Đền Đông Bình

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 15:03, 10/12/2022

Đền Đông Bình, thuộc thôn Đông Bình, trông về hướng tây bắc. Cổng là đơn nguyên kiến trúc duy nhất, không quay cùng một hướng tây với đền, mà trông về hướng nam.

Cổng đền làm cuốn vòm ở phía dưới. Hai bên thân trụ đắp câu đối. Phía trên làm theo kiểu hai tầng 4 mái, với 4 góc mái đắp dạng đuôi cá, khoảng giữa hai mái đề chữ Hán: Khôn Đức Chính; bờ nóc đắp đôi Makara chầu nguyệt. Nối hai bên cổng là hệ thống tường lửng xây bằng đá ong, chạy ra các phía, bao quanh khuôn viên di tích. Bức bình phong ở đây được xây dựng trên bờ ao sen. Bức bình phong đền được làm theo kiểu cuốn thư. Chính giữa cuốn thư đắp tích long cuốn thuỷ. Hai bên là hai lão mai. Bao quanh cuốn thư là hệ thống vân xoắn liên kết lại tạo thành diềm tụ lại ở chính giữa cuốn thư và chạy ra hai bên, giật cấp xuống hai đầu cuốn thư, một cách nhẹ nhàng, thanh thoát. Tiếp đến, là hai mảng tường lửng ăn ra hai phía là hai cột trụ lớn. Trên đỉnh trụ là tứ phượng, ô lồng đèn, đến thân trụ được đắp các câu đối bằng chữ Hán, cuối cùng là đế dạng trái găng.

Đền có bố cục mặt bằng theo kiểu chữ “đinh” với hai hạng mục chính là toà Đại bái và Hậu cung. Đại bái được làm theo kiểu tường hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói ri. Vào bên trong, phía hai đầu hồi gian bên toà Đại bái, có đắp hai tượng Võ tướng. Tượng mặc trang phục quan võ, tay cầm một thanh long đao, mặt mũi uy nghiêm. Đại bái được làm 3 gian, tương ứng là các bộ vì đỡ mái kết cấu theo kiểu thức đơn giản là “kèo kẻ quá giang”, các thân gỗ được bào trơn, đóng bén, tạo nên độ bền chắc và thông thoáng. Hai bên cột được treo đôi câu đối. Hậu cung làm theo kiểu cuốn vòm nối với gian giữa toà Đại bái kéo dài ra phía sau tạo thành chuỗi vồ. Bên trong, giáp với tường hồi bài trí ban thờ xây bằng gạch, đặt tượng công chúa. Tượng cao 1,4m, vai 40cm, xung quanh để một số đồ thờ tự khác như: bát hương, lục bình, đài nước...

Thời Đông Hán, thái thú Tô Định đem quân đi xâm chiếm nước ta, tàn hại trăm họ. Bấy giờ, Trưng Trắc và Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa. Một lần, nghĩa quân đến địa phận trang Đống Mạt (tức Đông Bình ngày nay), bỗng gặp 3 người con gái, xinh đẹp. Ba người ngồi dưới bóng cây đa, ngâm nga cười hát. Trưng Trắc thấy làm lạ và hỏi ra mới biết là các vị thần bản cảnh. Trưng Trắc liền làm lễ và cầu sự âm phù giết giặc và tuyển chọn những thanh niên cường tráng trong trang ấp, làm gia thần. Ngày hôm sau, bà cất quân đánh giặc, chỉ một trận mà quân Tô Định đã đại bại, chiếm hết 65 thành trì, khôi phục lại nước Nam. Bà Trưng Trắc lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh, mở tiệc lớn chúc mừng, gia phong tước lộc cho tướng sĩ có công. Trưng Vương sai sứ phong cho các vị thần ở trang Đống Mạt là công chúa Ngọc Minh; công chúa Quế Hoa và công chúa Thanh Hoa. Trải qua các đời vua đều ban sắc, gia phong mỹ tự cho cả ba vị công chúa.

Đền Đông Bình hiện còn lưu giữ được khá nhiều di vật, trong đó đáng chú ý là: 1 hòm đựng sắc phong, được trang trí như sau: Mặt trước chạm rồng chầu mặt nguyệt, bao quanh là những đường diềm hoa chanh, mặt sau có đôi nghê chầu. Hai bên trang trí long mã, 5 lọ lục bình sứ, 14 đạo sắc...

Lễ hội ở Đông Bình được tổ chức vào: ngày 12 tháng sáu (ngày Thánh hoá); ngày 12 tháng mười một (ngày Thần hiện); ngày 12 tháng hai âm lịch (ngày sinh Thánh). Trong đó ngày 12 tháng hai là ngày đại lễ của làng.


Đền Đông Bình đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử văn hoá năm 2003.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Phương Anh (t/h)