Chiêm ngưỡng nét cổ kính của cầu ngói Bình Vọng

Điểm hẹn cuối tuần - Ngày đăng : 07:14, 08/02/2023

Cầu ngói nằm trong khuôn viên đình làng Bình Vọng xã Văn Bình, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, mang nét kiến trúc đặc trưng cho làng quê Bắc bộ Việt Nam. Cầu Bình Vọng có giá trị lịch sử nghệ thuật không kém gì chùa Cầu ở Hội An.
cau-ngoi-01.jpg
Cây cầu bắc qua ao đình với 5 gian lợp ngói.

Cầu ngói Bình Vọng là hạng mục không thể tách rời và là “nét chấm phá” trong tổng thể kiến trúc của cụm di tích đình Bình Vọng - chùa Báo Quốc. Năm 1999, cụm di tích này đã được công nhận là Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.

Không có tư liệu chính thức ghi rõ năm xây dựng cây cầu nhưng theo các cụ cao niên trong làng thì có lẽ cầu được xây dựng vào thời nhà Lê, thế kỷ XVI. Năm 1940, do ảnh hưởng của chiến tranh nên cầu bị hư hại nặng, đến năm 2000 được tu sửa lại theo phong cách cũ.

cau-ngoi-06.jpg

Tuy đã được xây dựng lại, song cầu ngói Bình Vọng vẫn tuân thủ chặt chẽ các quy ước của kiến trúc truyền thống. Đó là "Thượng gia hạ kiểu", trên là nhà, dưới là cầu, gồm 7 gian, 5 gian thông thủy và 2 gian ở 2 đầu cầu. Thân cầu được làm bằng gỗ lim, có chiều rộng hơn 3m và chiều dài gần 20m. Bên trong cầu có 2 bục gỗ để khách nghỉ chân, ngắm cảnh. Hệ thống vì kèo, cột được chạm khắc rất công phu, ghép nối với nhau chắc chắn. Các cột ngang đỡ sàn cầu đều được chạm hình đầu rồng, ngói được lợp bằng ngói mũi hài, 4 góc mái đều được làm cong vút và có đan xen một số biểu tượng Phật giáo như bánh xe kinh luân, chữ "Vạn". Ngoài ra, 2 bên đầu cầu còn có cặp ghế đá làm theo kiểu cổ...

Phần mái ở hai gian đầu cầu được thiết kế gồm 4 mái với đầu đao cong vút, vươn lên mạnh mẽ, bên trên chạm đầu rồng và lợp ngói mũi hài. Hai gian đầu hồi không xây bít đốc mà có tường bao hai bên. Trên tường là những bức tranh đắp nổi hình chim phượng và hoa cúc cùng ô cửa sổ tròn.

cau-ngoi-05.jpg

Phần hạ kiều (gồm mố, trụ cầu, sàn) được làm bằng bê tông cốt thép giả đá; trên các mố, trụ đắp đầu rồng khỏe khoắn. Sàn cầu lát gỗ, giữa là lối đi, hai bên có hành lang trang trí hình con tiện và chỗ nghỉ chân cũng được làm hoàn toàn bằng gỗ.

cau-ngoi-02.jpg

Ở đầu cầu và hồ nước rộng lớn là hàng cây cổ thụ trên 200 năm tuổi, cao chừng 30 mét, bóng rợp mát quanh năm nên không khí rất trong lành. Đặc biệt, vào độ tháng 5, hoa sen nở thơm ngát, ngồi trên cầu ngắm sen nở mang lại một cảm giác yên bình đến lạ thường. Không gian văn hóa này đã được dân làng Bình Vọng bảo tồn hàng trăm năm nay.

Có thể nói, cầu đình làng Bình Vọng có giá trị lịch sử nghệ thuật không kém gì chùa Cầu ở Hội An, mang đặc trưng văn hóa làng quê Bắc bộ, có niên đại cao và được gìn giữ nguyên trạng đến ngày nay.

Ngân Hà