Văn hóa – Di sản

Lễ khánh thành dự án tu bổ di tích đình Trường Lâm

Kim Thoa (T/h) 16:06 28/02/2023

Đình Trường Lâm là nơi thờ ba vị Linh Lang đại vương, công chúa Đào Hoa và công chúa Phù Nương. Trong đó, Linh Lang đại vương là đức thánh đệ nhất.

img-4907(1).jpg
Di tích duy nhất thờ Linh Lang đại vương có điệu múa lột rắn là đình Trường Lâm (ảnh: hanoimoi.com.vn)

Ngày 28/2, tại di tích đình Trường Lâm (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội), UBND quận Long Biên tổ chức Lễ khánh thành dự án tu bổ di tích đình Trường Lâm, khai mạc lễ hội đình Trường Lâm Xuân Quý Mão 2023.

Tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh, quận Long Biên luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, di sản trên địa bàn, trong đó có đình Trường Lâm và lễ hội Trường Lâm. Thông qua các hoạt động này, nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa trong cộng đồng nhân dân địa phương.

Cụm di tích đình-chùa Trường Lâm được Bộ văn hóa-thể thao và du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1992. Đình Trường Lâm thờ 3 vị Thành hoàng làng là Thánh Linh Lang Đại vương - Thượng đẳng phúc thần; Công chúa Đào Hoa (còn gọi là Thiên tiên Đào Anh phu nhân - Thượng đẳng thần) và Công chúa Phù Nương - Trung đẳng thần. Theo thần tích, Linh Lang là Hoàng tử Hoằng Chân, con Vua Lý Thánh Tông (1054-1072) đã có công đánh đuổi giặc Tống xâm lược (1076-1077), được dân gian coi là vị thần trấn giữ phía Tây Kinh thành Thăng Long, còn 2 vị công chúa đã có công dạy hát dân ca… Chùa Trường Lâm hay "Linh Quang tự", tương truyền có từ thời Lý, là nơi nhân dân thờ cúng Phật… 
Đây là những công trình kiến trúc, tín ngưỡng văn hóa khá độc đáo vùng Đồng bằng Bắc bộ. Đình có cảnh quan thoáng rộng, quy mô bề thế, gần quốc lộ 1 nên khá thuận tiện cho du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng. Tòa đại đình gồm năm gian, hai trái với bộ vì kèo bằng gỗ lim, cấu tạo theo kiểu "thượng giá chiêng chồng rường con nhị hạ kẻ". Hậu cung của đình còn ghi câu đối "Lý triều đế tử trấn quốc thị Hoằng Chân. Giang Nguyệt chiến công liệt oanh truyền thiên cổ" (nghĩa là Thái tử Hoằng Chân con vua Lý có công giữ nước. Chiến công sông Nguyệt oanh liệt truyền từ xưa tới nay)... Chùa Linh Quang được bố trí mặt bằng kiểu chữ Đinh, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như các đạo sắc của các triều đại từ Lê Cảnh Hưng đến thời Nguyễn, hai hoành phi gỗ sơn son thếp vàng…

Đình Trường Lâm còn tự hào gắn với thời kỳ cách mạng, được công nhận là di tích cách mạng kháng chiến. Tượng đài Bác Hồ xây dựng với dáng phương đình được xây dựng theo kiểu kiến trúc cuối thể kỷ 20 chiếm vị trí quan trọng của khu sân đình hiện nay nhằm ghi lại sự kiện Bác Hồ về thăm địa phương - một trong những sự kiện được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trường Lâm mãi mãi tự hào và lưu truyền. Đó là vào ngày 18/2/1958, tức sáng mồng một tết Mậu Tuất, Bác Hồ và bác sỹ Trần Duy Hưng - Chủ tịch Uỷ ban hành chính Hà Nội cùng lãnh đạo thành phố đã về thăm, biểu dương chính quyền và nhân dân Trường Lâm có nhiều thành tích làm thuỷ lợi chống hạn, khai hoang trong năm 1958. Lời căn dặn của Bác về tăng gia sản xuất, bảo vệ giữ gìn di tích đình Trường Lâm, chăm lo đời sống, học tập cho thiếu nhi địa phương…vẫn còn đọng sâu trong tâm trí của nhiều cụ phụ lão trong thôn, đã được kể lại nhiều lần cho con cháu nghe và học tập. Do vậy, ngoài việc là di tích lịch sử truyền thống của địa phương, đình Trường Lâm còn là nơi lưu giữ kỷ niệm không phai mờ tình cảm của nhân dân địa phương với Bác Hồ kính yêu.

Sau lễ khánh thành là màn khai hội đình Trường Lâm, với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, trong đó tiêu biểu là nghi lễ múa lột rắn truyền thống.

Trong 269 nơi thờ Linh Lang đại vương, chỉ duy nhất ở đình Trường Lâm có điệu múa lột rắn. Điệu múa vừa thể hiện sự tích Linh Lang đại vương, vừa thể hiện mong muốn tiêu thoát nước, trị thủy của người dân. Hình ảnh uốn lượn của rắn tượng trưng cho dòng nước chảy lên xuống, cũng là khát vọng của người dân về một năm mới mưa thuận gió hòa, nhiều hanh thông, may mắn.

Còn nghi thức múa lột rắn và lễ hội làng Trường Lâm có từ khoảng thế kỷ XV, cùng với sự hình thành của đình làng. Qua nhiều thăng trầm của lịch sử, người làng vẫn luôn cố gắng gìn giữ. Những năm gần đây, di tích và lễ hội ngày càng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền cũng như cộng đồng. Các thanh niên đều hăng hái tham gia tập luyện để thể hiện màn múa lột rắn được nhuần nhuyễn, đẹp mắt nhất. Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018.

Kim Thoa (T/h)