Đình Giẽ Thượng
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 13:30, 05/02/2023
Theo sự tích, vị thần được thờ tại đình là con của Vua Hùng thứ 8, có tên là Huy Vương và Tiên Dung Châu cung phi chính nhất. Tiên phi sinh được năm người con trai. Sinh thời năm người đều lập được nhiều chiến công dẹp giặc đem lại bình yên cho đất Văn Lang, được triều đình biểu dương và phong là Lạc hầu, Lạc tướng. Khi các ngài hoá, các triều đại ghi nhớ công lao, cấp sắc mỹ tự, tôn phong Thượng đẳng thần. Nhân dân ở nhiều nơi của tổng Thịnh Đức: thôn Thượng, thôn Hạ, thôn Thần, thôn Cầu, thôn Bùng đều lập đình, miếu thờ phụng ngài.
Ngôi đình nguyên xưa được khởi dựng cùng thời gian với đình Giẽ Hạ, tuy nhiên đình Giẽ Thượng về quy mô kiến trúc nhỏ hơn đình Giẽ Hạ. Đến triều Nguyễn, đời vua Duy Tân thứ 6 (1912) nhân dân địa phương đã tu bổ tôn tạo gian giữa, nâng cao thêm tầng mái. Hiện nay kiến trúc toà Đại bái gồm 3 gian 2 chái, có hai tầng mái đao cong mang ý nghĩa triết học, lớp mái trên là thái cực dương, lớp mái dưới là thái cực âm, tám mái là bát quái. Các bộ vì kết cấu kiểu “thượng chồng rường, hạ cốn chồng rường, bảy hiên”, trên mặt bằng 4 hàng chân cột. Các cột bằng chất liệu gỗ lim tròn to, trên có đấu vuông thót đáy đỡ câu đầu. Hệ thống xà nách, bảy hiên, bẩy hậu, các con rường đều được chạm hình rồng. Đặc biệt tại đốc gian chái còn khối tượng voi, tượng người nghệ thuật chạm khắc thời Lê, thế kỷ XVII. Bộ vì nách là các bức cốn chạm bong kênh các đề tài vận xoắn, đầu rồng, hoa cúc, tượng người săn bắn, riêng bộ vì bên trái phía ngoài có bức hoạ tiên cưỡi hạc và người hầu, các vị trí khác có chạm lân, voi, người cưỡi thú... Đây là các đề tài, các bức chạm tương đồng, giống một số mảng chạm có ở đình Chu Quyến. Hai bộ vì nách gian giữa chạm bong kênh kết hợp chạm lộng hình rồng, lan... đạt trình độ cao, các đốc cốn bên phải có những hình thú với nhưng đạo mác tạo sự cảm thụ sâu sắc đến người quan sát. Ngoài các mảng chạm trên còn các mảng chạm tại vị trí khác như: các chi tiết tại cánh gà, hai bên cửa võng,... với kỹ thuật chạm thủng nghệ thuật thời Lê độc đáo và có giá trị cao.
Đình Giẽ Thượng và đình Giẽ Hạ cách nhau không xa, cùng thờ một vị thần và cùng niên đại khởi dựng. Hai ngôi đình toạ lạc ven sông, gần Cầu Giẽ, (địa điểm lịch sử kháng chiến) sẽ trở thành địa chỉ du lịch rất hấp dẫn của huyện Phú Xuyên nói riêng và của thành phố Hà Nội nói chung. Đình Giẽ Thượng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1997.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01