Ngôi đình thờ Phùng Hưng giữa lòng Hà Nội
Tin tức - Ngày đăng : 10:06, 26/03/2021
“Nhân chứng” lịch sử
Sách "Việt điện u linh" của Lý Tế Xuyên từng viết về cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng: “Bấy giờ, vào nửa sau thế kỷ VIII, sự thống trị của nhà Đường ngày càng suy yếu... Khoảng đời Đại Lịch (776 - 779), nhân lòng căm phẫn của nhân dân, lợi dụng quân lính ở Tống Bình nổi dậy chống bọn đô hộ, người hào trưởng đất Đường Lâm là Phùng Hưng đã phát động một cuộc khởi nghĩa để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Anh em Phùng Hưng, Phùng Hải lãnh đạo nghĩa quân nổi dậy đánh chiếm cả một vùng rộng lớn quanh Đường Lâm... Theo lời khuyên của thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn, Phùng Hưng tiến quân xuống Tống Bình vây Phủ Thành. Đô hộ Cao Chính Bình đem quân ra ngoài thành đón đánh, bị thua to, lo quá phát bệnh mà chết. Phùng Hưng vào thành Tống Bình tổ chức việc tự chủ lâu dài...”.
Để ghi nhớ công lao của Phùng Hưng, nhân dân một số làng nằm trên tuyến đường tiến quân của nghĩa quân Đường Lâm đã lập đền thờ Bố Cái Đại vương và tôn ngài làm Thành hoàng làng. Ngày nay, tại Hà Nội vẫn còn nhiều di tích thờ ngài như đền Phùng Hưng tại quê hương ông ở thôn Cam Lâm và đình Đoài Giáp (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây), đình Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), đình Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) và đình Quảng Bá (phường Quảng An, quận Tây Hồ)...
Trải qua quá trình lịch sử, đình Quảng Bá là “nhân chứng” lịch sử quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình là địa điểm hoạt động của cán bộ cách mạng. Sau đó, đình trở thành trụ sở của Ủy ban Hành chính kháng chiến và lớp bình dân học vụ... Ngày 29-9-1962, nhân dân Quảng Bá vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Trong khuôn viên đình hiện còn tấm bia lưu niệm ghi lại sự kiện Người về thăm địa phương.
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích
Đình Quảng Bá có niên đại khởi dựng khá sớm. Quá trình trùng tu, tôn tạo đình được ghi lại trên tấm bia đặt trong nhà hữu mạc: “Sau khi Đại vương Phùng Hưng qua đời, tổ tiên dân làng Quảng Bá lập đền thờ ngài đầu tiên bằng tre lá, dưới gốc đa cổ thụ, giáp giới xóm Xiểng và xóm Đồng, sau chuyển ra gò Con Xà ở xóm Mẩu gần chùa Hoằng Ân, xây dựng thành đình. Đến năm 1924, bô lão cùng dân làng Quảng Bá đã chuyển đình từ xóm Mẩu về nơi đây. Năm 1936, đình được tôn tạo lần thứ tư. Lần trùng tu đình thứ năm diễn ra từ ngày 12-3 đến 10-8-1998...”.
Trưởng Tiểu ban quản lý di tích đình Quảng Bá Ngô Văn Hy cho biết, dù trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng đình Quảng Bá vẫn giữ được kiến trúc ban đầu gồm: Cổng đình, sân gạch, nhà tả - hữu mạc, tòa đại đình, hậu cung. Cổng đình được làm kiểu trụ biểu, đỉnh trụ đắp nổi hình chim phượng cách điệu. Hai cổng nhỏ hai bên được làm kiểu vòm cuốn. Sân đình lát gạch Bát Tràng. Hai bên sân là nhà tả - hữu mạc. Tòa đại đình bảy gian, được xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Tòa hậu cung năm gian, mở hai cửa nhỏ kiểu vòm. Hiện nay, trong đình còn lưu giữ bộ sưu tập gồm nhiều di vật có giá trị về lịch sử và nghệ thuật.
Đình Quảng Bá là công trình tín ngưỡng gắn bó với đời sống tinh thần của dân làng từ bao đời nay. Trước đây, hội làng diễn ra từ mồng 10 đến 12 tháng Hai âm lịch hằng năm. Từ năm 2018, thực hiện quy định của thành phố Hà Nội, hội làng diễn ra định kỳ 3 năm/lần. Bà Vũ Thị Huệ, chủ tế của đội tế nữ chia sẻ: “Lễ hội đình Quảng Bá là dịp để các thế hệ người dân, các dòng họ tỏ lòng biết ơn Thánh và gặp mặt, tìm hiểu về truyền thống lịch sử của làng. Một trong những phong tục đẹp của lễ hội đình Quảng Bá được duy trì nhiều năm qua là sự tham gia của các địa phương thờ Phùng Hưng, tạo nên sự gắn kết giữa các di tích thờ ngài trên địa bàn Hà Nội”.
“Để tỏ lòng thành kính với Thành hoàng làng và góp phần bảo tồn, nâng cao giá trị văn hóa - lịch sử của di tích đình Quảng Bá, được sự đồng ý của Cục Di sản Văn hóa, UBND quận Tây Hồ, UBND phường Quảng An, Tiểu ban Quản lý di tích cùng nhân dân Quảng Bá đã và đang chung sức đóng góp, huy động kinh phí để đúc tượng ngài bằng đồng thau thay cho khung gỗ đơn giản hiện nay”, ông Ngô Văn Hy chia sẻ. Đó cũng là việc nên làm để bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa - lịch sử của di tích cũng như tín ngưỡng truyền thống của người Việt.