Đình, đền Phú Thứ
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 09:21, 28/12/2022
Đình Phú thứ thờ con vua Hùng thứ 18, ba đại vương họ Nguyễn Quý làm Thành hoàng. Cạnh đó có đền thờ Liễu Hạnh mang tên “Sòng Sơn lưỡng chỉ”. Đây là đền lớn nhất của huyện Từ Liêm bên dòng sông Nhuệ thờ Tiên chúa. “Tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ”. Tháng 8 giỗ Trần Hưng Đạo, tháng 3 giỗ Liễu Hạnh - một nữ thần của Việt Nam. Giai thoại của Liễu Hạnh tại đền Sòng Thanh Hoá được cụ Phan Kế Bính ghi trong sách Nam Hải Dị Nhân, năm 1912:
“Về sau Tiên chúa hiển Thánh ở Đèo Ngang Phố Cát tỉnh Thanh Hóa, hiện ra làm con gái đẹp bán nước, những kẻ đùa bỡn chết hại rất nhiều. Triều đình nghi là yêu quái, sai thầy phù thuỷ và Trịnh Hoàng Thúc đem quân đi tiễu. Quan quân bắn vào trong núi, tàn phá đền đài. Được vài tháng dân xứ ấy dịch tễ, lập đàn cầu khẩn thì mới biết là Tiên chúa hiển thánh, tâu lên triều đình, vua sai sửa sang lại đền miếu, phong làm Mã vàng công chúa. Sau lại có công giúp nước phá giặc Mán, được phong làm Chế Thắng bảo hoà điệu Đại vương, lập đền trên núi Sòng Sơn đến giờ vẫn còn anh linh...”.
Đền Sòng Sơn lưỡng chỉ ở Tây Mỗ được trùng tu đầu thế kỷ XX, bức hoành phi đề “Thượng đẳng tối linh từ” Liễu Phúc Tích Dân sơn son thếp vàng. Quả chuông đúc năm 1946 đường kính 30cm, chiều cao 60 cm, có 4 múi với 4 chữ “Tứ linh Phú Thứ”. Trong đền có nhiều đạo sắc phong như của vua Thành Thái năm thứ 13, vua Duy Tân năm thứ 3. Trong Hậu cung có tượng Liễu Hạnh và Hồng Nương, Nhị Nương. Nằm bên trục đường 70, hai phía là chợ Hà Đông, chợ Nhổn đều cuốn hút bà con đi lễ để cầu mong sự tốt lành. Thủ đô Hà Nội từng nổi tiếng với đền mẫu Văn Tâm (phố Sinh Từ), đền Sòng Sơn (phố Nam Đồng), phủ Tây Hồ (phường Quảng An). Giờ ta lại biết tới đền Sòng nổi tiếng ở vùng Mỗ. Đạo mẹ trong tâm thức người Việt vốn có từ lâu. Ta có mẹ Đất, mẹ Lúa, mẹ Nước, mẹ Núi, mẹ Rừng, mẹ Âu Cơ được tôn thờ suốt từ Mũi Cà Mau tới Lũng Cú. Ba vùng trời non nước có mẹ chủ trì nơi trần gian thêm một mẫu nữa là chúa Tiên Liễu Hạnh.
Phú Thứ một năm có hai ngày hội: ngày 12 tháng giêng và ngày 7 tháng ba âm lịch. Xưa kia cứ ngày 12 tháng giêng, làng vào đám tế thần tổ chức mổ một con lợn, thổi 10 mâm xôi và các loại trầu cau vàng mã đáng giá 25 đồng bạc (giá trị vào năm 1910). Ngày 10 tháng một đám rước mang theo choé nước ra giếng Ngài ở Lạc Thọ Đình. Trò chơi ngày hội có kéo lửa, thổi cơm thi, bắt vịt, đánh đu... Ngày 3 tháng ba hội đền mẫu với lễ dâng hương, hát văn, hầu đồng. Người ta nhớ điệu Bỉ do các thày cúng văn biểu diễn. Âm nhạc mang tính chất ngâm ngợi, cấu trúc tự do. Điệu Bỉ dùng trong phần đầu của bản văn hát thờ, văn thi hoặc dùng nối tiếp làm điệu chuẩn bị cho ông Hoàng hiến rượu, cô chèo đò, cậu múa võ. Hãy nghe bài ca về cảnh đẹp của Phú Thứ: “Kiểu danh thắng lắm nơi đáng kể Trước sông đào sau kế ao sen Bồ Đề, Cống Hạnh, Cầu Tiên Đình trên lưng cóc, nằm nghiêng giữa làng. Voi phục trước, Phượng Hoàng châu lại Ngoài Tử Duy, xóm trại Hoàng Xà Đống Cơm, Đống Miễu, Hàng Bà Đống Vang, Đống Thợ lại qua Đống Hiền”. Đình, đền Phú Thứ đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1995.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01