Phục dựng những giai thoại, hình tượng văn học cho các tour du lịch

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:11, 12/12/2022

Văn học và du lịch là hai lĩnh vực, hai mảng vấn đề rất khác nhau cả về nội hàm và phương pháp. Ngay trong văn và văn nghệ dân gian, mỗi chuyên ngành cũng đã có phương pháp khác nhau. Vậy nhưng, văn hay du lịch, chúng đều có chung một đối tượng phục vụ, đó là con người.

Mối quan hệ giữa văn học và du lịch
Văn học và du lịch là hai lĩnh vực, hai mảng vấn đề rất khác nhau cả về nội hàm và phương pháp. Ngay trong văn và văn nghệ dân gian, mỗi chuyên ngành cũng đã có phương pháp khác nhau. Vậy nhưng, văn hay du lịch, chúng đều có chung một đối tượng phục vụ, đó là con người. Khi con người tiếp cận với sách rồi đi thực tế, thăm quan, du lịch, sẽ bổ trợ cho nhau một cách rất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tìm tòi, khám phá và sáng tạo, giúp nâng cao tầm nhận biết của mỗi người, nhất là trong thời đại cuộc sống văn minh ngày nay.

sh-1-(1).jpg

Về du lịch, đây là một hoạt động văn hóa. Các loại hình trong lĩnh vực du lịch từ tìm hiểu, khám phá di sản văn hóa lịch sử, địa hình và làng văn, làng võ, làng nghề cho đến thưởng ngoạn vẻ đẹp tự nhiên, trải nghiệm các thử thách thể thao, thú chơi… đều nhằm đáp ứng nhu cầu bản năng của con người. Nhu cầu ấy lại đòi hỏi ngày càng đa dạng, mới mẻ, văn minh và mở rộng phạm vi trên toàn thế giới. Ngày nay, hoạt động du lịch được quản lý có tổ chức. Muốn tổ chức tốt, Nhà nước áp dụng cơ chế kinh doanh, có hỗ trợ ngân sách trong những trường hợp đặc biệt, cần thiết.
Hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật là một hoạt động văn hóa tinh hoa. Hầu hết các sáng tạo văn học nghệ thuật đều có đóng góp trực tiếp, bổ trợ, thậm chí có tác động làm gia tăng nhu cầu khám phá, hiểu biết của con người, trong đó có qua hình thức du lịch. Có thể nói, nó có tác dụng thúc đẩy phát triển ngành du lịch. Ví như hai chuyên ngành chủ lực là: nghiên cứu, bảo vệ, phát huy bản sắc di sản văn hóa dân gian và quy hoạch kiến trúc kết hợp với mỹ thuật. Bên cạnh đó là các chuyên ngành ảnh nghệ thuật, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu… là những loại hình được khai thác, vận dụng như một nhân tố trong hoạt động du lịch.

Nói riêng về sáng tạo tác phẩm văn học, một số thể loại có ảnh hưởng khá sâu sắc đến nhu cầu khám phá, trải nghiệm du lịch chính là các sáng tác song hành với nghiên cứu truyền thống văn hóa dân gian cũng như với tiến trình phát triển dân tộc qua các triều đại. Tiếp nối với giai thoại, đó là tiểu thuyết lịch sử, là các áng văn chương, truyện, thơ, tản văn sinh động nhiều màu sắc về phố phường, về văn hóa ẩm thực, cảnh vật và nhất là về nét đặc trưng của vùng đất, của tập tục gắn liền với truyền thống người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Người ta lĩnh hội được nó qua tác phẩm, và còn muốn nhận biết về nó qua thực tiễn của hoạt động du lịch văn hóa nữa.
Những tác phẩm văn học có tác động tới lĩnh vực du lịch

Hẳn nhiều người đã biết đến bộ truyện mang tính sử thi là “Thần thoại Hy Lạp” hay bộ sách về các Pharaon cùng lăng mộ (Kim tự tháp) của Ai cập cổ đại; và cũng từng đặt chân tới như để kiểm nghiệm về huyền thoại qua du lịch. Rồi những ai đã đọc tiểu thuyết “Nhà thờ Đức bà Paris” của đại thi hào Victor Hugo chắc cũng từng ao ước có lần được đến tận nơi hiện diện của di sản với cấu trúc tuyệt tác của nó. Ước muốn ấy ở rất nhiều người trên thế gian đã thành sự thật. Lại nữa, những ai đã từng vì đọc “Sông Đông êm đềm” của nhà văn vĩ đại Mikhail Aleksandrovich Sholokhov mà thêm yêu quý trân trọng những cá tính bản địa của người dân, những cánh đồng hoa hoang dại bên dòng sông máu lửa. Muốn đến thăm và hơn thế, nếu được thì có thể định cư ở đó…

Trở lại với Thủ đô Thăng Long - Hà Nội đã hơn ngàn năm của chúng ta, thật khó mà kể hết đã có bao nhiêu sáng tác mang tính chất tác phẩm văn học mà trước hết nó để lại như một di sản vô giá, góp phần xây dựng một diện mạo bản sắc văn hóa hòa bình và dân tộc anh hùng. Và ở đây, văn chương tôn lên vẻ đẹp của vùng đất và con người Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, tạo sức thu hút sự chú ý của người dân trong nước và ở nhiều nước trên thế giới. Đó là một Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ năm 1070 - nơi chuyên về việc học tập, thi cử, sáng tạo văn chương; đó là Tao đàn Nhị thập bát tú những năm 1495 - do vua Lê Thánh Tông làm chủ soái, chuyên làm thơ, ngâm vịnh ca ngợi thiên nhiên vùng đất Thăng Long; là Hồng hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm với Bích Câu kỳ ngộ trữ tình đặc sắc; là áng văn bất hủ “Tụng Tây hồ phú” của Nguyễn Huy Lượng, kết thúc triều đại Tây Sơn năm 1810 và những truyền thuyết về hồ Gươm tháp Rùa, Sông Tô, Đống Đa sau này… Về hình thức, được tồn lưu dưới dạng văn học sử, sử ký, và những ghi chép di sản, tập tục miền vùng, ca dao dân ca, hay kể cả văn học truyền miệng qua các thời kỳ, các triều đại phong kiến nước nhà. Những áng văn hay đại diện cho địa điểm danh lam thắng cảnh như: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa màn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ…” cũng chính là những chiếc cầu nối từ văn chương sang du lịch vậy. Có thể nói, văn học nghệ thuật của ngàn năm qua cũng chính là một phần quan trọng của di sản văn hóa - cái cốt của tầm vóc du lịch ngày nay.

Bùi Việt Mỹ