Đình An Lãng

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 14:59, 20/12/2022

Dưới gốc đa già, ngôi đình An Lãng nằm uy nghiêm trên một thế đất đẹp ở phía đông bắc của làng. Vị trí này cao ráo, phía trước có hồ nước soi bóng, phía sau là khu dân cư quần tụ.

Kiến trúc đình là kiểu “nội công ngoại quốc” gồm Đại bái, Trung cung, Hậu cung. Kết cấu trang trí trên kiến trúc mang đậm phong cách thời Nguyễn. Hạng mục đầu tiên là hệ thống tường giả ngũ môn nối liền toà Đại bái. Ngũ môn đồ sộ cửa uốn vòm mai cua. Phía trên cửa vòm, mái xây theo kiểu chồng diêm hai tầng mái cong lợp giả ngói ống hoặc đắp cuốn thư.

Ngăn giữa các cửa là cột trụ biểu được tạo tác cầu kỳ, đắp tứ linh, tứ quý. Mỗi cửa ngũ môn ứng với mỗi gian của toà Đại bái. Toà Đại bái là công trình kiến trúc to lớn, gồm 5 gian có chiều dài 19,4m được xây tường hồi bít đốc, phía trước là cửa bức bàn, phía sau để trống thông với Trung cung. Bộ khung nhà bằng gỗ tứ thiết với bốn hàng cột gỗ lớn chiều cao tới 5,45m, chu vi là 1,45m và hệ thống xà ngang, xà dọc, câu đầu liên kết các kiến trúc gỗ với nhau. Các bộ vì được làm thống nhất theo kiểu “thượng giá chiêng; hạ cốn, bẩy hiên”. Đặc biệt là 8 bức cốn được nghệ nhân tạo tác cả hai mặt với đề tài “ngư long hý thuỷ”, “tứ linh”, “tứ quý”. Công trình này được tu bổ lớn nhất vào Bảo Đại (1929). Tiếp theo Đại bái là toà Trung cung. Lối kiến trúc này trọng tâm là hai hàng cột cái với bốn cột cao 6,50m. Đây là hạng mục kiến trúc khá độc đáo với hình thức hai tầng tám mái đao cong. Phần cổ diêm vẽ tranh tứ quý. Hai đầu đốc chạm nổi hổ phù trên gỗ. Qua Trung cung là tới Hậu cung. Đây là ngôi nhà nằm song song với Đại bái gồm ba gian, kiến trúc liên hoàn với Trung cung để tạo thành chữ công. Phía trước Hậu cung mở ba cửa thông với Trung cung, phía sau xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi mỏng. Vào bên trong, các bộ vì làm theo kiểu thức “chồng rường”. Gian giữa Hậu cung đặt ban thờ có long ngai, bài vị thờ thần Thành hoàng.

Đình còn lưu giữ được bản thần phả ghi sự tích Thành hoàng làng là ba vị hoàng đế thời tiền Lê. Sau khi nhà Đinh mạt vận, Lê Hoàn thập đạo tướng quân lên ngôi, truyền được ba đời, sau đó ngôi vua chuyển sang họ Lý (Lý Công Uẩn).

Đình An Lãng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996.

                                                        Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Phương Anh (t/h)