Một số thủ pháp đệm Piano cho ca khúc
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 19:58, 31/03/2021
Để làm tốt phần đệm đàn, đòi hỏi người nhạc công phải nắm chắc kiến thức âm nhạc như :giọng điệu, tiết tấu ,hòa thanh và điều quan trọng nữa là phải có kỹ năng ngón đàn tốt.
Bước 1: Chọn tiết điệu phù hợp
Khi đệm hát trước hết ta cần hiểu tính chất, nội dung của bài hát, tác giả muốn truyền tải thông tin bài hát đến người nghe. Sau đó ta cần biết về loại nhịp và tốc độ của bài hát để chọn tiết điệu phù hợp.
VD: Với bài hát viết ở nhịp 4/4 mang tính chất trữ tình, mềm mại, ngợi ca quê hương đất nước…ở tốc độ chậm (tempo= 58-72) ta nên dùng tiết tấu Ballad, còn ở tốc độ nhanh hơn (tempo = 95-115) ta có thể dùng tiết điệu Bossanova, Cha Cha Cha…
Nếu bài hát viết ở nhịp ¾, thì ta thường dùng tiết tấu Waltz hay bài hát viết ở nhịp 6/8 thì ta thường dùng tiết tấu Slow rock...
Bước 2: Soạn nhạc dạo cho ca khúc
Trước khi đệm cho người hát, người đệm đàn thường phải đàn một giai điệu nhạc dạo để người hát nghe và xác định được cao độ, nhịp độ và tốc độ của bài hát, đồng thời giúp người nghe chuẩn bị thực hiện nội dung bài hát.
Không thể thiếu trong đệm nhạc, phần nhạc dạo giữ một vị trí vô cùng quan trọng, nó thể hiện được chất lượng bản phối và trình độ tay nghề của người phối khí, nó làm nên sự thành công và để lại dấu ấn của người nghe đối với người thể hiện ca khúc thể hiện.
Nhạc dạo thường có 2 phần, phần dạo đầu và phần dạo giữa. Ta có thể viết theo sơ đồ như sau:
Dạo đầu - Hát lời 1,2 - Dạo giữa - Hát lời 2 - Nhạc kết
Phần dạo đầu thường bao gồm 4 hoặc 8 ô nhịp, có nội dung đơn giản nhưng phải thể hiện rõ ràng về nhịp điệu, âm chủ và điệu tính.
Có 2 cách để tạo ra câu nhạc dạo đầu:
Cách 1: lấy nguyên xi phần điệp khúc của bài hát làm nhạc dạo đầu, đây là cách đơn giản nhất để đàn nhạc dạo nhưng cách này chỉ áp dụng đối với những đoạn điệp khúc ngắn gọn.
VD: Với bài Ngày đầu tiên đi học của Nguyễn Ngọc Thiện. Ta có thể đàn nguyên xi đoạn điệp khúc làm câu dạo là phù hợp.
Cách 2: Tạo ra một câu nhạc mới, đối với những bản nhạc không thể lấy đoạn điệp khúc làm nhạc dạo vì quá dài hay phức tạp, hoặc người đệm đàn muốn thể hiện khả năng đệm đàn thì có thể tạo ra câu nhạc dạo mớ i hoàn toàn khác biệt với điệp khúc hay giai điệu bài hát nhưng muốn tạo ra câu nhạc dạo mới , người đệm đàn phải bám sát lối tiến hành hòa thanh và âm hình tiết tấu…
Bước 3: Xác định giọng
Trước hết người đệm đàn cần phải hiểu rõ những kiến thức nhạc lý về điệu thức, gam, giọng khi xác định được giọng của bài hát, sau đó dựa trên các yếu tố dưới đây để xác định giọng.
Trước hết căn cứ vào dấu hóa ở đầu hóa biểu của bài hát, từ đó tìm ra giọng song song.
Tiếp theo để xác định được giọng, ta cần xem cách tiến hành giai điệu, âm mở đầu và âm kết thúc của bài hát. Thường thì, âm mở đầu của bài hát là âm thuộc hợp âm chủ và kết thúc của bài hát cũng là âm chủ.
Các nốt trong âm thể liên kết với nhau theo quy luật hòa âm.
Bước 4: Đặt hợp âm cho ca khúc
Trước tiên, người đệm đàn phải biết phân tích về ca khúc đó, ví dụ như xác định loại nhịp, giọng điệu, cấu trúc hình thức câu, đoạn, cao trào hay tính chất âm nhạc của ca khúc.
Cách đặt hợp âm trong ca khúc không bao giờ là duy nhất đúng mà còn do cách hiểu, cách cảm nhận của mỗi người, điều quan trọng hơn là người đệm đàn cảm thấy phù hợp và tạo được phong cách riêng của họ...
Như vậy, đệm đàn piano cho ca khúc có tốt hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đòi hỏi người đệm đàn phải có kiến thức âm nhạc chuyên sâu, kỹ thuật ngón, có tai nghe, cảm nhận âm nhạc tốt và sự rèn luyện thừơng xuyên, có ý thức ham học hỏi mới đem lại kết quả cao trong việc đệm đàn.