Phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa ở xã đảo Minh Châu
Tin tức - Ngày đăng : 22:08, 10/02/2023
Tham gia Đoàn công tác có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, đại diện lãnh đạo các sở (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Du lịch…), ngành, đơn vị của thành phố và Thường trực Huyện ủy Ba Vì, xã Minh Châu.
Đặc trưng khác biệt của xã đảo duy nhất thuộc Hà Nội
Theo báo cáo của huyện Ba Vì, Minh Châu là xã vùng bãi giữa sông Hồng, được thành lập từ năm 1955 với 3 thôn là Chu Chàng, Chu Châu và Liễu Châu. Đến năm 1972, do điều kiện tự nhiên hằng năm ngập lụt, thôn Liễu Châu được di chuyển sáp nhập với thị trấn Tây Đằng nên đến nay, Minh Châu chỉ còn 2 thôn với diện tích tự nhiên 563,33ha, trong đó đất canh tác là 284,09ha. Dân số có 6.545 khẩu, sống ở 7 khu dân cư với 1.424 hộ, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp.
Những năm qua, nhờ sự quan tâm của thành phố và huyện, xã Minh Châu được đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm. Tổng giá trị sản xuất năm 2022 đạt 382,9 tỷ đồng, đạt 103,4% kế hoạch, tăng 11,9% so với năm 2021. Trong đó, tổng diện tích đất gieo trồng là 269,03ha, thu nhập trong trồng trọt ước đạt 62,2 tỷ đồng. Trong chăn nuôi, đến năm 2022, tổng đàn bò trên toàn xã là 4.928 con, trong đó đàn bò sữa là 2.238 con.
Tuy nhiên, do vị trí địa lý, xã Minh Châu bị ngăn cách bởi sông Hồng, đường sá đi lại khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo còn cao so với các xã trong huyện và thành phố. Trên cơ sở đó, xã kiến nghị thành phố, huyện các vấn đề: Quan tâm đầu tư hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, nhà văn hóa, sân vận động và các điểm sinh hoạt cộng đồng tại 7 khu dân cư; xây dựng cầu đi sang xã An Tường (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc); có chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp địa phương có vùng chăn nuôi xa khu dân cư.
Tập trung khai thác tối đa các lợi thế của xã đảo
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành của thành phố cùng địa phương trao đổi, thảo luận làm rõ những tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn để đưa ra định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới của xã đảo Minh Châu. Trong đó, các đại biểu đề xuất giải pháp để tăng tỷ lệ học sinh của địa phương tiếp tục theo học trung học phổ thông; chú trọng công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; thành lập hợp tác xã để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn cũng như các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm khi hoạt động chăn nuôi gia súc nằm trong khu dân cư…
Liên quan phát triển văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân xã đảo Minh Châu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh chia sẻ, Sở sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ để xã Minh Châu khai thác tối đa nguồn lực nội sinh; trong đó chú trọng tới phát triển văn hóa cơ sở.
“Hiện tại, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có kế hoạch để xây dựng hệ thư viện cho các thôn tại một số huyện trên địa bàn Thành phố, huy động các doanh nghiệp tặng sách, trang thiết bị cho thư viện, trong đó có xã đảo Minh Châu. Việc thành lập các thư viện giúp người nông dân có điều kiện tốt hơn để tiếp cận với các thông tin, hình thành thói quen đọc sách, từ đó từng bước nâng cao đời sống tinh thần của người dân ở nông thôn. Đó chính là yếu tố hết sức quan trọng để tạo nên sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới”, bà Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho rằng, xã Minh Châu có nhiều tiềm năng, lợi thế so với các địa phương khác, đặc biệt là nguồn lực đất đai, để phát triển kinh tế - xã hội. Với đặc thù địa phương có nhiều di tích lịch sử quan trọng, thời gian qua, thành phố luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư cơ sở hạ tầng cho huyện Ba Vì nói chung, xã Minh Châu nói riêng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, thành phố đang triển khai điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc khảo sát thực tế tại địa phương sẽ giúp các sở, ngành của thành phố có cái nhìn tổng thể, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, đưa ra các giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, du lịch sông nước của xã đảo Minh Châu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao những thành quả mà xã Minh Châu đạt được trong những năm qua, với mức thu nhập bình quân đầu người 58 triệu đồng/năm, đời sống của người dân được cải thiện. Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, với lợi thế đặc thù của một xã đảo duy nhất của thành phố, Minh Châu chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội; nông nghiệp còn phát triển theo hướng tự phát nên gây ô nhiễm môi trường.
Trên cơ sở các kiến nghị của địa phương, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, trước hết cần thay đổi nhận thức trong định hướng phát triển. Trước mắt, huyện Ba Vì cần xây dựng đề án, nêu rõ những cơ chế, chính sách đặc thù, báo cáo Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố để qua đó giúp xã Minh Châu phát triển hơn nữa. Trong đó, chính quyền địa phương cần chú trọng xây dựng quy hoạch xã, dựa vào các căn cứ khoa học và dự báo phát triển của một xã đảo vùng văn hóa xứ Đoài. Trên cơ sở quy hoạch này, huyện Ba Vì cần cập nhật vào quy hoạch của huyện và thành phố, chú ý đến quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng đê kè vùng lũ…
Từ thực tế phát triển của xã đảo đặc thù, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu chính quyền địa phương chú trọng đến công tác quy hoạch xây dựng, gắn với phát triển du lịch, để vừa phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn giữ được cảnh quan nông thôn, không gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, phải xác định rõ từng lợi thế và khó khăn để mỗi người dân hiểu và đồng lòng triển khai thực hiện.
Đối với các sở, ngành của thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu hỗ trợ xã Minh Châu phát triển 2 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch.
Đối với chính quyền địa phương, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về tác hại của ô nhiễm môi trường khi chăn nuôi trong khu dân cư; sớm triển khai việc quy hoạch khu chăn nuôi tập trung; đồng thời chú trọng đầu tư cho các thiết chế văn hóa, giáo dục…