Chính sách & Quản lý

Những điều chưa biết về Y Miếu Thăng Long

Ly Ly 27/02/2023 15:02

Đường dẫn vào Y Miếu Thăng Long là một lối nhỏ đi ngang qua khu chợ Ngô Sĩ Liên chật chội, đông đúc và "sặc mùi" các loại thực phẩm khiến tôi không khỏi chạnh lòng.  Y Miếu nằm lọt thỏm trong khu chợ và bị bao bọc bởi dãy nhà dân bao quanh.

“Vang bóng một thời” - Nơi thờ các vị danh y lớn

Theo Di tích lịch sử - văn hoá Hà Nội (http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com) có viết Y Miếu Thăng Long được xây vào giữa thế kỷ 18, trong thờ các vị Tổ nghề Y. Ngay những năm mới lên ngôi, vua Lê Hiển Tông (1740-1786) đã cho kiến lập Y Miếu để thờ tiên thánh và các vị danh y lớn. Vào năm Canh Ngọ (1750), Xuyên Hầu và Ngoạn Quận công đã tiến hành xây dựng công trình đầu tiên trên một thửa đất thuộc huyện Quảng Đức ở phía tây hoàng thành, nhưng Y Miếu lúc đó còn rất sơ sài.

6.jpg
Y Miếu Thăng Long

Ngay những năm mới lên ngôi, vua Lê Hiển Tông (1740-1786) đã cho ý kiến lập Y Miếu để thờ tiên thánh và các vị danh y lớn. Vào năm Canh Ngọ (1750), Xuyên Hầu và Ngoạn Quận công đã tiến hành xây dựng công trình đầu tiên trên một thửa đất thuộc huyện Quảng Đức ở phía tây hoàng thành, nhưng Y Miếu lúc đó còn rất sơ sài.

Đến năm Cảnh Hưng thứ 34 (1773), có Chưởng Viện Thái Y Trịnh Đình Ngoạn đứng ra trông coi việc xây dựng và mở rộng Y Miếu với quy mô lớn hơn. Việc này được ghi lại trên tấm bia của Viện Thái Y, dựng vào năm Giáp Ngọ (1774) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 35, hiện còn lưu tại chùa Phổ Giác ở phố Ngô Sĩ Liên ngay gần miếu. Theo đó, vua ra lệnh cho Viện Thái Y chọn đất và lĩnh tiền để xây dựng Y Miếu. Công việc đã có sự lần lữa, chậm trễ, rồi bị bỏ lơi đi một thời gian. Mãi sau có ông Trịnh Đình Ngoạn hăng hái đứng ra đôn đốc. Ông vốn sinh trong một gia đình nhiều đời làm thuốc ở xã Định Công, huyện Thanh Trì; lớn lên tinh thông y lý kinh sử và làm đến chức Chưởng Viện Thái Y.

Nhận thấy khoảnh đất công giáp phía tây Phượng Thành, bên trái Văn Miếu, lại có dòng nước bao quanh, cách biệt nơi bụi bặm ồn ào, Trịnh Hầu đã mạnh dạn tâu trình, liền được Chúa Trịnh khen ngợi chuẩn y và cấp 10 mẫu ruộng để dùng vào việc đèn hương. Quốc Thánh Mẫu (mẹ Chúa) còn ban thêm cho hai hốt bạc. Noi theo thịnh tình của Thánh Mẫu, nhiều vị trong nội cung đều góp bạc, góp tiền để giúp vào việc xây dựng Y Miếu. Vậy nên chỉ “vài tháng đã xong, thẳng thắn, bay bướm, cung tường lộng lẫy, dãy dọc toà ngang, cột rường đồ sộ…”.

Thời kỳ đầu, dân vẫn quen gọi Y Miếu là Viện Thái Y, mãi rồi mới gọi là Y Miếu Thăng Long. Sang thời Nguyễn, Y Miếu Thăng Long nằm trong tổng Hữu Nghiêm, sau đổi thành tổng Yên Hoà, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Năm 1834, Y Miếu Thăng Long được trùng tu lớn, mở rộng thêm nhiều. Từ năm 1942 thì Y Miếu Thăng Long thuộc về địa phận nội thành Hà Nội.

Sau 1954, Y Miếu từng được trùng tu và làm trụ sở của Hội Đông y VN. Đến năm 1980 lại được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia với tổng thể kiến trúc trong diện tích 747m2 so với 3.600m2 trước đây. Nhưng cùng số phận như chùa Quang Minh ngay bên cạnh, Y Miếu tiếp tục bị lấn chiếm, nay chỉ còn lại 140m2 và phải chung sân, chung cổng với dân thường. Gần đây Y Miếu được sửa sang nhưng lối vào vẫn bị che khuất bởi khu chợ Ngô Sĩ Liên.

Không còn nguyên vẹn…

Một cổng vòm nhỏ có gắn biển số nhà 12 đã bạc màu nằm sâu trong một ngõ chợ nhỏ phố Y Miếu, phường Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội chính là đặc điểm để nhận biết Y Miếu khi chúng tôi tìm đến đây. Có lẽ, chỉ có những “thổ dân” lâu năm ở đây mới biết rõ đường vào Y Miếu như thế này.

3.jpg
Cổng Y Miếu Thăng Long hiện nay
4-chuan.jpg
Phải quan sát kỹ mới nhận thấy biển chỉ dẫn lối vào Y Miếu Thăng Long
8.jpg
Phần tường bên trong nơi thờ tự của Y Miếu đã xuống cấp, bong tróc khắp nơi

Bà Hoàng Thị Thảo năm nay đã 80 tuổi - người trong coi Y Miếu 13 năm nay cho biết, hiện nay diện tích của Y Miếu bị thu hẹp rất nhiều. Theo ghi nhận của phóng viên Người Hà Nội, nhiều hạng mục tại Y Miếu đã xuống cấp rõ rệt: phần tường trên mái và tường bao quanh khu vực thờ tự trong miếu bị bong tróc khắp nơi, loang ố gây mất mỹ quan; lối dẫn vào Y Miếu phải chung cổng với người dân; bên trong nơi thờ tự các vị danh y, nhiều vết nứt ngang lộ rõ, phần tường trên mái và tường bao quanh bị bong tróc, nguy cơ rơi từng mảng vữa vụn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

2(2).jpg
Ngày ngày, bà Hoàng Thị Thảo một mình cặm cụi chăm lo hương khói nơi đây

Khi hỏi về việc hỗ trợ kinh phí trong coi nơi đây, bà Hoàng Thị Thảo cho biết: "Ngân sách của phường trả cho tôi bình quân mỗi tháng một triệu đồng theo định kỳ 6 tháng trả một lần, trong đó đã bao gồm tất cả công và toàn bộ hương hoa cúng dâng hàng ngày, phần lễ hoa quả, oản, xôi… vào những ngày Rằm, mùng Một hàng tháng hoặc ngày lễ đặc biệt như ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2”.

Để gìn giữ và phát huy giá trị các di tích, di sản, thiết nghĩ chính quyền địa phương cùng các cấp ngành liên quan cần có những giải pháp thiết thực hơn nữa để bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.

Y Miếu được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1980.

Ly Ly