Tái hiện nhiều nghi thức truyền thống tại Lễ hội đền Sóc

Văn hóa – Di sản - Ngày đăng : 16:06, 22/01/2023

Cứ mỗi mùa xuân đến, hàng loạt lễ hội tưng bừng náo nhiệt được tổ chức ở các ngôi đền thờ Thánh Gióng. Một trong những lễ hội quy mô hoành tráng hơn cả là lễ hội đền Sóc ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội (nơi Thánh hóa) với quy mô 21 tổng, 127 xã tham gia trước đây, hiện nay theo địa giới hành chính mới, hội Sóc Sơn có 6 xã, 8 thôn tham gia tổ chức.

Quần thể khu di tích đền Sóc, thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đền Sóc được biết đến là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa lịch sử và kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Nơi đây tập hợp một số công trình kiến trúc thờ tự, bao gồm: Đền Hạ (còn gọi là đền Trình) thờ quan thần linh của núi Sóc được vua Lê Đại Hành xây dựng vào năm 980; Đền Mẫu là nơi thờ mẫu thân của Thánh Gióng xây dựng vào thời Tiền Lê; Chùa Đại Bi (còn gọi là chùa Đại Từ Bi) do sư Khuông Việt xây dựng vào thời Tiền Lê; Đền Thượng là nơi chính điện thờ Phù Đổng Thiên Vương cùng các bộ tướng của ngài cũng là các bậc thánh thần tham gia đánh giặc Ân như: Na Tra Thiên Tử, Ngọc Nữ Lữ Oa Bộ Thiên, Tả Thiên Lực Sĩ... Đền được xây dựng vào thời tiền Lê, đúng chỗ cây trầm hương nơi mà Thánh Gióng dừng chân trước khi bay về trời; Lăng bia đá 8 mặt, được xây dựng trên đỉnh một ngọn núi gọi là núi Thanh Lãm, thời gian tạo tác là năm Dương Đức thứ nhất 1672 - đây là hạng mục công trình có giá trị nhất trong khu di tích đền Sóc. Qua nội dung được khắc trên 8 mặt bia đá chúng ta biết được cách lý giải của người xưa về sự tích Thánh Gióng, các quy định tập tục của người dân vùng Sóc Sơn về tổ chức lễ hội Thánh Gióng hằng năm và những đóng góp tài vật của những người có tâm công đức để xây dựng nên khu di tích; Chùa Non được nhà sư Ngô Chân Lưu xây dựng ở độ cao hơn 100m so với mặt nước biển còn có tên gọi khác là Sóc Thiên Vương Thiền Tự.

anh-1(1).jpg
Đền Thượng - nơi thờ Thánh Gióng.
tam-bia-den-giong.jpg
Lăng bia đá tại khu di tích đền Sóc.

Ngoài 6 hạng mục kiến trúc kể trên còn có hai công trình mới được xây dựng gần đây là Học viện Phật giáo Sóc Sơn và tượng đài Thánh Gióng. Học viện Phật giáo Sóc Sơn được xây dựng bên chùa Non với nhiều ngôi nhà lớn và một pho đại Phật tượng đúc bằng đồng nguyên khối nặng 30 tấn cao 6,5 mét; Tượng đài Thánh Gióng đặt trên đỉnh núi đá Chồng có độ cao 297 mét so với mặt nước biển. Tượng đài cao 11,7 mét, nặng 85 tấn. Tượng đài là hình ảnh một tráng sĩ trên mình ngựa sắt tay cầm tre đằng ngà hiên ngang, oai phong lẫm liệt trên đường đi đánh giặc, mắt vẫn hướng về phương Nam quê mẹ.

Lễ hội đền Sóc là một lễ hội có từ xa xưa. Đây là một lễ hội có quy mô rất lớn, tổ chức quy củ, nghiêm túc, diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8 tháng Giêng hằng năm. Thực tế thì hội đã được chuẩn bị từ tháng 11 và bắt đầu từ thời khắc giao thừa hằng năm và kéo dài suốt mùa xuân, ngày nào cũng đông vui náo nhiệt với các đoàn du khách đến lễ hoặc tham quan khu di tích.

Ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm bắt đầu hội bằng nghi thức rước lễ vào đền. Đoàn rước kéo dài hàng cây số trên con đường từ phố Mã vào đền Sóc. Mỗi thôn có một đoàn rước gồm đầy đủ các tầng lớp nhân dân như cán bộ, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội người cao tuổi. Đoàn rước nào quần áo cũng muôn màu muôn sắc của lễ hội, cờ lọng rợp trời, trống chiêng thật là một không khí vô cùng tưng bừng náo nhiệt.

ruoc-thanh(1).jpg
Lễ rước ngựa Gióng của nhân dân  thôn Phù Mã (Phù Linh)

Dẫn đầu đoàn rước là đoàn của thôn Vệ Linh rước kiệu hoa tre lộc Thánh. Thôn Phù Mã rước kiệu có hình tượng ngựa Gióng. Thôn Dược Thượng xã Tiên Dược rước voi chiến to lớn bằng hoặc hơn voi thật. Thôn Đan Tảo rước kiệu trầu cau. Thôn Đức Hậu xã Đức Hòa rước kiệu có một đôi ngà voi. Thôn Yên Sào xã Xuân Giang rước kiệu cỏ voi (cỏ voi là 4 cây chuối tươi, lá xanh đẹp). Thôn Yên Tàng xã Bắc Phú rước kiệu tướng (tướng là một cô gái khoảng 11 đến 13 tuổi xinh đẹp). Thôn Xuân Dục xã Tân Minh rước kiệu Cầu Húc (một quả cầu lớn sơn màu đỏ tượng trưng cho mặt trời).

Các đoàn rước thực hành nghi thức tế lễ riêng biệt và nghiêm chỉnh theo luật lệ quy định từ trước. Các tích diễn xướng từ xưa vẫn được thực hành đầy đủ, trang nghiêm. Mỗi vật phẩm dâng cúng lên Thánh trong ngày hội, mỗi trò rước, những diễn xướng tại hội đền Sóc đều là những sự tích ly kỳ gắn với huyền thoại Thánh Gióng đi diệt giặc Ân cách đây 4000 năm.

Kết thúc hội vào chiều ngày mùng 8 là tục cướp hoa tre cực kỳ sôi động. Ai cũng muốn “cướp” được một vài tua hoa tre đế lấy lộc Thánh, để được may mắn cho một năm mới tốt tài sai lộc. Hiện nay, việc “cướp” hoa tre đã được ban quản lý đền Sóc đưa vào khuôn khổ không còn nguy hiểm và lộn xộn như xưa.

Hội đền Sóc là một lễ hội lớn tôn vinh truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã được người dân giữ gìn và bảo tồn suốt mấy ngàn năm lịch sử. Khu di tích lịch sử đền Sóc đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1962. Đền Sóc đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2010. Ngày 31/12 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ký quyết định số 2408 QĐ-TTC xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật đền Sóc là di tích quốc gia đặc biệt.

Cũng như hội Phù Đổng ở huyện Gia Lâm:

Trước ngày mùng chín tháng tư

Không đi hội Gióng cũng hư một đời

Có lẽ những ai đã đến hội đền Sóc một lần vào đầu mùa xuân năm mới chắc chắn họ sẽ còn trở lại nơi này nhiều lần sau nữa.

Giang Văn Hồi