Tác giả Nguyễn Thái Long: “Nếu không viết ra, tôi như người mắc nợ...”
Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 16:50, 13/02/2023
Chia sẻ về nguyên do đã thôi thúc ông viết tập sách này, tác giả Nguyễn Thái Long cho hay, năm 2018 vào dịp kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc bảo vệ Tổ quốc, ông cũng nhiều đồng đội đã trở lại Cao Bằng. Trở về nơi chiến trường xưa, thăm lại những những địa danh, bản làng trên miền đất xa xôi hùng vĩ... những ký ức về những ngày chiến tranh khói lửa lại cứ thế ùa về. Cùng với nỗi tiếc thương khôn nguôi những người đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi này trong ông còn trào dâng bao niềm đau đáu. Bài thơ “Đêm trắng 17 tháng 2” đã được ra đời và cuốn sách này được viết ra bắt đầu từ những đêm trắng 17 tháng 12 như thế.
Với niềm trăn trở của một người lính đã đi qua cuộc chiến, Nguyễn Thái Long đã dành nhiều thời gian để gặp gỡ và phỏng vấn những đồng đội còn sống; dày công sưu tầm, thu thập những tư liệu quý giá về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Qua những gì đã được “mắt thấy, tai nghe”, ông đã tái hiện một cách trung thực cuộc chiến tranh biên giới trên mặt trận Cao Bằng – Hà Giang cách đây hơn 40 năm qua gần 400 trang sách.
Không chỉ đơn thuần là người ghi lại các thông tin, sự kiện khô cứng theo cách thức của một người viết sử, Nguyễn Thái Long còn kể lại câu chuyện của mình, của những đồng đội mình, của đơn vị mình qua đó tái hiện lịch sử với tâm thế của một người trong cuộc dạt dào cảm xúc: nhớ thương, căm phẫn, đau đáu…
Người đọc dễ dàng bắt gặp những trạng thái cảm xúc ấy trong 5 phần nội dung của cuốn sách: Cao Bằng một dải biên cương, Khau Chỉa 12 ngày đêm khói lửa, Trở lại Tà Lung, Vị Xuyên – lời thề trên đá, Những người lính trở về.
Ký ức về cuộc chiến tranh hơn 40 năm về trước trong tâm trí tác giả không chỉ chát chúa tiếng súng đạn mà còn đầy vẻ bình yên và thơ mộng của non nước vùng biên. Đó là vẻ đẹp khó cưỡng của hoa dã quỳ một sáng mùa thu nở bừng sắc vàng rực rỡ; là những bụi cỏ tranh sắc lẹm mọc trên khô cằn sỏi đá, thân mảnh mai nhưng kiên cường trong mưa sa gió táp; là những đêm đông ấm sực bên bếp lửa nhà sàn của những gia đình đồng bào dân tộc... Tất cả đã được chuyển tải qua những trang văn thiết tha cảm xúc trữ tình.
Tác giả Nguyễn Thái Long bộc bạch, ông không phải là nhà văn, nhà báo nên cuốn sách viết ra thật khó khăn và phải viết đi viết lại nhiều lần. “Nhưng nếu không viết ra, tôi như người mắc nợ các anh em đồng đội của mình, mắc nợ nhân dân Cao Bằng đã sát cánh cùng chúng tôi chiến đấu, và có lỗi với con cháu mình, vì đã để chúng không biết gì về Khau Chỉa, Tà Lùng, Vị Xuyên nơi mấy chục năm trước đã thấm đẫm máu đào những người lính biên cương, những người lính trung đoàn 567” – tác giả Nguyễn Thái Long trải lòng.
Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, PGS. Thiếu tướng Lê Văn Cương đánh giá cao tâm huyết của tác giả Nguyễn Thái Long khi thực hiện tập sách này. “Cùng với nhiều cuốn sách khác, cuốn “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” đã để lại cho các thế hệ muôn đời sau một kho tư liệu vô giá mà nhờ đó họ sẽ được sống lại và cảm nhận được “hơi thở”, “nhịp đập”, “sức nóng” trên chiến trường Cao Bằng – Hà Giang nói riêng và trên toàn tuyến biên giới phía Bắc những năm 1979 – 1989 nói chung. Và cũng qua đó, các thế hệ sau hiểu được tinh thần chiến đấu quả cảm nhưng nhân văn, nhân ái của quân dân ta”.
Tác giả Nguyễn Thái Long sinh năm 1955, quê ở Bắc Giang. Năm 1972, ông nhập ngũ rồi học y sĩ trong quân đội. Ra trường, ông được điều về Trung đoàn 567. Năm 1976, ông cùng đơn vị được điều lên Cao Bằng làm kinh tế và tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Năm 1987, ông chuyển ngành làm bác sĩ chuyên ngành Tâm thần, sau làm Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang. Ông nghỉ hưu năm 2015.