Đình Sông

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 09:29, 17/12/2022

Đình Sông vốn là nơi thờ phụng của 3 làng vạn chài gồm Vạn Thượng (nay thuộc thị trấn Phùng), Vạn Giữa (nay thuộc thôn Đại Thần) và Vạn Hạ (nay thuộc xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức). Vị trí của ngôi đình hiện nay toạ lạc tại thôn Đại Thần, thờ phụng các vị Thuỷ thần của ngư dân ba làng vạn chài, làm nghề chài lưới trên dòng sông Đáy xưa.

Theo truyền thuyết, đình Sông thờ các vị Lạc Long Vương thượng đẳng thần, Hà Bá thuỷ quan đại vương và Ngư Phụ tiên sư. Lạc Long Vương chính là Lạc Long Quân được chép trong “Lĩnh Nam chích quái”. Gống như đình Thọ Vực, đình Sông cũng thờ hệ thống tín ngưỡng nguyên thuỷ này. Vị Thành hoàng Hà Bá thuỷ quan đại vương là vị thuỷ thần gắn bó chặt chẽ và chi phối đến cuộc sống của ngư dân sông nước. Đây chính là vị thần cai quản các dòng sông, cửa biển, thần phù. Ngư phụ tiên sư là vị Tổ nghề dạy các ngư dân đánh bắt hải thuỷ sản.

Nằm bên tả ngạn sông Đáy, đình Sông toạ lạc trên khu đất khoảng 400m’, quy mô kiến trúc không lớn nhưng ẩn mình dưới các tán cây cổ thụ nên ngôi đình có một không gian trầm lặng, thâm nghiêm. Kết cấu của ngôi đình gồm Nghi môn, ba gian nhà dọc, Tiền tế và Hậu cung.

Nghi môn làm theo kiểu vòm mái có 3 lối đi chính. Phía trên có bức “long cuốn thuỷ” đắp nổi hình mây, hoa lá. Hai bên cửa chính là hai trụ biểu, phía trên đắp chim phượng chụm đuôi vào nhau tạo hình quả rành. Tiếp đến là ba gian nhà dọc được xây theo kiểu “tiền đạo hậu đốc”. Đây là hạng mục có kiến trúc khá đơn giản với những bộ vì làm theo kiểu “vì kèo quá giang” và “vì kèo trốn cột”.

Tiền tế là ngôi nhà hình chữ nhật theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Trên tay ngai đắp phù điêu hình mây cụm. Liền tường hồi là bức bình phong, trụ biểu. Các bộ vì được làm theo kiểu thức “chồng rường kẻ chuyền”, nghệ thuật trang trí chủ yếu là hoa lá và các hoạ tiết hoa văn kỷ hà.

Hậu cung gồm 4 gian chạy dọc, hai gian trong cung khép kín tạo thành cung cấm, bên trong đắp nổi, vẽ màu các đề tài rồng mây, hổ phù. Đây cũng là nơi bài trí các đồ thờ tự như nhang án, bát hương, đôi lọ lộc bình... Chính giữa nhang án là bộ long ngai, bài vị chạm khắc đầu rồng, tấm bài vị ghi duệ hiệu các vị Thành hoàng làng. Ngoài các di vật kể trên, đáng chú ý là 15 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến ban tặng, trong đó, đạo sắc có niên đại sớm nhất vào triều Lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783). Đình Sông đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Phương Anh (t/h)