Khu di tích Phù Đổng (kỳ 2): Kiến trúc nghệ thuật đặc sắc

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 16:28, 12/12/2022

Khu di tích Phù Đổng gồm: đền Thượng, đền Hạ, miếu Ban, Cố Viên, Giá ngự, mộ Trần Đô Thống và chùa Kiến Sơ.
z3952775377860_9291659c0065c7de3313ca01967d2481(1).jpg

Đền Thượng: Tương truyền đền đã có từ thời Hùng Vương, được xây dựng trên nền nhà cũ của ông Gióng và được tu bổ thêm khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long vào đầu thế kỷ XI. Đền Thượng to và đẹp. Trước đền có ao rối để tổ chức múa rối nước hằng năm vào ngày hội. Giữa ao có nhà thuỷ toạ. Thuỷ toạ được xây kiểu mái chồng, bên trong có nhiều bức chạm trổ trên gỗ các cảnh sinh hoạt: người chăn dê, người thổi ống xì đồng. Đền được xây ở ngay dưới chân đê. Phía trước là một sân gạch và Tam quan. Tam quan được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Phía trước thềm có đôi rồng đá, có nét chạm khoẻ và phóng khoáng, phía sau có đôi sư tử đá đều được tạo tác và năm niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ nhất (1705). Nhà Thiêu hương cũng được xây như nhà Thuỷ toạ nhưng nhỏ hơn. Nhà Tiền tế liền đó, gồm 2 nhà: nhà ngoài và nhà trong.

Nhà ngoài do điền quận công Nguyễn Huy (1610 - 1675), người làng Phù Dực đứng ra xây dựng. Nhà trong do Trạng nguyên Đặng Công Chất, người làng Phù Đổng đứng ra tôn tạo cũng vào thời Lê Trung hưng. Ở bậc thềm vào cung của nhà Tiền tế có 39 viên đá xanh kích thước 30 x 20 x 10cm, mỗi viên có chạm hình rồng.

Trong Hậu cung gồm 12 gian có tượng Thánh Gióng cao 3m, hai bên có 6 tượng quan văn, quan võ: 2 phỗng quỳ và 4 viên hầu cận. Trong đền có ngai thờ chạm trổ tinh vi, được làm từ thế kỷ XVII, đôi choé sứ cổ tương truyền là của bà Chúa Chè Đặng Thị Huệ (vợ Trịnh Sâm) cung tiến, bình hương, nghệ đồng, hai thanh kiếm. Đền còn lưu giữ được 21 đạo sắc phong (thời Lê 12 đạo, thời Tây Sơn 3 đạo, thời Nguyễn 6 đạo); cổ nhất là đạo sắc phong năm Đức Long thứ 5 (1634).

Trong đền còn có một số câu đối của các danh nhân cúng tiến. Câu đối của anh em Nguyễn Du viết:

“Thiên giáng thánh nhân bình Bắc địch Địa lư thần tích trấn Nam bang”.

Tạm dịch:

“Trời sinh bậc thánh trừ giặc Bắc,

Đất giữ oai thần trấn cõi Nam.

Câu đối của Cao Bá Quát:

“Phá giặc đản hiềm tam tuế vãn,

Đằng vân do hận của thiên đê”.

Tạm dịch:

Ba tuổi diệt thù vẫn hiềm là còn muộn

Chín tầng mây vượt vấn hận là chưa cao.

Đền Mẫu: Còn gọi là đền Hạ, tên chữ là Khánh Quang điện, đền làm ở ngoài đê, là nơi thờ bà mẹ Thánh Gióng. Trước đây được thờ chung ở đền Thượng nhưng đến năm Chính Hoà thứ 4 (1683), được lập đền thờ riêng ở thôn Ngô Xá mười năm sau lại được dời về chỗ hiện nay. Đền Hạ đã được sửa chữa nhiều lần. Đền được xây trên một nền cao 7 bậc, phía trước là một sân nhỏ và Tam quan. Trong đền có đôi phỗng đá, một bộ đài bạc và hai bình hương đá.

Miếu Ban: Miếu ở phía tây đền Thượng, trong xóm Ban. Tên chữ là Dục Linh từ, miếu cũng thờ mẹ Thánh Gióng. Tương truyền đây là nơi Thánh Gióng ra đời. Sau miếu có một cái giếng, giữa giếng có nổi lên một mô đất. Tương truyền Thánh Gióng ra đời ở đây và được tắm ở nơi này. Xưa còn một liềm đá dùng để cắt rốn cho Thánh Gióng nhưng nay không còn nữa.

z3952775388045_663a81152f9a7d2e039eefab821d6a42.jpg

Cố Viên: ở phía đông bắc đền Mẫu, là khu vườn cũ của mẹ Thánh Gióng. Tương truyền mẹ Thánh đã đến hái rau và ướm chân vào vết chân khổng lồ rồi sinh ra Thánh. Tại đây có một cây hương (một nhà nhỏ để thắp hương) bên cạnh là tảng đá in dấu chân người khổng lồ đã giẫm nát vườn rau và một tấm bia nhỏ có dòng chữ “Đổng Viên Thánh mẫu cô trạch” (nhà cũ của Thánh Mẫu trong vườn Đổng).

Giá ngự: Gồm một bệ gạch và hai cột trụ, được xây vào đầu thế kỷ XX, là chỗ dân làng kéo ngựa thờ từ đền Thượng đến và dừng lại để múa cờ.

Mộ Trần Đô Thống: Mộ ở xóm Vân Hang, trước đền Thượng. Tương truyền, Đô Thống là một tướng của Thánh Gióng, người làng Phù Dực đã dẫn đạo quân tiên phong đi chống giặc Ân. Mộ được xây gạch ở bãi ngoài sông. Chùa Kiến Sơ: Chùa ở gần đền Thượng. Tương truyền do nhà sư Vô Ngôn Thông, người Trung Quốc, thời Đường sang tu ở đây và lập ra phái Thiền Tông trong Phật giáo nước ta. Lý Công Uẩn thuở nhỏ đã đến ở chùa này và được Thánh Gióng báo mộng sau sẽ làm thiên tử. Bài thơ báo mộng như sau:

“Nhất bát công đúc thuỷ,

Tuỳ duyên hoá thế gian

Quang quang trùng ảnh chiếu

Một ảnh nhật đăng sơn”

Bốn câu báo mộng có nghĩa là triều Lý sẽ lên làm vua được 8 đời, đem lại hoà bình và thịnh vượng. Nhà Lý sẽ chấm dứt khi nào có vua mang chữ nhật (mặt trời) trên chữ sơn (núi). Chính vì vậy khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua đã cho tu sửa mở mang đền Gióng và cả ngôi chùa mình đã ở. Chùa có các pho tượng tương truyền là tượng Vô Ngôn Thông, Lý Công Uẩn, Lão Tử, Khổng Tử. Dọc hành lang là 18 vị La Hán.

Hội Gióng được tổ chức vào ngày mồng 9 tháng tư âm lịch hằng năm.

Có câu ca:

“Ai ơi mồng 9 tháng tư

Không đi hội Gióng cũng hư cả đời”.

Trước ngày lễ chính, dân làng tổ chức nhiều trò chơi như vật, chọi gà, đánh cờ và hát Ải Lao. Đây là một điệu dân ca rất cổ, ban đầu thì hát bằng tiếng Lào, sau chuyển sang hát bằng tiếng Việt. Bài hát có những câu sau:

“Nhớ xưa thứ 6 Hùng Vương

Hai mươi tám tướng cường nữ nhung,

Xâm thương cậy thế khoe hùng

Quần mã sang đóng chặt một vùng Vũ Ninh

Giờ sai thánh tượng giáng sinh

Giáng về Phù Đổng ẩn hình ai hay,

Mới lên ba tuổi thơ ngây

Nghe vua cầu tướng ngay rầy ra quân Gọi sứ phán bảo ân cần

Gươm vàng ngựa sắt đề binh túc thì.

Thánh lương khi ấy ra uy,

Nửa chiều sấm sét tức thì giặc tan.

Áo nhung cởi lại Linh Sơn

Thoát đà thoát nợ trần hoàn lên tiên.”

(theo Nguyễn Văn Huyên)

Hội Gióng với những lễ tiết rất phong phú, là một nghi thức thờ cúng anh hùng dân tộc, một cuộc diễn xướng tổng hợp nhắc lại sự tích anh hùng của ông Gióng dẹp giặc Ân.

Khu di tích Phù Đổng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1975.

Phương Anh (t/h)