Lăng đá Huệ Linh
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:20, 08/12/2022
Phần ngoài lăng là vườn cây trải ra một không gian đẹp, phần trong chính là khu vực lăng được xây tường bao quanh. Khuôn viên lăng ngày nay là một hình chữ nhật dàn ngang có chiều dài 9,66m và chạy sâu vào 20,85m được ngăn làm đôi và giới hạn bởi các tường đá ong dày 0,89m, cao 1,15m. Nhà bia, tượng và bàn thờ đều được cổ nhân làm bằng đá xanh. Cổng có mái cao 2,45m, vòm cổng cao 1,50m, rộng 0,95m. Trên vòm cổng đề 3 chữ Hán: “Huệ Linh từ”, phía dưới có bậc cao chừng 0,18m, hai bên cổng đều có tượng chó đá trong tư thế ngồi, cổ đeo chuông, giữa hai chân chống đặc cao 0,85m, để chìm. Qua cổng vào trong sân với bố cục đăng đối hai bên, phía ngoài là đôi voi đá chầu cao 1,05m, dài 1,80m điêu khắc theo lối tả thực, lùi vào là nhà bia có hình thức giống nhau với mái rủ bốn phía. Tường phía ngoài của hai nhà bia này chạm võ tướng đứng cạnh cầm vũ khí oai vệ, dáng đăng đối với nhiều chi tiết tạo sự thống nhất. Cũng tại nơi này khắc đôi câu đối có nội dung:
Phiên âm chữ Hán:
Đại Việt nồng âm thừa hỷ bí hương thuỳ dịch thế
Tứ tinh dục tú nhị điêu vụ tử quán trung triều
Có nghĩa là: Nhắc nhỏ con cháu Đại Việt biết thừa hưởng âm phúc giữ đèn hương mãi mãi thì được chung đúc khí thiêng để cân đai rộn rã chốn triều trung.
Trong hai nhà bia này có một tấm bia đá cỡ lớn. Tấm bia ở nhà bên trái có tên là: “Phạm công gia phả ký”, còn tấm bia bên phải có tên: “Huệ Linh từ hậu thần bị văn, tam xã thổ hậu phật sự liệt”. Cả hai tấm bia này đều có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 9 (1713). Trên đường thần đạo vào lăng có hương án sập thờ, rồi tiếp một hương án nữa, tất cả đều được tạo tác từ một khối đá nguyên, đường nét sắc sảo, riêng hương án ngoài chạm hoa lá và hổ phù. Sau hương án là chiếc cổng kiểu nhà 4 mái dài 1,50m, 0,84m, cao 1,98m, nhưng vòm cổng chỉ cao 0,96m, rộng 0,76m, trên nóc có hai đầu dư chạm rồng mang tính tượng trưng. Chính từ chiếc cổng này dàn ra hai bên bức tường ngăn đôi lăng. Phần trong là khu mộ đặt một khối đá xanh dài 3,00m, rộng 1,30m trên khối đá khắc 5 chữ Hán: “Phạm tướng công linh mộ”, giữa bức tường hậu là bình phong có dáng như ngôi nhà bằng đá ong.
Bài văn bia “Phạm công gia phả ký” cho biết thân thế chủ nhân lăng Huệ Linh vốn người họ Nguyễn, đến khi sinh ra thì lấy họ mẹ. Ông sinh năm Mậu Tuất (1658). Năm 27 tuổi thi đỗ hạng ưu và nhận chức Tả đề điểm. 38 tuổi giữ chức Thắng tả đổi binh và Tả giám thừa. 41 tuổi thăng chức Thị hậu nội giám đội binh làm ở Hợp Châu. 43 tuổi cai quản các tàu nước ngoài, lên chức Nội tả tượng đội binh. 44 tuổi kiêm chức Chi thị nội thư tả bộ binh phiên và đi sứ Ai Lao. 46 tuổi đi tuần thú ở Tam Kỳ. 51 tuổi là Phó tri thị nội thư tả bộ binh phiên. Lúc này ông lại dự thi và đỗ hạng ưu nên thăng hai bậc, giữ chức Thái giám kiêm Tri công tượng, cai quản phủ Chấn Yên, Châu Bồn Mang. 52 tuổi giữ chức Công tượng kiêm Thị hầu dực trung đội binh kiêm Tả tượng đội binh, được thăng hai bậc làm Đô thái giám và Thị nội giám. 53 tuổi cai quản 10 châu ở các Phủ Gia Hưng và An Tây. 56 tuổi phụng ân lên chức Thị nhất, làm Phó cai quản hậu tượng kỵ binh, lên chức Tổng thái giám. Phả ký chỉ ghi đến đây vì dựng năm 1713.
Kết hợp với tấm bia về việc hậu thần hậu Phật của ông, chúng ta được biết thêm ông có công cứu giúp người nghèo khó, từng bỏ ra 616 quan tiền và một số vàng bạc để làm miếu, cúng chùa 65 quan tiền và 6 mẫu ruộng, giao 360 quan và một số vàng bạc để làm tế điền, 8 mẫu làm huệ điền.
Lăng Huệ Linh có tính chất là đền thờ nên nhân dân còn gọi là văn chỉ, cúng vào rằm tháng giêng. Tương truyền rằng ông là cậu của Phạm Đôn Nghị, vị chủ nhân của lăng đá Hiển Linh.
Lăng đá Huệ Linh đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1964.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01