Đình Chi Đông và chùa Hương Hải

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 10:25, 14/12/2022

Đình Chi Đông và chùa Hương Hải (tên chữ là Hương Hải tự hay còn gọi theo tên địa danh hành chính của làng là chùa Chi Đông) hiện nay thuộc thôn Chi Đông, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Theo truyền tích ở địa phương, Lệ Chi là một làng cổ, có lịch sử tạo dựng từ rất lâu đời và hệ thống các di tích tôn giáo tín ngưỡng cũng dần dần được hình thành và phát triển. Theo sắc phong, thần phả ở đình cho biết: đình Chi Đông thờ 2 vị Thành hoàng làng là Châu Đô Thống đại vương và đức Trần Hưng Đạo đại vương. Châu Đô Thống dưới triều vua Hùng Vương thứ 6 có công đánh giặc Ân giành độc lập dân tộc trong buổi đầu dựng nước. Hưng Đạo đại vương - vị anh hùng dân tộc thiết chế thống lĩnh quân sĩ, ba lần đánh thắng giặc Mông - Nguyên xâm lược ở thế kỷ XIII - triều Trần.

Cùng với chức năng thờ thần Thành hoàng làng, đình Chi Đông còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân làng xã. Hàng năm vào ngày 10 tháng ba, hội làng Chi Đông được tổ chức long trọng tại đình làng.

Cùng với đình làng, chùa Chi Đông (Hương Hải tự) là một bộ phận không thể thiếu được trong một làng quê đất Việt. Chùa được xây dựng khá sớm trong lịch sử tạo dựng xóm làng của nhân dân địa phương.

Trải qua chiến tranh và thiên tại đã làm mất đi nguồn tư liệu thành văn ghi chép về quá trình khởi dựng và những lần trùng tư sửa chữa của đình chùa. Song căn cứ vào khối kiến trúc vật chất cùng bộ di vật cổ hiện còn trong từng di tích thì thấy: đình hiện còn lưu giữ bộ sắc phong gồm 15 đạo, có các niên đại trải dài từ thời Lê - Tây Sơn và Nguyễn, trong đó có sắc sớm nhất niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 2 (1741), Chiêu Thống nguyên niên (1783) và quả chuông đồng có niên hiệu Thiệu Trị nguyên niên (1841). Theo các tài liệu trên, cho biết niên 147. Chuông chùa Hương Hải (năm 1741) đại xây dựng đình, chùa Chi Đông ở vào khoảng những năm cuối thế kỷ XVII sang đầu thế kỷ XVIII và đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, chuyển dịch.

Hiện nay cụm di tích đình và chùa Chi Đông vẫn còn bảo lưu được một số di vật văn hóa cao như hoành phi, câu đối, bộ lỗ, bộ gioi, đôi hạc thờ, hương án... đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy; nhiều đồ đá, đồ đồng, đồ sứ, nhiều đạo sắc phong thần do các triều vua ban. Đặc biệt là một hệ thống tượng tròn, trong đó có nhiều pho tượng được tạo tác thời cuối Lê, đầu Nguyễn như tượng A Di Đà, Tam thế, cây hương đá... Đặc biệt là bộ sưu tập tượng tròn gồm 30 pho là những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, các pho tượng được tạo tác công phu tỉ mỉ và phủ thếp vàng lộng lẫy.

Cụm di tích đình, chùa Chi Đông có những nét đẹp riêng so với các kiến trúc đồng loại hiện còn. Những nét đẹp cổ kính này được khẳng định qua bố cục chặt chẽ các công trình kiến trúc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.

Đình, chùa Chi Đông được xây dựng trên một khu đất rộng rãi thoáng mát kề bên khu cư trú của dân làng. Các công trình kiến trúc xây dựng theo kiểu tả thần hữu Phật, những nếp nhà mái cong cổ kính, ẩn hiện dưới những bóng cây đa cổ thụ tạo cho di tích sự thâm nghiêm tĩnh lặng. Ngôi đình có kết cấu kiểu chữ “đinh”, dáng vẻ bề thế, vẻ đẹp của ngôi đình còn thể hiện trên các mô típ trang trí nghệ thuật như các đầu dư, cốn mê ván bưng với đề tài quen thuộc: ngũ linh quần hội, tùng lão, mai lão.

Cụm di tích đình và chùa Chi Đông đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật năm 1996.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Phương Anh (t/h)