Sáng kiến hữu ích mùa dịch

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 09:27, 24/03/2021

Vượt qua 2.000 sáng kiến từ 79 quốc gia, sản phẩm “Băng ca chuyên dụng vận chuyển bệnh nhân áp lực âm” của nhóm nghiên cứu PGS.TS Phan Trung Nghĩa và cộng sự đã nhận được khoản tài trợ 14.000 USD của Quỹ ứng phó Covid-19 thuộc Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF). Sáng kiến hữu ích này đã góp phần không nhỏ hỗ trợ các y, bác sĩ, nhân viên y tế và cộng đồng tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm chéo khi tiếp xúc hoặc di chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Sáng kiến hữu ích mùa dịch
PGS.TS Phan Trung Nghĩa thao tác kiểm tra “Băng ca chuyên dụng vận chuyển bệnh nhân áp lực âm”.

Bảo vệ những “chiến sĩ áo trắng”

Trực tiếp giảng dạy môn hóa học, trong đó có bài giảng về khoa học thảm họa, nên khi dịch Covid-19 bùng phát, PGS.TS Phan Trung Nghĩa (Viện Kỹ thuật hóa học - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) hiểu ngay rằng bệnh viện là nơi dễ tổn thương nhất khi dịch bệnh xảy ra. Ý tưởng làm thế nào để hỗ trợ các “Chiến sĩ áo trắng” đã đưa PGS.TS Phan Trung Nghĩa đến với việc nghiên cứu sản phẩm “Băng ca chuyên dụng vận chuyển bệnh nhân áp lực âm” như một phòng cách ly di động, ngăn cách hoàn toàn bệnh nhân nhiễm Covid-19 với không gian bên ngoài, giúp bảo vệ nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc bệnh nhân. 

Theo PGS.TS Phan Trung Nghĩa, vi rút có kích thước rất nhỏ, phần lớn nằm ở các giọt dịch bay lơ lửng trong không khí nên nguy cơ lây nhiễm cho các bác sĩ, nhân viên y tế là rất cao. Với chiếc băng ca chuyên dụng áp lực âm, tất cả không khí phải đi qua màng lọc hiệu suất cao mới thoát ra ngoài được. Vì vậy, luồng không khí đi ra bên ngoài có thể gọi là không khí sạch. Chiếc băng ca này đem lại cho bệnh nhân cảm giác dễ chịu, thoải mái và an toàn khi ở bên trong, đồng thời cũng tạo sự yên tâm cho nhân viên y tế. “Băng ca này tạo ra một chiếc "mặt nạ" ngăn giữa khu vực nhiễm khuẩn nơi bệnh nhân nằm với không gian bên ngoài”, PGS.TS Phan Trung Nghĩa giải thích. 

Nói về tính ưu việt của thiết bị, PGS.TS Phan Trung Nghĩa cho biết, băng ca làm từ những vật liệu phổ thông, giá thành rẻ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và có khả năng tái sử dụng nhiều lần sau khi khử khuẩn toàn bộ. Sản phẩm “Băng ca chuyên dụng vận chuyển bệnh nhân áp lực âm” đã vượt qua 2.000 sáng kiến từ 79 quốc gia, nhận được tài trợ 14.000 USD của Quỹ ứng phó Covid-19 thuộc Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) hỗ trợ, nhằm tiếp tục nghiên cứu, phát triển, ứng dụng.

Sinh viên Vũ Hoàng Tú (K64 Viện Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) là thành viên tích cực trong nhóm nghiên cứu, chia sẻ, anh rất vui khi được góp sức trong trận chiến chống Covid-19 của cả nước nói chung và đội ngũ cán bộ, sinh viên Trường Đại học Bách khoa nói riêng.

Miệt mài với những ý tưởng mới

Quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo “Băng ca chuyên dụng vận chuyển bệnh nhân áp lực âm” diễn ra trong thời điểm giãn cách xã hội nên việc trao đổi, thảo luận của các thành viên trong nhóm cũng như đặt mua nguyên vật liệu chế tạo gặp nhiều khó khăn. Nhưng chỉ sau 3 tháng làm việc gấp rút, với nhiều lần tham khảo ý kiến tư vấn về chuyên môn từ các bác sĩ thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế), những chiếc “Băng ca chuyên dụng vận chuyển bệnh nhân áp lực âm” đầu tiên của Việt Nam ra đời và được trao tặng cho 2 bệnh viện tuyến đầu chống dịch (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) vào tháng 10-2020, như một lời tri ân, động viên các “chiến sĩ áo trắng".

Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương Nguyễn Trung Cấp chia sẻ, đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch ở gần bệnh nhân Covid-19 nhiều tiếng đồng hồ, nên những thiết bị có tác dụng phòng ngừa dịch bệnh giúp cán bộ y tế giữ được sức khỏe bản thân, hạn chế tối đa lây nhiễm trong môi trường làm việc.

Trước đó, cũng chính nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phan Trung Nghĩa đã hỗ trợ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương chế tạo, lắp đặt buồng áp lực dương trên máy bay đón công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước ngày 29-7-2020. Trưởng ban Dịch vụ hành khách Tổng công ty Hàng không Việt Nam Ngô Hồng Minh nhận xét, buồng áp lực dương là một biện pháp phòng, chống dịch rất hữu hiệu trên máy bay. Sau chuyến bay, không có thành viên phi hành đoàn và các bác sĩ bị lây nhiễm vi rút, cho thấy hệ thống buồng áp lực dương thực sự mang lại hiệu quả.

Trên nguyên lý hoạt động của buồng áp lực dương và âm, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phan Trung Nghĩa đang tiếp tục sáng tạo thêm các sản phẩm phòng, chống dịch Covid-19, như: Mũ thở dùng khi vận chuyển bệnh nhân Covid-19; xe lăn áp lực âm cho bệnh nhân Covid-19; mũ thở cung cấp không khí sạch cho bác sĩ khi điều trị bệnh nhân nhiễm vi rút...

Nói về kế hoạch sắp tới, PGS.TS Phan Trung Nghĩa chia sẻ, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu, chế tạo thiết bị vận chuyển bệnh nhân mắc bệnh lây nhiễm trên phương tiện cấp cứu và khẩu trang diệt khuẩn... Với tinh thần đưa khoa học kỹ thuật vào công cuộc phòng, chống dịch, những nghiên cứu của PGS.TS Phan Trung Nghĩa và cộng sự đang khẳng định vị thế của Việt Nam trên lĩnh vực này đối với bạn bè quốc tế.

HNM