Đình Mạnh Tân
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 09:44, 17/12/2022
Căn cứ vào thần phả còn lưu giữ ở đình thì đình Mạnh Tân thờ hai vị Đương Giang thần và Lý Quốc Mẫu Hoàng thái hậu làm Thành hoàng. Về thần Đương Giang mà tên gọi đầy đủ là Đại Đương Giang Minh thiên tá phụ đại vương. Ông là người phò tá Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, lúc bấy giờ nhân dân khu Mạnh Tân xin làm thần tử cho ông đến hơn trăm người. Thắng trận ông được bổ nhiệm trấn giữ đạo Thái Nguyên. Sau khi thân mẫu mất, ông ở lại trang Mạnh Tân, giúp nhân dân trừ được nạn dịch, phụ lão và nhân dân trong thôn ai nấy đều kính phục. Ông cho lập miếu rồi di mệnh cho trang Mạnh Tân được thờ phụng mãi ve sau.
Về Lý Quốc Mẫu Hoàng thái hậu tức bà mẹ sinh ra nhà vua Lý Công Uẩn được thần tích chép khá rõ ràng: Bà là người họ Phạm, quê ở Cổ Pháp, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, đạo Kinh bắc. Năm 22 tuổi là người tuyệt mỹ vô song, lương duyên chưa bén, chưa chọn được người. Bấy giờ bà đến chùa Linh Ứng dốc lòng để tâm niệm Phật, sau 3 năm vào một đêm ngủ trong chùa, đến giữa canh 3 thì mơ thấy một vị đại thần đến đùa với mình, từ đó mang thai, trẻ em, người già đều cho là việc lạ... Năm Giáp Tuất, sinh ra một người con trai, lên 9 tuổi, hai mẹ con trở về trang Cổ Pháp. Lúc bấy giờ trong nhà Lý Khánh Văn, có 2 con chó đá đặt dưới chân giường. Chó tự dưng sủa lên 3 tiếng dữ, rồi ngoe nguẩy đuôi mừng khách, người nhà thấy vậy rất sợ. Ông vốn là một thiền sư, khi bói trong kinh dịch, ở quẻ càn, hào cửu nhị, lời thoán nói rằng: “Có thánh nhân đến nhà vào lúc giờ Ngọ”. Quả đúng vậy, khi hai mẹ con đến thấy diện mạo đứa trẻ khác lạ mang khí tượng thiên tử, thì Khánh Văn liền sai người nhà đón và nuôi dưỡng chu đáo. Đứa trẻ học thông kinh sử có chí anh hùng hơn hẳn mọi người, đức độ không ai sánh kịp. Khi trưởng thành Lý Công Uẩn phò tá Lê Đại Hành, năm 1010 lên ngôi vua...
Bấy giờ bà họ Phạm đi qua khu Mạnh Tân, thấy nơi đây bị huỷ hoại do thiên tai, chùa đổ nát bà động lòng xin cùng với bản khu dốc lòng hiệp sức sửa sang ngôi chùa. Cảnh chùa từ chỗ đổ nát mà được khang trang. Sau khi chùa đã hoàn thành thì liền báo cho các sư, các thiền tăng trở về khu Mạnh Tân mừng hội khánh thành trong suốt 10 ngày. Phụ lão và nhân dân khu Mạnh Tân rất ngưỡng mộ công đức của bà. Trong khi tế trời đất, dáng bà nghiêm nghị, một tay cầm hoa sen, một tay cầm ấn chú bước lên đàn cao ngồi. Khi đó, thấy một đám mây giống như dải lụa đỏ lơ lửng trên đỉnh đầu, bỗng trời đất trở nên tối tăm, ban ngày tối tựa đêm đen, bà cưỡi mây về trời. Từ đó về sau tỏ rõ linh ứng, bà được gia phong mỹ tự Thượng đẳng phúc thần. Vua sai các quan trở về khu Mạnh Tân làm lễ, ban cho bản khu sở tại được làm dân Hộ nhi phụng thờ.
Đình Mạnh Tân nằm trên một khu đất rộng ở trung tâm khu vực cư trú của thôn. Ngôi đình bề thế với mái đao cong, bờ nóc đắp rồng chầu mặt nguyệt tạo vẻ uy nghi cho ngôi đình. Đình kết cấu mặt bằng theo lối chữ “nhị” gồm Đại đình và Hậu cung. Ngôi đình khởi dựng cách đây vài trăm năm, tuy đã nhiều lần trùng tu song vẫn còn giữ được nét cổ kính thể hiện qua cách trang trí trên kiến trúc. Đặc biệt trên các bức cốn với đề tài tứ linh người nghệ nhân xưa thể hiện kỹ thuật chạm nổi, chạm lộng với nét chạm linh hoạt sống động, mềm mại chắc khoẻ. Các đầu dư được trang trí đầu rồng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Hai tầng mái của Hậu cung đình Mạnh Tân vẫn mang vẻ đẹp kiến trúc của ngôi đình thế kỷ XVIII - XIX.
Những di vật còn bảo lưu ở di tích là nguồn sử liệu quý giá góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hoá nước nhà. Trong đó phải kể đến bộ tài liệu chữ Hán như thần phả và sắc phong thần,của các triều đại phong kiến. Đồ thờ cúng như hương án, kiệu bát cống, ngai thờ, bài vị đều có nghệ thuật tạo tác thế kỷ XIX.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01