Đình Quảng Bá

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 17:35, 07/12/2022

Đình Quảng Bá hiện nay thuộc làng Quảng Bá, phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Quảng Bá là một làng cổ của Thăng Long thời Lý - Trần.
1413613529544207d9ccdd5.jpg

Quảng Bá là một thôn trong ba thôn của xã Quảng An. Trước năm 1942 ba xã Nghi Tàm, Quảng Bá, Tây Hồ, thuộc tổng Thượng, huyện Hàm Long, tỉnh Hà đông; sau năm 1942 cả ba xã nhập vào “Đại lý đặc biệt Hà Nội”. Những năm kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), Quảng Bá cùng với xã Nhật Tân lập thành xã Quảng Tân. Năm 1955, ba xã thuộc quận Quảng Bá, ngoại thành Hà Nội. Từ năm 1961 đặt tên là xã Quảng An, thuộc huyện Từ Liêm, đến năm 1966 xã Quảng An đổi thành phường Quảng An, thuộc quận Tây Hồ.

Theo các tư liệu bằng chữ Hán còn lưu giữ tại đình như thần phả, sắc phong, hoành phi, câu đối, văn bia và truyền thuyết dân gian thì đình Quảng Bá được xây dựng từ rất sớm để phụng thờ Thành hoàng là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng cùng với sáu vị thần khác là:

- Phùng Thái phó, phù chính tá trị khuông bình vĩ liệt quang ý đại vương. - Minh khiết thông duệ thuần chính quang túc tập phú cương nghị tối linh đại vương.

- Triều định cương nghị nhân duệ phổ tế hồng trạch thông minh công chính tối linh đại vương.

- Cẩn giang thân nhân hậu trạch cương nghị quả đoán hùng uy đại vương.

- Tây Hồ thân nhân hậu trạch cương nghị quả đoán hùng uy đại vương.

Lai lịch và công tích của thần được mô tả như sau: Phùng Hưng là một nhân vật lịch sử lớn của dân tộc ta ở thế kỷ VIII. Ông đã lãnh đạo nhân dân cả nước giành lại độc lập dân tộc trong hơn bảy năm. Sự tích về người anh hùng dân tộc tiêu biểu này được ghi chép nhiều trong sách sử và lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên viết: “.... Tổ tiên họ Phùng đời đời làm quan ở châu Đường Lâm, nhà giàu và uy lớn nhất dân quanh vùng. Anh em Phùng Hưng, Phùng Hải rất khoẻ, có sức vật nổi trâu, đánh được hổ, cõng thuyền nặng đi hàng chục dặm đường. Bấy giờ vào nửa sau thế kỷ VIII, sự thống trị của nhà Đường ngày càng suy yếu. Chiến tranh giữa Phiên trấn (bọn Tiết độ sứ cai quản miền biên cương) và triều đình đã làm cho vương triều Đường ngày càng yếu dần. Uy quyền của bọn Tiết độ sứ và bọn quan lại đô hộ ngày một tăng, chúng tự ý trưng thu thuế má, bòn rút của cải của nhân dân.

Khoảng đời Đại Lịch (776 - 779) nhân lòng căm phẫn của nhân dân, lợi dụng khi quân lính ở Tống Bình nổi dậy chống bọn đô hộ, người Hào trưởng đất Đường Lâm là Phùng Hưng đã phát động một cuộc khởi nghĩa để giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Anh em Phùng Hưng, Phùng Hải lãnh đạo nghĩa quân nổi dậy làm chủ đất Đường Lâm rồi đánh chiếm được cả một vùng rộng lớn quanh Đường Lâm, xây dựng thành căn cứ địa chống giặc. Theo lời khuyên của thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn là người đồng hương, Phùng Hưng tiến quân xuống Tống Bình vây Phủ Thành. Đô hộ Cao Chính Bình đem quân ra ngoài thành đón đánh, bị thua to, lo quá phát bệnh mà chết. PhùngHưng vào thành Tống Bình tổ chức việc tự chủ lâu dài. Sau khi Phùng hưng mất, nhiều người muốn lập em là Phùng Hải lên thay, nhưng viên Đầu mục là Bồ Phá Cần đã lập con Phùng Hưng là Phùng An nối ngôi. Phùng An tôn xưng cha là Bố Cái Đại Vương, xây lăng mộ ở phía tây bắc thành Tống Bình.

Để ghi nhớ công lao của Phùng Hưng, nhân dân một số làng nằm trên tuyến đường tiến quân vào bao vây giặc của chủ nghĩa quân Đường Lâm đã lập đền thờ Bố Cái Đại Vương và tôn ông làm Thành hoàng làng.

Xưa kia Quảng Bá có tên chữ là Quảng Bố nhưng vì kiêng tên huý Thành hoàng làng nên đọc chệch là Quảng Bá.

Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) dân làng có khắc một tấm bia đá thay cho cuốn thần phả bị rách của làng. Thần phả bằng đá, tuy kích thước không lớn, nhưng nó là một trang sử quý giá, độc đáo hiếm thấy ở những di tích khác quanh vùng.

Qua nội dung văn bia chúng ta có thể hiểu được tương đối chi tiết về sự tích họ Phùng và cuộc khởi nghĩa do Phùng Hưng lãnh đạo vào thế kỷ VIII. Văn bia cũng miêu tả lại những cuộc chiến đấu của nghĩa quân, công trạng của các vị tướng tài có nhiệt tâm yêu nước, với những kế sách tài giỏi, nhưng kết cục thật bi thảm. Bia cũng miêu tả cuộc tranh giành quyền lực giữa Phùng An với Phùng Hải, Phùng Dĩnh.

Tấm bia còn cung cấp những căn cứ để xác định thêm ngày sinh, ngày mất của Phùng Hưng (761 - 791), về số anh em của Phùng Hưng. Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu, suy đoán một cách có căn cứ khoa học. Hiện nay tại đình còn bảo lưu nhiều câu đối ca ngợi công trạng của Phùng Hưng và các vị tướng, trong đó có câu:

Bắc khấu để bình, vạn cổ sơn là khai quốc thống

Nam bang hưng thịnh, triệu dân phụ mẫu kỷ nhân bị.

Tạm dịch:

Giặc Bắc dẹp yên, muôn thủa non sông khai quốc thống

Nước Nam hưng thịnh, muôn nhà phụ mẫu tạc lòng dân.

Bách noãn dựng nhất bào, dục túc chung anh long chủng hoá Đoái hồ linh thất giáp, phong công tuấn đức phụng sơn tề.

Tạm dịch:

Một bọc hoá trăm người, giống rồng ngàn năm chung đúc

Tây Hồ có bẩy giáp, cong thần mãi mãi còn ghi.

Đình Quảng Bá cũng là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử của dân tộc nói chung và của địa phương nói riêng.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đình là nơi đi lại, hội họp, hoạt động của cán bộ cách mạng. Dựa vào địa thế của đình nằm sát hồ Tây giữa hai bốt Nhật Tân - Nghi Tàm nên cán bộ đã từ sông Hồng qua Nhật Tân vượt bãi cát vào đình, lại men theo hồ Tây vào nội thành hoạt động.

Đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công đình được sử dụng làm nơi hội họp, mít tinh giành chính quyền, làm trụ sở của Uỷ ban hành chính kháng chiến, là nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ và là nơi dân quân du kích tập trung tuần tra bảo vệ xóm làng. Ngày 29 tháng 9 năm 1962, Bác Hồ đã về thăm địa phương. Người đã đến thăm đình và ân cần dặn dò nhân dân thi đua lao động, phát động phong trào phòng dịch, giữ gìn vệ sinh xóm thôn. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng đến thăm đình như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Hoàng Anh...

Đình Quảng Bá có niên đại khởi dựng khá sớm, tồn tại đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa. Lần trùng tu lớn nhất vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936).

Hiện nay quy mô kiến trúc của đình gồm: cổng đình, sân gạch, hai nhà Tả - hữu mạc, toà Đại đình, Hậu cung.

1413613490544207b23531d.jpg

Gắn kết với việc phụng thờ Thành hoàng làng, hàng năm đình mở hội lớn vào ngày 12 tháng hai âm lịch. Hội có quy mô lớn, được tổ chức trang trọng ba năm một lần. Hội lớn có kiệu Thánh quanh làng, từ đình ra chùa lấy nước tinh khiết về làm lễ mộc dục (xưa kia phải bơi thuyền ra giữa hồ Tây lấy nước).

Hiện nay tại đình Quảng Bá còn lưu giữ bộ sưu tập di vật có giá trị cao về lịch sử và nghệ thuật như: một bản thần phả chữ Hán, 16 đạo sắc phong thần, trong đó sắc có niên đại sớm nhất năm Cảnh Trị thứ sáu (1670) sắc có niên đại muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924).

Một tấm bia đá niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1841) ghi sự tích của Thành hoàng, bảy cỗ long ngai, bài vị chạm rồng và hai hương án thờ chạm thủng hình tứ linh (long, ly, quy, phượng) mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII, XVIII, một cỗ kiệu bát cống, một kiệu long đình thuộc thế kỷ XIX, bốn bức hoành phi, ba đôi câu đối sơn son, hai bức cửa võng chạm rồng, một chuông đồng, một chiêng đồng cùng nhiều đồ thờ tự khác như bát hương, choé sứ men lam, mũ áo hia thờ...

Đình Quảng Bá được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1991.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Phương Anh (T/h)