Hà Nội thương một đời, đâu phải... tạm thương!

Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi - Ngày đăng : 11:32, 19/12/2022

Tôi đã phải lòng câu nói “Thương một đời đâu phải tạm thương”. Ấy là lần đầu bước chân đến ngõ Tạm Thương trong một sớm mùa Xuân lây phây mưa bụi, không gian bảng lảng sương mờ giăng kín. Dường như ngõ Tạm Thương vẫn còn ngái ngủ, đang trầm vào hơi thở. Bóng thời gian sẫm màu in lên ngõ nhỏ, tôi ngỡ mình cảm nhận được những trầm tích yêu thương.
8.jpg

Thật ngạc nhiên, Hà Nội có một nơi trầm lắng, tĩnh mịch, tách biệt với những gì nhộn nhịp, chỉ cách vài bước chân từ phố Hàng Bông số nhà 38 rẽ vào. Ngõ Tạm Thương giống như một thế giới khác hẳn, mọi thứ đều lắng lại, những âm thanh ầm ào, xô bồ chìm dần đi trong mờ ảo. Hà Nội có bao nhiêu ngõ nhỏ tôi cũng không rõ nữa. Từ trên Hàng Bông xuôi về Hồ Hoàn Kiếm, ngõ Tạm Thương nép mình ngoằn ngoèo dài hơn năm trăm mét đi sâu vào trong thông với ngõ Yên Thái, nhưng lại mang đậm hồn cốt của Hà Nội xưa. Hiếm có nơi nào vừa ở trung tâm với guồng quay đô thị cùng với sự phát triển thiết yếu của cuộc sống, vẫn mặc nhiên giữ riêng cho mình đình thiêng giếng cổ như ở ngõ Tạm Thương. Tạm Thương khiêm nhường, dung dị, dù trải qua bao biến cải thăng trầm thế sự vẫn giữ được nét hoài cổ đầy ý nghĩa. Người Hà Nội nặng lòng, nặng tình những cũ mới đan xen. Nhưng sau cùng, người dân nơi đây vẫn muốn bước chân mình được trở về chốn xưa ngày cũ, nhất là những người con phải xa Hà Nội, xa ngõ Tạm Thương, dẫu trên mái đầu đôi ba lớp sương phủ trắng.

Ngược dòng thời gian, khi hồi ức và cảm xúc cứ mênh mênh mang mang đưa tôi trở về con ngõ của hơn 30 năm về trước, lúc đấy tôi còn là cậu sinh viên đang làm đề tài ngõ Tạm Thương. Hà Nội trong mưa xuân nhè nhẹ, nhưng cũng đủ làm ướt tóc, phải chăng những hạt mưa cũng đang hát về Hà Nội xưa? Lãng đãng đâu đây hồn cốt nghìn năm của đất kinh kỳ dường như vẫn còn nguyên vẹn. Tạm Thương thật đặc biệt, nhưng không hề dị biệt. Tạm Thương vận hành cùng với dòng chảy lớn, vẫn mang hơi thở của thời đại. Hình bóng, linh hồn của Hà Nội hàng trăm năm vẫn phảng phất, vẫn quấn quýt từng tấc đất, từng nhành cây, ngọn cỏ nơi đây. Tạm Thương luôn giữ cho mình một hương, vị, sắc, một vẻ rất riêng.

Thật may mắn, khi tôi được gặp một bác sống ở ngõ Tạm Thương. Bác dẫn đi khắp con ngõ, kể tôi nghe, nói tôi biết rất nhiều điều về Tạm Thương. Bác nói, lịch sử ra đời tên ngõ Tạm Thương đã được hơn hai trăm năm. Có những gia đình sống gắn bó ở Tạm Thương đã đến đời thứ tư, thứ năm bền bỉ, nặng trĩu ân tình. Bác nói tiếp, những người ở ngõ Tạm Thương dạy con cháu rằng “Sinh ra trong ngõ Tạm Thương thì sống mãi ở đây để thương cả một đời”. Sự hiểu biết sâu rộng của bác về con ngõ khiến tôi trầm trồ, ngưỡng mộ. Tôi còn nhớ, bác mời tôi ăn bát bún riêu cua trong ngõ Tạm Thương, quán bún riêu của bà Nghĩa. Bác ôn tồn nói, cháu ăn bún riêu cua bà Nghĩa sẽ cảm nhận giống như một người con đi xa trở về, sà vào lòng mẹ. Chúng tôi rảo bước đến quán bà nghĩa, gương mặt bà đôn hậu, tóc bạc trắng. Bà cười nói hỏi tôi, cháu ăn bún à, ăn nhiều không cháu, có ăn rau không? Đây là nước me, ớt, mắm tôm, cháu ăn thế nào thì cho thêm vào nhé cháu! Miệng bà nói, tay bà nhanh nhẹn lau bát, gắp bún, chan nước dùng. Nhìn cách bà nói, động tác bà làm, rất ân cần, chu đáo. Bà Nghĩa quan tâm, chăm sóc khách hàng giống như một người con dù là lần đầu mới gặp. Tôi nhớ mãi hương vị bát bún riêu đậm đà tình quê hương, tình người của bà Nghĩa. Có cảm giác như mình chưa từng được ăn bát bún nào thơm ngon đến vậy.

Có những buổi chiều chếnh choáng lúc hoàng hôn ngả nắng, từng giọt rơi vội vàng bên khung cửa đã nhuốm màu thời gian. Người dân trong ngõ Tạm Thương ngồi bên nhau uống trà, hay bia rượu. Người ta bảo, không phải họ đang uống bia, rượu hay trà, mà đang “uống nhau”, vì nhau mà ngon, vì nhau mà say. Có những người ở nơi khác cũng rất muốn đến Tạm Thương, họ thường nói với nhau, “Tạm Thương đi”, để say men rượu, nhưng chính là để say men “tình”. Tình ở đây là tình dành cho con ngõ, bởi Tạm Thương mang hai tiếng thâm tình mãi trong tim họ. Tôi thầm ước một lúc nào đấy có người mình yêu thương, sẽ dắt tay nhau đi trên ngõ nhỏ Tạm Thương để nghe hồn lãng đãng yêu thương dâng đầy. Dẫu biết thời gian thay đổi, nhưng lòng người Hà Nội nói chung, Tạm Thương nói riêng, không muốn quên đi xưa cũ của một thời. Chiều nay mưa giăng buồn trên ngõ Tạm Thương, tôi lang thang khắp ngõ nhỏ mà thấy lòng chùng xuống. Chắc có lẽ những giọt mưa cũng đang khe khẽ ngân nga giai điệu của mình, phải chăng ngõ Tạm Thương cũng vậy. Tôi nghe lòng mình chất chứa suy tư lẫn khắc khoải. Giờ đây người bác mà tôi được gặp và bà Nghĩa, hai người họ cũng đã trở thành người thiên cổ. Lời nói của người bác về ngõ nhỏ Tạm Thương vẫn văng vẳng bên tai. Tôi như ngửi được đâu đây mùi thơm lừng bát bún riêu của bà Nghĩa ngày nào, nghe trong tim mình lời giảng của người bác trong ngõ Tạm Thương, tôi nhớ nụ cười hiền hậu của bà Nghĩa.

9(1).jpg
Dẫu biết thời gian thay đổi, nhưng lòng người Hà Nội không muốn quên đi xưa cũ của một thời. (ảnh: internet)

Hà Nội có nhiều ngõ đặt tên rất lạ, nhưng lạ hơn cả là Tạm Thương. Bất cứ ai có dịp ghé thăm ngõ Tạm Thương đều không khỏi thắc mắc, sao người ta đặt tên ngõ là Tạm Thương? Ai trong đời mà không có chữ thương ở trong lòng, sao con ngõ này chỉ thương tạm thôi? Giống như người ta bảo, dưới ánh đèn của mỗi một gia đình sẽ là một câu chuyện khác nhau, hạnh phúc giống nhau, nhưng bất hạnh thì lại rất khác nhau. Bước chân tôi đi, lang thang khắp con ngõ, bỗng dưng tôi nhớ đến bốn câu thơ của Chế Lan Viên viết về ngõ nhỏ Tạm Thương.

“Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương

Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm

Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm

Thương một đời đâu phải tạm thương”

Tạm Thương từ sáng sớm đến chiều thật đặc biệt, không xô bồ, ồn ào, không có những âm thanh, tiếng động lạ. Đâu đó, người ta ngửi được mùi trầm ấm nồng phảng phất, nghe được giọng nói gốc Hà thành đặc sệt, lời chào hỏi thân tình. Con ngõ từ ngoài nhìn vào không hẹp, càng đi sâu vào trong càng ngoằn ngoèo, hun hút. Có những đoạn phải tránh, lách qua để đi, đôi khi chạm vai nhau. Nhưng người dân nơi đây vẫn mỉm cười hiền lành, nhẹ nhàng, nhường đường cho người khác qua. Bước sâu vào trong thấy thong dong quá đỗi, cảm nhận được sự gắn bó mật thiết của con ngõ với cuộc đời người dân nơi đây. Nhìn giếng cổ và đình thiêng ở Tạm Thương gắn chặt với nhau như thể xác và linh hồn. Tôi tò mò ghé mắt nhìn vào, thấy lòng giếng rất sâu, nước rất trong. Phải chăng lòng người ở ngõ Tạm Thương cũng vậy, cũng rất sâu và trong. Giếng ăn sâu xuống đất, nguồn nước cứ vậy tiếp nối sinh sôi.

10(1).jpg
11(1).jpg
Giếng cổ và đình thiêng ở Tạm Thương gắn chặt với nhau như thể xác và linh hồn (ảnh: internet)

Theo lịch sử, người ta nói con ngõ Tạm Thương khởi nguồn từ mối tình rất đẹp của vua Lý Thánh Tông với cô gái hái dâu, sau này là Nguyên Phi Ỷ Lan. Khi ông phải lòng bà, vua Lý Thánh Tông đã cho người xây lầu Động Tiên ở ngay khu vực ngõ Tạm Thương lúc bà chưa được tiến cung. Vua Lý Thánh Tông xây cho người mình yêu thương chỉ là nơi ở tạm, đi một vòng trở về rồi quay lại chữ thương, nhưng thương cả một đời. Người đời sau đã cất giữ yêu thương, đưa bà trở về nơi yêu thương của hai người, đó là ngôi đình Yên Thái được xây vào thế kỷ 18, người ta dựa vào các sắc phong vua ban để xác định mốc thời gian. Trong đình có bức hoành phi “Lý đại mẫu nghi” (Mẫu nghi thiên hạ, người đời ca tụng ân đức của bà với vương triều nhà Lý). Bà đã giúp rất nhiều cho người dân nơi đây. Ghi nhớ công ơn, họ đã gìn giữ, thọ ơn bà. Sống trong ngõ Tạm Thương là những người nặng ân tình, thâm trầm, kín đáo, nhẹ nhàng, thanh lịch, thân thiện, và người Hà Nội cũng là như vậy. Vâng, vẻ đẹp thực sự của thủ đô Hà Nội, chính là nằm trên những phố cổ, nằm ở những con ngõ nhỏ trong sự trầm mặc của thời gian. Bởi những gì thanh lịch nhất, cổ kính nhất đều hiện hữu ở nơi đây. Và Tạm Thương đã và đang là một phần của Hà Nội xưa.

tam-thuong.png
Tác giả bài viết bên ngõ Tạm Thương

Mưa Hà Nội thầm thì dệt thương Tháp Rùa vẹn nguyên soi bóng mặt Hồ Gươm, cùng đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, Cầu Thê Húc. Hoàng Thành Thăng Long cùng đền đài được dệt bằng gió vàng. Đình Yên Thái được dệt nhớ bằng ngõ nhỏ Tạm Thương. Dẫu biết rằng người Hà Nội nở hoa lòng mình ngay cả trong giông bão, hồn người Hà Nội có thấm đầy mùa xuân đi chăng nữa, nhưng cần lắm sự chung tay, chung sức, bảo vệ, giữ gìn những gì ông cha ta gây dựng, đã làm nên lịch sử. Sau khi thắp hương ở đình Yên Thái, tôi nắm chặt tay người mình yêu thương rời Tạm Thương, để rồi quay về với ồn ào, xô bồ, nhộn nhịp thường ngày, lòng bỗng ngơ ngác… chống chếnh. Khẽ ngoái đầu lại nhìn Tạm Thương trong im lặng, khoảnh khắc đó tôi thấy lồng ngực mình khẽ đầy lên. Khắc khoải, day dứt với những gì được nghe từ lời người bác kể, thấy được tình người họ dành cho nhau ở con ngõ Tạm Thương, tôi rất nhớ nụ hiền hậu cười của bà Nghĩa năm nào.

Chiều cuối năm, dưới làn mưa bụi đang khẽ khàng phả vào mặt se lạnh, xen lẫn những giọt ấm áp. Tôi không thể nào quên cảm giác yên bình khi ở Tạm Thương. Tôi nghĩ, ai đã từng đến với Tạm Thương lòng sẽ không khỏi bâng khuâng lưu luyến mãi. Tạm Thương đến để nhớ, đến để thương, đến để yêu cả một đời. Lòng tôi lại vang lên câu nói, thương một đời đâu phải tạm thương…

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Lê Minh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Lê Minh