Check in Hà Nội

Đình Hạ Yên Quyết

Phương Anh (t/h) 14:14 21/02/2023

Đình Hạ Yên Quyết có tên thường gọi là Đình Cót, thuộc thôn Hạ Yên Quyết, xã Yên Hoà, huyện Từ Liêm (nay tách ra là quận Nam Từ Liê, và Bắc Từ Liêm) Hà Nội.

so-luoc-ve-lich-su-xay-dung-va-kien-truc-cua-dinh-ha-yen-quyet-0.9.jpg
Đình Hạ Yên Quyết

Đình Hạ Yên Quyết được xây dựng làm nơi phụng thờ Cao Sơn, Quý Minh và Lý Phật Tử. Đình là một công trình kiến trúc tôn giáo có quy mô bề thế, dáng vẻ cổ kính. Đình kết cấu chữ “công”, toạ lạc trên một khu đất , rộng rãi, thoáng mát, ở rìa thôn Hạ Yên Quyết. Ca dao địa phương ngợi vẻ đẹp của đình:

“Đình làm trên mắt hoàng xà

Có gò con nhái nhảy qua bên ngoài”

Đình xây theo hướng nam, có Tam quan, Đại đình, Trung cung, Hậu cung.

Từ những ghi chép theo truyền thuyết được một số cụ cao tuổi sinh sống tại địa phương kể lại thì vị trí hiện tại của đình là kết quả của lần di chuyển vị trí thứ tư vào năm Minh Mạng thứ 12 (1831), các vị trí của đình trước đây là ở khu vườn Đóng tức khu làng Đồng - lăng Ông Án, sau đó chuyển đến khu miếu Cả (còn gọi là Trung Miếu), tiếp đến đình được chuyển tới khu vực bãi đình Hát (khu vực UBND xã Yên Hoà cũ), lần cuối cùng di chuyển đến vị trí hiện tại. Như vậy, với tên cổ của đình là đình Cót, gắn với tên chữ của làng là Bạch Liên thuộc tổng Yên Quyết, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây thì chúng ta cũng có thể khẳng định di tích đình Cót đã tồn tại từ thời Lê, mặc dù đình đã phải di chuyển nhiều lần. Tuy vậy, đình vẫn lưu giữ được những nét kiến trúc rất đặc trưng của những ngôi đình thời Lê.

so-luoc-ve-lich-su-xay-dung-va-kien-truc-cua-dinh-ha-yen-quyet-0.6.jpg
Kiến trúc đình Hạ Yên Quyết

Tam quan dựng dàn trải theo chiều rộng, đăng đối với kiến trúc đình trên gò Con Nhái.

Đại bái là nếp nhà 3 gian 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp kiểu chữ “đinh”; hai đốc mái đắp hình rộng, miệng ngậm bờ nóc, bốn đao mái đắp nổi hình rồng. Bên trong bộ khung nhà với 6 bộ vì làm theo kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền bẩy hiện” mái phân “thượng tứ hạ ngữ”, cột gỗ tạo kiểu “thượng thu hạ thách”.

Toà Trung cung nối liền với Đại bái bởi 1 gian nhỏ, phía trên để trần bằng xi măng, phía trong 3 gian với hai hàng chân cột, vì làm kiểu “chồng rường giá chiêng, cột trốn”.

Hậu cung là nếp nhà 3 gian 2 chái, chạy ngang tạo thành chữ “công”. Các vì kèo làm theo kiểu “thượng chồng rường, giá chiêng, cột trốn”; mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, giữa bờ nóc đắp hình rồng chầu.

Hàng năm, đình Cót mở hội vào ba ngày 12 đến 15 tháng 12 âm lịch. Dân làng tổ chức lễ rước thánh từ ba miếu trong làng về đình làm lễ dâng hương, mở hội. Trong ba ngày hội, có tổ chức cờ người, hát thờ cửa đình, các trò chơi dân gian...; đến chiều ngày 15, dân làng lại rước thánh về các miếu như cũ, gọi là rước giá.

Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1994.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Phương Anh (t/h)