Check in Hà Nội

Vùng núi Ba Vì

Phương Anh 28/02/2023 10:58

Vùng núi Ba Vì là một dãy núi đá vôi lớn trải dài trên phạm vi rộng chừng 7.000ha, nằm ở phía tây thành phố Hà Nội, gồm một vùng sinh thái hoàn chỉnh, tính từ độ cao 100m trở lên.

nui-ba-vi.jpg
Vùng núi Ba Vì

Uốn lượn quanh chân núi Ba Vì ở phía tây là dòng sông Đà thơ mộng, hồ Suối Hai mênh mông trải rộng ra ở phía đông, tạo thành một khung cảnh sơn thủy hữu tình. Trên núi Ba Vì có nhiều ngọn núi, cao nhất là đỉnh Vua cao 1.296m, đỉnh Tản Viên cao 1.281m, giữa thắt cổ bồng, trên xòe ra như cái tán, bốn mùa mây trắng bao phủ; đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131m (đặt theo tên của công chúa con vua Hùng thứ XVIII được gả cho Sơn Tinh). Ngoài núi Tản Viên, trên Ba Vì còn có các núi Ngọc Lĩnh, Tương Miêu, U Bò, núi Chẹ (còn gọi là núi Sụ Tung), Chẹ Đùng (tương truyền do Thánh Tản gánh về đắp chặn phía tây nam chống Thủy Tinh). Núi Chàng Rế chắn phía ngoài, giáp sông Đà, đứng ngả đầu xuống Ngòi Tôm (nay thuộc xã Khánh Thượng). Núi Năm Voi gồm 5 quả núi liền kề nhau giữa một bãi rộng (xã Tản Lĩnh). Núi Lỗi Sơn (U Rong) cao 750m, ở cạnh sông Đà thuộc xã Ba Trại, theo sách “Đại Nam nhất thống chỉ”, núi này còn có tên là Động Sơn, dưới chân núi có động rộng chứa được khoảng vài chục người, phía trên có lỗ chiếu sáng.

Nhưng theo tâm thức dân gian của người Việt, núi Ba Vì lại được coi là cao nhất - vì đây là nơi thờ Đức Thánh Tản - một trong “Tứ bất tử” của tâm thức dân gian người Việt, đệ nhất phúc thần - biểu tượng của ý chí chiến thắng lũ lụt của cha ông ta thủa xưa. Vì vậy, dân gian xưa có câu:

Nhất cao là núi Ba Vì

Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn

Về mặt địa chất núi Ba Vì có từ pha uốn nếp Hercynian, cách ngày nay trên 200 triệu năm, thuộc thời kỳ cuối Giới Cổ Sinh (Paleozoic) thuộc thống Permian thượng (P2) gồm đá phiến vôi, đá phiến xilic, nhiều nơi có baxit và than đá; được phủ lên một lớp magma thành phần basic, phần lớn là đá porphyrit màu xanh lá cây do một số núi lửa phân bố ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Hoà Bình và Hà Tây (cũ) đem lại.

Trong sách Bắc Thành địa dư chí - Lê Đại Cương chép: “Núi này ở huyện Bất Bạt, phủ Quảng Oai, hình núi tròn như cái tán, nên gọi là Tản Viên, rộng rãi bao la, đứng cao hùng vĩ, làm trấn sơn cho cả nước, cao 2.310 trượng, chu vi 18.605 trượng, hướng tây có Đà giang chảy quanh...”. Địa hình gò đổi dưới chân và bao quanh núi Ba Vì có dạng bát úp ở địa phận xã Kim Sơn như đồi Vai 113m là quả đồi lớn nhất vùng, được mệnh danh là “Tướng Vai” trấn giữ mạn đông bắc, dãy đồi lượn sóng thuộc xã Xuân Sơn nối tiếp theo nhau như đàn rùa đang chạy, tạo nên dãy đồi Đùm, truyền thuyết dân gian cho là Sơn Tinh gánh đất đắp thành luỹ, đê điều chống Thuỷ Tinh bị đứt quai, lọt sọt đã đánh rơi đất ra đấy. Câu ví: Đôi Đùm đứt quai, đồi Vai lọt sọt là như thế.

Do xâm thực của các dòng nước chảy từ trên Tản Viên xuống như thác trong mùa mưa, mà vùng đồi này đã bị cắt xẻ ra nhiều khe sâu ở các xã Thụy An và Tản Lĩnh, nay họp thành đầm Đượng làm lòng hồ Suối Hai.

Để giải thích sự hình thành của đồi gò, núi sót quanh chân núi Ba Vì, người xưa đã huyền thoại hoá các phen lũ lụt thành những trận thuỷ chiến giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh.

Trên đỉnh núi Ba Vì có đền Thượng thờ thần núi Sơn Tinh (tức Đức Thánh Tản) và đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưng chừng núi có đền Trung, tương truyền là nơi Thần thường ngồi chơi ngắm cảnh; đền Hạ ở chân núi.

Khí hậu Ba Vì mát mẻ, trong lành. Ở độ cao 400m và 600m là hai nơi nghỉ mát hấp dẫn, nhiệt độ thấp hơn đồng bằng từ 7 - 8 độ. Tại hai cao điểm này, năm 1952, quân ta đã tiến công quét sạch hệ thống đồn bốt của giặc Pháp, diệt 7 trung đội địch, mở đầu chiến dịch Hòa Bình.

Trên núi Ba Vì còn có nhiều cánh rừng nguyên sinh. Hệ sinh thái động thực vật phong phú, đa dạng. Vườn Quốc gia Ba Vì là nơi bảo tồn sự đa dạng sinh học của Ba Vì.

Với những tiềm năng du lịch nhân văn và thiên nhiên kể trên, núi Ba Vì từ lâu đã trở thành điểm du lịch, tham quan nghỉ dưỡng nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam, hàng năm thu hút rất nhiều khách tới tham quan.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Phương Anh