Đình Giáp Tứ
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 15:14, 10/12/2022
Tương truyền đây là nơi chiêu mộ, tập luyện quân sĩ của Bố Cái đại vương Phùng Hưng ở thế kỷ thứ VIII để chống ách đô hộ nhà Đường.
Khi còn hợp nhất, Thịnh Liệt có một ngôi chùa chung là chùa Sét (ở địa phận Giáp Lục) và một ngôi đình chung (ở địa phận thôn Giáp Bát) thờ Thành hoàng làng là Tam Lang Thông Đạt đại vương; sau khi tách ra thành 8 làng Giáp thì mỗi thôn xây dựng một ngôi đình vẫn thờ chung thần Tam Lang và thờ thêm những vị thần của thôn mình.
Đình Giáp Tứ thờ chính là thần Tam Lang Thông Đạt đại vương (tức Thành hoàng làng của cả xã Thịnh Liệt xưa). Ngài vốn là con của Lạc Long Quân giáng xuống Thịnh Liệt, dân chúng cầu đảo nhiều lần thấy linh thiêng nên bản xã lập miếu thờ phụng ngài. Lý Thái Tổ thuở còn hàn vi, từ thành Hoa Lư đi lánh nạn, đến miếu này vào lúc chiều muộn thì nghỉ lại. Đêm mộng thấy thần hiện đến trước mặt nói: “Xin hết lòng phù trì cho đại vương, ngày sau tất sẽ được thiên hạ”. Đến khi Lý Thái Tổ lên ngôi bèn hạ lệnh cho tu sửa, mở mang đền miếu để thờ cúng. Trải qua các triều đại, thần đều được gia tặng sắc phong. Đình còn thờ Ngũ vị đại vương, đó là: Phúc Tế đại vương, Hiển Liệt đại vương, Uy Linh đại vương, Thiện Khánh đại vương, Bảo Tín đại vương là những vị thần có nhiều công lao ân đức đối với đời sống tinh thần của nhân dân địa phương. Ngũ vị đại vương là những vị thần có công trợ giúp Lý Nam Đế đánh lui quân Lương sang xâm lược bờ cõi nước ta. Xưa kia mảnh đất Thịnh Liệt luôn xảy ra chiến tranh, nhờ có uy linh của các thần mà dân chúng được bình yên, vì thế dân xã Thịnh Liệt xưa lập miếu thờ phụng để tưởng nhớ đến công lao của các vị thần. Hàng năm cứ đến ngày 16 tháng 2 âm lịch, hội đình làng Giáp Tứ lại được tổ chức để tưởng nhớ đến những người có công lao ăn đức với nhân dân địa phương.
Đình Giáp Tứ đã qua tu sửa nhiều lần. Trong đình còn lưu giữ vật có giá trị lịch sử, văn hoá và nghệ thuật.
Hiện nay trong di tích còn nhiều câu đối ca ngợi công đức của các vị thành hoàng làng:
Thánh thượng anh minh, trí dũng có thừa phò dân nước Thần uy quảng đại, đức tài mưu lược giữ non sông.
Ngoài chức năng là một di tích tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng theo truyền thống làng Việt cổ, đình Giáp Tứ còn là địa điểm ghi dấu những sự kiện cách mạng của địa phương, là nơi ẩn náu của cán bộ hoạt động cách mạng, nơi tập trung ban chỉ huy của thôn Giáp Tứ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1948 - 1949).
Đình Giáp Tứ đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2005.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01