Người “thổi hồn” cho gốm
Mỹ thuật - Ngày đăng : 15:19, 21/01/2023
Hồi sinh nghề gốm cho làng
Họa sĩ Vũ Hữu Nhung là người con của làng gốm Phù Lãng - một làng gốm cổ đất Kinh Bắc xưa. Thuở đôi mươi, rời làng quê lên Hà Nội học, Vũ Hữu Nhung mang theo những khát vọng và cả niềm trăn trở khi làng nghề của quê hương ngày càng mai một. Tốt nghiệp khoa Điêu khắc, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1999, anh bắt đầu gây dựng sự nghiệp bằng việc sang làng gốm Bát Tràng học nghề. Sáu tháng lăn lộn ở Bát Tràng, Vũ Hữu Nhung sớm nhận ra gốm Phù Lãng không thể lai tạp mà phải có một bản sắc riêng. Từ đặc trưng riêng (gốm Phù Lãng được tạo nên từ “xương” là đất đỏ), Vũ Hữu Nhung quyết định sẽ giữ cốt gốm đó cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, thay vì những sản phẩm truyền thống là vại, chum, quách, tiểu... anh tìm tòi mở hướng sáng tác mới sang gốm phẳng với các loại phù điêu, tranh gốm rồi cả tượng, lọ hoa...
Xưởng gốm đầu tiên của Vũ Hữu Nhung nằm ở xóm Chợ, thôn Phù Lãng khi ấy anh phải nhờ nhà người bác họ. Anh bảo, khi quyết định trở về làng lập nghiệp anh đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều giữa 2 lựa chọn, một là làm tác phẩm độc bản, hai là mở xưởng sản xuất số lượng nhiều để tạo công ăn việc làm cho người nhà, thợ thuyền.
Đằng đẵng gần 10 năm Vũ Hữu Nhung say sưa, mê mải để “hồi sinh” nghề gốm cho làng. Để “gốm Nhung” đạt chất lượng cả về màu sắc lẫn nghệ thuật tạo hình khối, hoa văn, Vũ Hữu Nhung đã cố gắng tìm tòi, phá cách, bứt khỏi những gì đã quá quen trong nếp nghĩ, bàn tay xoay hay vuốt đất. Tất nhiên, mọi việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đã có khi, lô hàng cơ sở của anh sản xuất bị trả lại vì khách hàng chưa ưng ý nhưng Vũ Hữu Nhung không nản, anh biến thất bại làm động lực để vươn lên.
Thành công của Vũ Hữu Nhung đó là đã “đưa gốm Phù Lãng từ mặt đất lên bàn” (lời của họa sĩ Lê Huy Văn), hay nói như kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính thì Nhung “đã góp phần để đồ sành gia dụng trở thành sành trang trí và có chỗ trong đời sống đương đại”. Những sản phẩm mà xưởng gốm của Vũ Hữu Nhung sản xuất khi ấy không chỉ hài lòng người tiêu dùng trong nước mà còn vươn đến những thị trường mới trên thế giới. Và minh chứng rõ nhất cho sự thành công của Vũ Hữu Nhung đó chính là những giải thưởng: Giải Khuyến khích triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2000 và 2005; Giải đặc biệt hội thi "Nghệ nhân có đôi bàn tay vàng" do Hội đồng Anh tổ chức năm 2001; giải Ba triển lãm Điêu khắc toàn quốc lần thứ IV (1993 - 2003)...
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn khi xem những tác phẩm của Vũ Hữu Nhung đã đánh giá: “Gốm Nhung trẻ trung và lạ, chọn ngay sự phổ cập cho số đông thị hiếu người chơi. Vừa thỏa thuê sự bình dị chân quê nguyên cốt sành Phù Lãng, lại chẳng thiếu sự ngẫu hứng tìm mới cho nhịp đôi khó bỏ: Xưa và nay, truyền thống và đương đại của gốm Việt. Với Vũ Hữu Nhung, cái tình chi mà cốt đất dẻo mềm và màu men thôn dã quê mẹ vẫn âm thầm trợ duyên để cậu trai làng ngày nào dám bứt ra khỏi lực hút vô hình của thị trường, tiếp tục ngược dòng với cuộc chơi mới để được khác trong một không gian khác”.
Thử nghiệm mới với những con giáp...
Năm 2008, họa sĩ Vũ Hữu Nhung quyết định rẽ bước sang nghề giáo, trở thành giảng viên của trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Anh bảo, cũng từ đây anh được thỏa thuê với những sáng tạo, thử nghiệm mới sau một thời gian dài phải chạy theo các đơn hàng và bị chi phối bởi thị trường. Ngày ngày sau những giờ lên lớp anh lại miệt mài với những ý tưởng, những thể nghiệm mới, nào chân dung thiếu nữ, nào bình, nào tượng trang trí, nào con giáp...
Xưởng gốm nhỏ của họa sĩ Vũ Hữu Nhung nằm trong căn hộ chung cư trên phố Nguyễn Hoàng, quận Nam Từ Liêm giờ là chốn để Vũ Hữu Nhung thỏa sức bay bổng với gốm. Chỉ cho tôi những tác phẩm về mèo trên chất liệu gốm vừa mới làm xong, Vũ Hữu Nhung bảo đã hơn 2 tháng nay anh chuyên tâm với những chú mèo gốm để chuẩn bị cho triển lãm chung vào dịp đón xuân mới Quý Mão 2023.
Nhìn những chú mèo gốm được “tạo dáng” với chiếc đuôi cong cong, có khi như vẫy tay chào dễ thấy Vũ Hữu Nhung đã dồn nhiều tâm sức trong từng tác phẩm. Vũ Hữu Nhung cầm tinh con mèo, nên khi làm con giống này anh cũng dày công nghiên cứu để sao cho những chú mèo trong tác phẩm của mình vừa có tinh thần dân gian lại vừa mang tính đương đại.
“Mèo là con vật gần gũi, thân quen với người Việt, nên làm con giống mèo vừa dễ lại vừa khó. Chất liệu gốm không cho phép tả kỹ hay đi sâu vào chi tiết như cơ hay móng vuốt vậy nên tôi thường tập trung cho phần thân, mặt và đầu để tạo sự bất ngờ cho người xem. Bên cạnh những chú mèo gốm giữ nguyên màu sành là những chú mèo được làm màu khi là màu tương phản, lúc lại là hòa sắc” - họa sĩ Vũ Hữu Nhung chia sẻ.
Chọn đề tài con giáp để sáng tác mỗi dịp Tết đến, xuân về là một “nếp quen” của nhiều họa sĩ cả trong mỹ thuật truyền thống và đương đại. Tuy nhiên, với Vũ Hữu Nhung thì đây đang là một thử nghiệm mới của anh. Trước đó vài tháng (tháng 5/2022), anh đã “trình làng” công chúng những tác phẩm về đề tài ngựa trong triển lãm “Con giống” cùng nhóm họa sĩ Lê Minh Trí, Lê Ngọc Thuận, Lê Thiết Cương. Vẫn là chất liệu sở trường sành Phù Lãng, họa sĩ Vũ Hữu Nhung đã khai thác vốn dân gian từ những con ngựa gỗ, ngựa đá, ngựa gốm, ngựa giấy để đưa vào tác phẩm của mình. Với độ đanh của chất sành, độ no của hình khối cùng sự cân bằng về tỉ lệ tác phẩm ngựa của anh cũng đã tạo được dấu ấn với công chúng yêu nghệ thuật.
Chia sẻ về những thử nghiệm mới của mình, họa sĩ Vũ Hữu Nhung cho hay trước đây anh cũng đã từng có tác phẩm về cá, chim, rồng, sâu, ngựa (tác phẩm “Đầu ngựa” từng được giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, năm 2020), nhưng để bắt đầu hành trình sáng tác về 12 con giáp có lẽ năm 2022 mới là sự khởi đầu. Sau những “con giống” ngựa và mèo, thời gian tới Vũ Hữu Nhung sẽ tiếp tục thử nghiệm trên những con giáp khác để có được bộ sưu tập trọn vẹn về 12 con giáp. Và anh còn ấp ủ giấc mơ sẽ có ngày trở lại quê hương để xây dựng một nhà truyền thống lưu những hiện vật, những hành trình, những thăng trầm của làng gốm quê hương...
“Vũ Hữu Nhung hiểu thấu chất sành, vừa giải phóng nó khỏi lực quán tính của một chất liệu định hình mà huy động nó vào những cuộc thể nghiệm mới lạ, tạo cho nó một ngôn ngữ mới, hơn thế nữa, một cuộc sống mới.”
KTS Hoàng Đạo Kính