Mật mía – nguyên liệu không thể thiếu cho những món ăn ngon

Tin tức - Ngày đăng : 20:54, 10/01/2023

Mật mía không chỉ là một món nước chấm mà còn là nguyên liệu tạo nên hương vị độc đáo của nhiều món ăn, nhất là mỗi dịp Tết đến Xuân về, để có những món chè đạt độ ngọt thơm đặt lên ban thờ cúng Giao thừa, nguyên liệu không thể thiếu là mật mía.

Giữa tháng Chạp, không khí Tết đã trở nên nhộn nhịp hơn. Người dân miền núi xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) cũng tất bật với những chảo mật mía ngọt thơm để phục vụ thực khách gần xa. Là địa phương hiếm hoi ở Hà Tĩnh còn giữ được nghề ép mía nấu mật, hiện toàn xã Thọ Điền có 260 hộ tham gia trồng mía, với tổng diện tích khoảng 20ha. Mỗi năm, làng mía Thọ Điền cung cấp ra thị trường khoảng 160 tấn mật thương phẩm, giá bán dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg, ước tính doanh thu khoảng trên 5 tỷ đồng.

mat-mia-tho-dien-1-1522.jpg
Mật mía được nấu rất kì công nhưng ra sản phẩm thì đặc quánh, thơm ngon

Chị Hoa (trú tại thôn 5, xã Thọ Điền), gia đình làm nghề ép mía nấu mật khoảng 15 năm nay. Trước đây, việc ép hoàn toàn làm thủ công, dùng trâu làm sức kéo. Gần đây, các hộ gia đình chuyển sang ép mía bằng máy nên sức lao động được giải phóng đáng kể. Về quy trình nấu mật, chị Hoa chia sẻ, sau khi ép mía xong thì cho nước vào chảo để nấu. Quá trình này phải túc trực thường xuyên để vớt hết bọt đất đổ đi. Khi nước mía sôi, cho vào thùng lắng cặn, khoảng 2-4 tiếng sau khi cặn lắng xuống thì xả lại chảo thông qua lớp lọc rồi nấu thành mật. Thời gian nấu một chảo mật mất 4 tiếng đồng hồ.

Hay như những ngày này tại làng Hòn Rô, thuộc xóm 4, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) rộn ràng tiếng máy ép mía, mùi thơm tỏa ra từ các lò nấu mật. Hàng chục hộ dân nơi đây mỗi năm xuất ra thị trường hàng trăm nghìn lít mật mía - nguyên liệu để làm bánh cu đơ và các món đặc sản. Năm nay, mật mía Hòn Rô liên tục "cháy hàng", mỗi ngày có hàng chục thương lái ở trong và ngoại tỉnh như Hà Tĩnh, Thanh Hóa và cả Hà Nội... tới thu mua.

nau-mat-2312-1673166206.jpg
Công đoạn nấu mật mía tại Hòn Rô, xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ, Nghệ An)

Khảo sát cho thấy, giá mật tại đây hiện 26.000-28.000 đồng một lít, đắt hơn những năm trước 5.000-8.000 đồng. Để mua với số lượng mật nhiều mỗi lượt, thương lái phải gọi điện đặt hàng trước đó nhiều ngày. Cách xã Nghĩa Bình khoảng 20 km, tại làng Găng, xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn - một làng làm mật mía nổi tiếng khác của Nghệ An năm nay cũng trong diện "làm ra đến đâu, bán sạch tới đó". Toàn xã Nghĩa Hưng có khoảng 60 hộ sản xuất, mỗi năm cho ra thị trường khoảng nửa triệu lít. Năm nay thương lái ở tứ xứ đổ về đây thu mua rất nhiều. Ông Võ Đình Lượng, người đã có 30 năm làm nghề sản xuất mật, nói khá bất ngờ khi năm nay mật "cháy hàng". Trong 4 năm gần đây, năm nay mật mía dễ bán nhất, giá cũng cao hơn 15-20%.

cach-lam-mat-mia-tai-nha1.jpg
Bánh giò là món ăn dân dã  nhưng lại đặc biệt không thể thiếu mật mía chấm ăn kèm

Nghề nấu mật mía thủ công truyền thống ở khu vực trung du Bắc Bộ và một số tỉnh bắc Trung Bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh. Ở xứ Nghệ, sản phẩm này thường được bán quanh năm ở các chợ, nhưng nhiều hơn cả là vào dịp gần Tết Nguyên đán. Người dân thường mua về làm gia vị chế biến món ăn, chấm khoai lang hoặc pha với nước chè xanh để uống. Không những thế mật mía còn được sử dụng để chữa bệnh rất hiệu quả bởi những dưỡng chất mà nó mang lại xuất phát hoàn toàn từ tự nhiên.

Hà Trang