đảo của nhân dân các địa phương cùng thờ Đức Thánh cũng như quê mẹ Bồng Lai, thể hiện tinh thần giao hảo, keo sơn.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến khẳng định, lễ hội truyền thống là dịp ôn lại công lao của Đức Thánh Linh Lang Đại Vương, người có công trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc, đồng thời, tri ân Đức Thánh và các anh hùng, liệt sĩ của dân tộc đã hy sinh trong các thời kỳ chống quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc và giáo dục truyền thống yêu nước, giữ nước, uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Qua đó, tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Voi Phục.

Để xứng đáng với sự hy sinh, công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, các bậc tiền nhân, Chủ tịch UBND quận Ba Đình nhấn mạnh, năm 2023, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân quận Ba Đình sẽ tiếp tục giữ vững đoàn kết thống nhất, quyết tâm hoàn thành xuất sắc 30 chỉ tiêu trong công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa, an ninh - quốc phòng, 10 mục tiêu phấn đấu trên các lĩnh vực năm 2023.

Lễ hội năm nay được tổ chức với các nghi lễ trang trọng, thể hiện lòng biết ơn của nhân dân đối với công lao Đức Thánh Linh Lang Đại Vương.

Đây cũng là dịp để cán bộ và nhân dân quận Ba Đình thể hiện tình cảm và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đạo lý cao đẹp của dân tộc, nhất tâm thực hiện chu đáo các nghi thức truyền thống của ông cha, xứng danh với bề dày của Ba Đình lịch sử.

Kim Thoa