Tái hiện lễ dựng cây Nêu đón Tết ở Đại nội Huế
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 09:29, 15/01/2023
Nghi lễ dựng Nêu (hay Thướng tiêu) là một trong những phong tục văn hóa không chỉ riêng Việt Nam mà của rất nhiều nước Á Đông. Đối với người Việt, tục dựng Nêu đã trở thành một nét văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời xưa.
Đây là hoạt động nhằm tái hiện nghi lễ xưa của dân tộc Việt Nam nói chung, triều đình nhà Nguyễn nói riêng. Việc tái hiện lễ dựng nêu ở Đại nội Huế vào thường niên nhằm mục đích báo hiệu năm cũ đã hết và người dân đón mừng năm mới.
Bên cạnh đó, lễ dựng nêu còn cúng những vị thần linh nhằm phù hộ cho người nhà được bình an, cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu và cầu mưa thuận gió hòa, dân chúng làm ăn được thuận lợi, mùa màng bội thu.
Được biết, dưới thời nhà Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức bài bản, thường là ngày 23 Chạp âm lịch, đúng vào ngày đưa ông Táo về trời như đánh dấu mốc cho việc tạm ngừng các công việc trong năm để đón Tết.
Dải lụa ghi những lời mong cầu bình an trong năm mới được treo lên cây Nêu. Ngoài ra, lễ dựng Nêu còn mang ý nghĩa biểu trưng cho một vương quyền, khi chiếc Ấn vàng được treo lên cây nêu, mọi việc trong triều đình của năm cũ coi như chấm dứt.
Ngay sau khi tổ chức tại Triệu Tổ Miếu, lễ dựng Nêu tiếp tục được tổ chức tại khu vực Thế Tổ Miếu. Lễ dựng nêu của triều Nguyễn ngày xưa gồm các nghi thức như lễ bái, nghinh thần, khánh hạ.
Sau hơn một giờ đồng hồ, hai chiếc Nêu đã được dựng lên tại 2 địa điểm là Thế Tổ Miếu và Triệu Tổ Miếu trong sự hân hoan của du khách. Lễ hạ Nêu sẽ được tiến hành vào mùng 7 Tết.