Trường Sa gần hơn trong bộ sách song ngữ dành cho thiếu nhi

Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 10:36, 14/02/2023

“Trường Sa! Biển ấy là của mình” là bộ sách song ngữ kèm minh họa màu dành cho thiếu nhi, được ra mắt độc giả vào tháng 2/2023.

Bộ sách “Trường Sa! Biển ấy là của mình” thuộc dòng sách “Em yêu Việt Nam mình” do Lionbooks liên kết Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành. Đây là tác phẩm của tác giả Bùi Tiểu Quyên, với minh họa màu tả thực của họa sĩ Thanh Phan. Cuốn sách được tác giả Bùi Tiểu Quyên thực hiện sau chuyến công tác tới quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam vào tháng 4/2019.

01.png
Bộ sách “Trường Sa! Biển ấy là của mình”. Nguồn ảnh: Lionbooks

Tác giả Bùi Tiểu Quyên “mong mình có thể mang đến cho các bé một câu chuyện dễ thương, sinh động mà cũng có ý nghĩa, giàu cảm xúc về nơi đầu sóng”. Với tình yêu dành cho biển đảo, Tổ quốc và những trải nghiệm từ chuyến đi, chị “mong rằng có thể góp phần nhỏ bé nào đó trong việc xây đắp, nuôi dưỡng tình cảm thiêng liêng ấy trong tâm hồn của trẻ thơ”.

Họa sĩ Thanh Phan chia sẻ, khi đọc bản thảo, cô đã rất xúc động và có một chút áp lực. Với Thanh Phan thì đây là một đề tài mới và còn vì Trường Sa rất khác so với các bãi biển và đảo du lịch của Việt Nam. Cô cũng đã phải xem nhiều phóng sự và các bài viết của chị Bùi Tiểu Quyên để có thể lột tả được chân thực nhất những gì tác giả muốn gửi gắm. Điều đặc biệt là Thanh Phan đã rất xúc động và càng thêm trân quý, nể phục các chiến sĩ và người dân nơi đây trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thêm các tư liệu về biển đảo Trường Sa.

02.png
Minh họa màu tả thực của Thanh Phan trong bộ sách. Nguồn ảnh: Lionbooks

Bộ sách gồm 2 tập: “Phong ba nơi đầu sóng”“Biển ấy là của mình”. Ở tập 1, độc giả sẽ được theo chân chú cún nhỏ Phong Ba cùng các bạn cún khác có tên là Cát, San Hô, Bão Táp… đi khắp đảo Sinh Tồn, và hình dung dễ hơn về quần đảo Trường Sa đầy thiếu thốn nước ngọt, rau xanh nhưng lại đầy ắp tình cảm giữa các chiến sĩ hải quân và đàn cún. Tập 2, “Biển ấy là của mình” giúp các bạn nhỏ làm quen với các khái niệm “âu tàu”, “hải đăng”, “đảo nổi”, “đảo chìm” cũng như câu chuyện và lời dạy của bác Phi Lao về lịch sử của quần đảo Trường Sa.

03.png
Minh họa màu tả thực của Thanh Phan trong bộ sách. Nguồn ảnh: Lionbooks

Với những minh họa màu sinh động chân thực và được trình bày qua song ngữ, Bùi Tiểu Quyên và Thanh Phan vừa mang Trường Sa đến gần hơn nhưng cũng là đi xa hơn trong hình dung của các độc giả nhỏ.

Bùi Tiểu Quyên sinh năm 1985, quê ở Long An. Chị là nhà báo, nhà văn và đã xuất bản nhiều đầu sách. Chị từng giành được Giải thưởng Trẻ Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh 2014 với tác phẩm “Cỏ đồi phương Đông” và có tập truyện ngắn “Cỏ dại thênh thang” vào chung khảo Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần VI-2018.

Thanh Phan là một họa sĩ trẻ thuộc thế hệ cuối 9X, từng học tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Cô đã ra mắt các tác phẩm như: “Chuyện mùa trăng”, “Tiếng rừng”, “Bay giữa mùa hoa”… trong một số triển lãm riêng.

Yến Ly