Check in Hà Nội

Đình Hạ Hiệp

Phương Anh (t/h) 28/10/2022 09:09

Đình Hạ Hiệp gọi theo tên làng, thuộc xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km về phía tây bắc.

3baiduong-hoa-hiep-1.jpg
Đình Hạ Hiệp cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km về phía tây bắc

Theo cuốn Thần phả còn được lưu giữ, đình Hạ Hiệp thờ Hoàng Đạo, một danh tướng có công giúp Hai Bà Trưng chống giặc Tô Định vào đầu Công nguyên. Sau ngày hoá, dân làng Hạ Hiệp và một số vùng phụ cận đã lập miếu phụng thờ ông. Các đời vua sau đã ban cho ông nhiều sắc phong và phong làm Thượng đẳng thần.

Đình ở giữa làng, quay hướng tây nam, có niên đại vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII. Hạng mục kiến trúc bao gồm: cổng Nghi môn, Tả - Hữu vu, Tiền tế và Đại đình.

nghi-mon-phia-trong-dinh-ha-hiep-phuc-tho-ha-noi.jpg
Nghi môn (phía trong) đình Hạ Hiệp

Nghi môn khá bề thế, gồm hai trụ lớn, mái lợp ngói ri mũi mỏng. Trên đỉnh cột đều đắp hình chim phượng, được trang trí bởi các mảnh sứ nhiều màu. Phong cách Nghi môn này khá phổ biến ở thế kỷ XIX - XX.

Tiền tế gồm 3 gian, 2 dĩ, kiến trúc kiểu chồng diêm. Kết cấu kiến trúc được làm theo kiểu thượng rường, hạ kẻ, 4 hàng chân cột. Toà Tiền tế là công trình kiến trúc sớm vào Hậu Lê đến thời Nguyễn xây dựng lại mà niên đại chính xác của nó vào năm Tự Đức thứ 9 (1856) được ghi trên thượng lương. Nghệ thuật trang trí tại đây tập trung chủ yếu ở các đầu bẩy, xà nách, bờ nóc với các đề tài dân gian quen thuộc như: cá hoá rồng, tứ linh, mây, lá, hoa văn xoắn...

Toà Đại đình gồm 3 gian, 2 dĩ. Kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí tại đây cũng tương tự như ở tòa Tiền tế. Tuy nhiên, các đề tài trang trí ở đây khá phong phú với nghệ thuật chạm khắc khá tinh xảo trên các bức cốn, đầu dư, xà nách, thể hiện đời sống sinh hoạt của người dân như: cảnh đấu vật, cảnh vinh quy, cảnh đi săn, cảnh đánh cờ, chọi trâu... Rải rác trên các cốn nách, có nhiều hoa văn trang trí với nhiều đề tài: rồng lan, người cưỡi ngựa... Đặc biệt, hình Makara, một con vật trong thần thoại Ấn Độ được mô tả rất sống động: thân ngắn, mình uốn cong, chân bốn móng, đuôi có vẩy như đuôi tôm, toàn thân biến thành một giá đỡ đòn tay. Các bức chạm này đều có niên đại vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII.

trang-tri-ben-trong-toa-toa-tien-te-dinh-ha-hiep-phuc-tho-ha-noi.jpg
Trang trí bên trong tòa Tòa Tiền tế, đình Hạ Hiệp

Ngoài các giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật trên, đình Hạ Hiệp hiện còn lưu giữ được một số các di vật có giá trị, đặc biệt là 25 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn.

Để tưởng nhớ ngày mất của Hoàng Đạo, ngày 12 tháng ba âm lịch hằng năm, nhân dân làng Hạ Hiệp tổ chức lễ hội để ôn lại công trạng của Thần, trong đó có tổ chức các trò vui dân gian như: thi vật, đánh cờ, hát nhà trò...

Đình Hạ Hiệp đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Phương Anh (t/h)