Để nghệ thuật truyền thống hái ra tiền
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 14:29, 04/07/2022
Bài 1: Không đứng ngoài dòng chảy công nghiệp hóa
Việt Nam có nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống phong phú, đặc sắc nhưng tiềm năng đó có khá nhiều điểm nghẽn trong khai thác công nghiệp văn hóa. Việt Nam ít coi các lĩnh vực của văn hóa là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế.
Phải đến 3 - năm trở lại đây, điểm nghẽn này mới dần được khai thông, cũng tạo điều kiện cho nghệ thuật truyền thống có cơ hội bứt phát thể hiện sự đặc sắc riêng biệt với giá trị văn hóa chung của dân tộc cũng như thế giới.
Khâu đột phá trong văn hóa
Khai thác giá trị kinh tế của văn hóa để văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước là chủ trương xuyên suốt của Đảng qua nhiều kỳ đại hội. Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.
Như vậy, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được xem như một khâu đột phá trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam, giúp chúng ta phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam nhằm thực hiện khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, để văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần, soi đường cho quốc dân đi trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Đối với tiềm năng văn hóa, Việt Nam tự hào là mảnh đất giàu truyền thống và đa dạng văn hóa. 54 dân tộc anh em cùng lịch sử hàng nghìn năm để tạo ra một kho tàng vô giá về di tích, nghi lễ, lễ hội, trò chơi dân gian, thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, ẩm thực, phong tục tập quán, truyền thuyết, hình tượng anh hùng...
Xã hội hóa nghệ thuật nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng là “lời giải” để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. TP đã có chủ trương và nhiều đơn vị đang thực hiện. Song gần đây, câu chuyện này đang thực sự “nóng” dần lên với những chuyển động thấy rõ.
Theo Kế hoạch số 173/KH-SVHTT ngày 17/5/2018 của Sở VH&TT Hà Nội về triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mỗi năm ngành nghệ thuật biểu diễn dàn dựng và biểu diễn từ 15 - 20 vở mới, trong đó TP chỉ đầu tư cho các đơn vị nghệ thuật công lập dàn dựng mỗi năm không quá 2 vở. Muốn đạt mục tiêu trên, buộc các đơn vị phải xã hội hóa một phần theo hình thức diễn hợp đồng, chủ động hợp tác, xin tài trợ, cho thuê một phần diện tích trụ sở kinh doanh...
“Kho báu” đang dần khai phá
NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học, Nghệ thuật Hà Nội nhìn nhận: Trong nền công nghiệp văn hóa Thủ đô, nghệ thuật truyền thống chính là “kho báu”. Khác với những nguồn tài nguyên vật chất, việc khai thác nghệ thuật truyền thống trong phát triển công nghiệp văn hóa không hề khiến các giá trị văn hóa hao hụt, mà càng tăng thêm. Với giá trị tốt đẹp, tính thẩm mỹ cao, nghệ thuật truyền thống không chỉ góp phần phát triển kinh tế, mà còn là “tấm khiên” bảo vệ mỗi người trước những văn hóa phẩm độc hại trong đời sống.
Giá trị của nghệ thuật truyền thống có thể kể đến show thời trang thổ cẩm và sự gắn kết với 35 dân tộc Việt Nam. Quan họ Bắc Ninh, nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên - hai di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận được giới thiệu tại World Expo - Triển lãm Thế giới diễn ra tại Dubai đã trở thành hiện tượng. Hơn 20 nghìn người tham dự sự kiện đã vô cùng thích thú với loại hình di sản này của Việt Nam.
Định kỳ tổ chức 2 năm một lần (trừ năm 2021 và 2022 phải tạm hoãn vì dịch bệnh Covid-19), Festival Huế với hàng loạt các hoạt động giới thiệu di sản văn hóa truyền thống luôn là sự kiện hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Các nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, Nghệ thuật Ca kịch Huế… cùng với Ðoàn nghệ thuật truyền thống dân tộc tỉnh Lào Cai, Đoàn nghệ thuật dân tộc Đắk Lắk… mang đến cho du khách những bữa tiệc văn hóa cuốn hút, nhiều màu sắc. Chính sân chơi thường niên này đã trở thành điểm hẹn thúc đẩy doanh thu du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô có 27 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của trung ương và Hà Nội giữ gìn và phát huy nhiều môn nghệ thuật truyền thống, như: Chèo, tuồng, cải lương, xẩm, ca trù, chầu văn, múa rối… Nhờ thế mạnh nghệ thuật múa rối nước độc đáo, cùng ý thức liên tục nâng cao chất lượng nội dung, dịch vụ, hàng chục năm qua, trước khi dịch Covid-19 kéo đến, Nhà hát Múa rối Thăng Long luôn “sống” khỏe, duy trì 6 - 8 suất diễn một ngày. Đây cũng là nơi giữ kỷ lục châu Á về việc sáng đèn cả 365 ngày trong năm.
Nhà hát Chèo Hà Nội với chương trình “Long thành diễn xướng” hướng đến phục vụ du khách quốc tế, “Hà Nội đêm thứ bảy” dành cho người yêu chèo đang duy trì hoạt động, đã có thể tự chủ được khoảng 40%. Các đơn vị nghệ thuật truyền thống khác như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam với nhiều chương trình linh hoạt, dành riêng cho khán giả trong và ngoài nước, đến nay, đã tự chủ được từ 30 - 50%.
Những ví dụ điểm trên để cho thấy 1 bức tranh sáng sủa từ ngành nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên kho tàng ấy đã được phát huy hết giá trị, để đưa văn hóa đóng góp vào nguồn GDP của đất nước hay chưa vẫn còn là câu hỏi còn nhiều trăn trở.
"Văn hóa nghệ thuật truyền thống có khả năng đóng góp không nhỏ vào kinh tế. Một số quốc gia như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đã làm rất tốt việc dùng văn hóa thu hút công chúng trong nước lẫn khách du lịch quốc tế. Nhiều chương trình văn hóa hấp dẫn còn được xuất khẩu. Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa nghệ thuật truyền thống phong phú, nhưng chưa phát huy được. Đó là điều khiến tôi trăn trở nhiều năm qua." - NSND Đặng Hùng
(Còn nữa)