Đình Huyền Kỳ

Văn hóa - Xã hội - Ngày đăng : 13:57, 07/01/2023

Từ trung tâm thành phố Hà Nội đến ngã ba Ba La rẽ trái theo đường 22 khoảng 4km là tới thôn Huyền Kỳ, đình toạ lạc ở phía tây nam của làng.

Theo bản thần phả và lời kể của người dân nơi đây, đình Huyền Kỳ thờ Thành hoàng là đức Lãnh Lang, một vị tướng thời Hùng Vương thứ 18. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khó, chuyên làm nghề đánh cá ở trang An Trụ, Chí Linh, phủ Nam Sách. Năm 20 tuổi, cha mẹ Lãnh Lang quy tiên, ông tìm đến Tản Viên Sơn Thánh theo học và được truyền thụ văn chương, võ nghệ. Khi ấy, ở bộ Ai Lao có người tên Thục Phán khởi binh xâm lược nước ta. Hùng Vương cùng Tản Viên Sơn Thánh và các tướng sĩ bàn kế đánh giặc. Lãnh Lang được vua Hùng phong là Đại tướng tiên phong, đem quân tuần phong trấn giữ các nơi xung yếu. Ông lĩnh 2 đạo quân thuỷ bộ tiến về khu Huyền Nhạc, trại Bắc Lãm, tức Huyền Kỳ ngày nay và hội quân ở đây. Có hơn 20 người dân địa phương theo ông tòng quân giết giặc. Trong cuộc chiến đấu chống giặc, Lãnh Lang lập nhiều công lớn, ở trấn Vũ Ninh, Sài Sơn... Quân Thục thất bại thảm hại. Sau chiến thắng, ông xin vua về Huyền Nhạc thăm và khao thưởng nhân dân vì đã có công theo ông giết giặc. Khi mất, nhân dân nơi đây đã xây dựng đền miếu tôn thờ ông là Thành hoàng làng.

Đình Huyền Kỳ là một công trình kiến trúc cổ, có quy mô to lớn, có cổng trụ, tường bao, giếng nước, bình phong. Đình kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm Đại bái và Hậu cung. Theo tấm bia hậu dựng năm Thịnh Đức thứ 3 (1655), ngôi đình được khởi dựng vào thời Lê. Đến thời Nguyễn, niên hiệu Thành Thái thứ 9 (1897), trùng tu lại toà Đại bái theo hình thức trên 4 hàng chân cột gỗ, các bộ vì tạo tác theo kiểu “chồng rường”. Những bức cốn được chạm bong kênh các tích tứ linh mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Trong đình còn bảo tồn nhiều hiện vật có giá trị như 1 cuốn thần phả, 11 đạo sắc phong, 1 cỗ kiệu bát cống, 6 đôi câu đối, 5 bức hoành phi... mà trong đó có bức hoành phi chuyển tải nội dung “Nhân kiệt địa linh” có nghĩa là Đất thiêng người hào kiệt, hay “Dân hoà thần phúc” nghĩa là Thần mang điều phúc dân yên hoà.

Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992.

Phương Anh