Ra mắt cuốn sách "Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ Dân"

Tin tức - Ngày đăng : 12:51, 09/12/2022

Chiều 8/12, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922 - 2022), Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Viện lãnh đạo ABG và gia đình cùng nhóm tác giả ở Hà Nội tổ chức tọa đàm ra mắt cuốn sách "Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ Dân".
z3945244369030_aca506bdc4d23bae5dc6878540539528.jpg
Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Viện lãnh đạo ABG và gia đình cùng nhóm tác giả ở Hà Nội tổ chức tọa ra mắt cuốn sách "Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ Dân".

Sách dày hơn 300 trang, được chia làm 3 phần chính:

Phần 1: Thủ tướng làm được nhiều việc nhất cho dân tộc, cho đất nước.

Phần 2: Có một tinh thần Sáu Dân để lại.

Phần 3: Cháy mãi ngọn lửa khát vọng cho tương lai.

Mở đầu cuốn sách, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có bài viết “Nhớ cái hào sáng, nghĩa khí Võ Văn Kiệt” khẳng định “Cái tính cách gần gũi, chịu lắng nghe của ông Sáu Dân- một ưu điểm nổi bật mà không phải người lãnh đạo cấp cao nào cũng có”.

"Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ Dân" là một tập hợp các bài viết công phu của 32 tác giả gồm những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chuyên gia kinh tế, các chính khách, các nhà ngoại giao, các nhà báo, các trợ lý, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Tất cả người viết đều đã từng gặp gỡ, làm việc và có nhiều dấu ấn với cuộc đời và phong cách làm việc của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

"Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ Dân" được đánh giá là cuốn sách hay vì hầu hết những bài viết đều lần đầu được công bố. 32 tác giả với nhiều lứa tuổi, vị trí công tác khác nhau đều cố gắng tìm cách bày tỏ tình cảm của mình qua ngòi bút để cố gắng khắc họa cuộc đời hoạt động và di sản của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - một người đã “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân”.

Các mẩu chuyện nhỏ được chia sẻ bởi các vị khách mời phần lớn đã cao tuổi đã giúp người nghe hiểu thêm về cuộc đời cách mạng của ông Sáu Dân. Ông có tầm nhìn xa, trông rộng nhưng lại rất gần gũi với thực tiễn đời sống của đất nước, hết lòng vì quyền lợi của người dân. Trong dòng suy nghĩ về đại đoàn kết dân tộc, ông Sáu Dân là người tôn trọng và lắng nghe trí thức, xem trí thức là hiền tài, là nguyên khí quốc gia, không phân biệt nguồn gốc đào tạo.

Hải Truyền