Nghề miến làng So những ngày giáp Tết Quý Mão
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 14:04, 04/01/2023
Làng So còn có tên là Sơn Lộ, nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km. Đây là ngôi làng cổ được biết đến với ngôi đình So nổi tiếng, được xưng tụng là đẹp nhất xứ Đoài: “Đẹp đình So, to đình Cấn”. Ngoài nghề nông, dân làng còn có nghề truyền thống làm miến dong. Theo các cụ cao niên trong làng và dựa trên nguồn sử liệu là các thần phả được lưu giữ trong đình, nghề làm bún gạo (tiền thân của miến dong) đã xuất hiện ở làng So hơn 10 thế kỷ trước, gắn với câu chuyện dân làng So làm lễ tiễn Đinh Bộ Lĩnh và 300 tráng đinh lên đường dẹp loạn 12 xứ quân. Từ xa xưa, người dân nơi đây lưu truyền câu ca: “Cỗ yến thiếu miến làng So”, ý nói mâm cỗ dù có nhiều món ngon đến đâu cũng không thể thiếu miến làng So.
Làng So được bao quanh bởi 4 ngọn núi Long - Ly - Quy - Phượng, phủ kín cây xanh, thiên nhiên ban tặng nguồn mạch nước giếng vừa trong vừa ngọt, đó cũng là một trong yếu tố quan trọng tạo nên độ trắng trong hương vị rất riêng của sản phẩm miến nơi này.
Những ngày cuối năm, về xã Tân Hòa mới thấy sự nhộn nhịp khi vào mùa sản xuất phục vụ thị trường Tết. Năm nào cũng vậy, người làng So chỉ mong đến dịp cận Tết để làm hết công suất, vì đây là thời điểm nhu cầu sản phẩm miến của thị trường cao nhất. Trên những trục đường chính hay các ngõ ngách của thôn xóm, những chiếc xe máy chở bánh tráng, miến đi phơi chạy tấp nập.
Ông Nguyễn Tiến Chỉnh, chủ cơ sở sản xuất miến dong Trường Quân tại xã Tân Hòa cho biết, miến dong làng So không giống với các loại miến khác vì miến làm bằng bột dong riềng nguyên chất tại địa phương, nước làm miến dong cũng được lấy từ nước giếng khơi tự nhiên của làng.
Hiện tại, công nghệ sấy khô đã được áp dụng rất nhiều ở các làng nghề khác, tuy nhiên với miến làng So vẫn giữ cách làm khô truyền thống từ quy trình phơi dưới ánh nắng và gió thiên nhiên. “Sở dĩ người làng So không dùng công nghệ sấy khô sợi miến mà chọn cách hong khô tự nhiên bởi đó cũng là một phần bí quyết giúp cho sợi miến của làng So được dai và thơm hơn” – ông Chỉnh cho hay.
Miến dong làng So được sản xuất quanh năm, tuy nhiên từ tháng 9 đến tháng 12 được coi là vụ chính vì tập trung tăng năng suất sản xuất phục vụ hàng Tết. Hiện nay, do nhu cầu của thị trường và giảm bớt sức lao động các hộ gia đình đầu tư thiết bị máy bán tự động tạo năng suất cao, trung bình mỗi ngày thu được 4000-5000kg miến. Miến làng So có màu trắng trong, sợi dai và giòn tự nhiên nấu quá lửa không bị nhão, bết dính, không sử dụng chất bảo quản, chất phụ gia.
Sự góp mặt của công nghệ, máy móc đã làm thay đổi đáng kể hoạt động sản xuất của làng nghề miến So. Không chỉ nâng cao năng suất, hệ thống máy móc còn giúp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hơn trước rất nhiều. Miến làng So xã Tân Hòa có đặc điểm dai, giòn, có hương thơm đặc trưng của bột dong. Sợi miến sau khi nấu có thể để lâu mà không bị bở, nát và không có sạn.
Miến dong làng So giờ đây đã thành thương hiệu, xuất hiện ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc. Từ những quán miến ngan, miến lươn ở phố phường Hà Nội đến mâm cỗ hiếu hỉ, hay trên bàn thờ tiên tổ khi giỗ chạp hoặc Tết đến xuân về; từ các sạp hàng tạp hóa đến những tủ kính lung linh ánh đèn trong các siêu thị và xa hơn nữa nó miến làng So đã vượt đại dương hiện diện ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Miến dong làng So là sự kết tinh của củ dong vùng sông Đáy, của nguồn nước do thiên nhiên ban tặng và sự sáng tạo mà cha ông đã để lại cho con cháu. Sợi miến làng So kết nối tên làng với khắp nơi, cũng như những sợi chỉ dẫn đường cho người con làng So xa xứ mỗi khi hướng về quê hương…
Tết Quý Mão đang đến gần, người dân làng So vẫn đang hối hả làm miến với mong muốn, những sợi miến ngon sẽ được mang đi khắp nơi, góp phần làm cho mâm cỗ ngày Tết của các gia đình người Việt thêm đủ đầy và tiếp tục đưa thương hiệu miến dong làng So vươn xa hơn đến các thị trường tiềm năng trên thế giới.