Chuyện “xê dịch” những năm 1940 qua “Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo”
Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 08:58, 15/01/2023
Ở Việt Nam, cơ sở vật chất và dịch vụ du lịch cơ bản đã được hình thành rải rác khắp các nơi có thắng cảnh đẹp như Sa Pa, Mẫu Sơn, Tam Đảo, Đà Lạt, Nha Trang... từ thời Pháp thuộc. Hình thức du lịch tự phát trước năm 1945 nở rộ khi các văn nhân, thi sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu, quan chức, nhà giàu... đi khám phá vẻ đẹp các vùng địa lý, văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam. Nhiều người trong số họ đã kể lại các cuộc hành hương, du ngoạn, những chuyến “xê dịch” khám phá trong các bài viết của mình đăng trên nhiều tờ báo lúc bấy giờ.
Các bài viết trong “Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo” được lựa chọn có đề tài đa dạng. Đó có thể là cuộc thưởng ngoạn cảnh đẹp đơn thuần, có khi là chuyến viếng thăm các chứng tích, kỷ niệm của tiền nhân, hay những câu chuyện kể về lịch sử, phong tục tập quán, lễ hội dân gian của các tộc người, các vùng miền. Có thể kể đến các tác phẩm như “Những ngày dừng bước bên làng Tiên Điền” của Vương Quý Lê, “Đêm cuối cùng ở Hà Tiên” của Trường Sơn Chí, “Đi coi vở tuồng Chơn ái tình” của Biểu Chánh, “Hội chợ năm nay có những gì” của Trúc Hà, “Tết Paris năm ấy” của Tây Đô Cát Sĩ...
Người đọc có thể thấy được dấu chân của các tác giả đã đặt trên tất cả vùng miền, từ miền Bắc với “Thăm trại sinh viên Khương Hạ (Hà Đông)” của Đặng Văn Chung, “Phóng sự về người Thổ, Mèo, Mường ở miền Thượng du Bắc Kỳ” của Ngọc Ước, đến miền Trung, Nam qua các bài “Mười lăm ngày với người Thượng” của Thái Hữu Thành, “Viếng Tây Đô” của Thiếu Sơn... hay sang nước bạn như “Chuyện xứ Chàm vì nước quên mình” của Nguyễn Thị Tố Lan, “Đi viếng mộ Khổng Phu Tử” của Bùi Nam Tử, “Chuyện lạ xứ Lào” của Khuông Việt, “Cao Miên du ký: Oudong” của Trần Ngọc Lâu, “Năm ấy ở Pháp tôi được ăn Tết một cách bất ngờ” của của Lê Văn Ngôn...
Đặc biệt là chuyến đi trải dài “Hai mươi lăm ngày đi tìm dấu người xưa” khắp các tỉnh Nam Kỳ của Khuông Việt được viết và đăng trên 19 số báo. Tác giả kể lại: “Ròng rã hai mươi lăm ngày, chúng tôi hoàn toàn sống với tiền nhơn, cơ hồ quên cả đời hiện tại. Không xem báo, không để ý đến ngày giờ, mặc chiến tranh vang động khắp Đông Tây, thậm chí đến gia đình, chúng tôi cũng ít khi tường tin tức. Trải qua các tỉnh Cần Thơ, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Vĩnh Long, Bến Tre, Mỹ Tho và Tân An, tấm lòng hiếu cổ của chúng tôi được thỏa mãn trước những đình, chùa miếu mộ, hùng vĩ nguy nga cũng có, bình dị điêu tàn cũng có, và những phong cảnh gấm vóc của non sông đất nước. Sự thỏa mãn ấy đã bù đắp lại bao nỗi nhọc nhằn vất vả”.
Có thể nói, cuốn sách do hai tác giả Võ Văn Thành, Trần Thành Trung sưu tầm, chú giải và giới thiệu đã cung cấp lượng thông tin đáng kể về địa chí, lịch sử, văn hóa, phong tục, dân tộc, dân gian... rất hữu ích cho những người viết, người làm công tác khảo cứu, văn hóa, du lịch và những ai muốn tìm hiểu về đời sống tinh thần dân tộc trong những năm 1940.