Phủ Tây Hồ - Những điều chưa biết: Phủ chính và Điện Sơn Trang.

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 21:45, 03/12/2022

Các công trình kiến trúc của Phủ Tây Hồ bao gồm phủ chính có quy mô lớn nhất. Mặt trước là cửa tam quan 2 tầng, mái giữa có ghi “Tây Hồ hiển tích”, được trang trí tỉ mỉ, công phu. Kế đến là Điện Sơn Trang 3 tầng, 8 mái cong, lòng nhà có 2 tầng, tầng trên thờ Quan Âm, tầng dưới là 3 động Sơn Trang chiếm 3 gian; khu nhà khách, lầu Cô, lầu Cậu…

Phủ chính

Phủ chính gồm một toà nhà nối liền nhưng được chia làm ba theo kiểu chữ “tam”. Tiền tế thờ cộng đồng, trung tế thờ vua cha Ngọc Hoàng Thượng đế và Tam toà thánh Mẫu (thờ bài vị). Hậu cung thờ ba vị thánh Mẫu (thờ tượng). Ba vị thánh Mẫu là Mẫu Liễu, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải.

phu-tay-ho-huyen-thoai-linh-thieng-tin-nguong-tho-mau-tam-tu-phu.jpg
Cổng tam quan để vào Phủ Tây Hồ.

Theo quan niệm Tam phủ thì: Cai quản Thiên Phủ có Thiên quan, Thiên quan tích phúc (ban phúc lộc cho người). Cai quản Địa phủ có Địa quan, Địa quan xá tội (xá bỏ tội lỗi cho con người). Cai quản Thuỷ phủ có Thuỷ quan, Thuỷ quan giải ách (cởi bỏ mọi chướng ngại khó khăn cho con người).

Với sức mạnh thần bí ban phúc, xá tội, giải ách, tín ngưỡng Tam phủ quả hấp dẫn với bất cứ ai.

Hơn nữa tín ngưỡng Tam phủ đều tôn thờ vua cha Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng là vị thần tối cao trên Thiên đình cai quản tam giới, cai quản bách thần. Ngọc Hoàng uy nghiêm là thế, nhưng với tâm linh của người tín ngưỡng Tam phủ thì Ngọc Hoàng cũng có xương có thịt, có vợ có con. Vợ Ngọc Hoàng là Tây Vương Mẫu. Con Ngọc Hoàng là Liễu Hạnh công chúa. Do đánh vỡ chén ngọc mà con gái út của Ngọc Hoàng bị đày xuống làm dân thường ở làng Vân Hương, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam, nước Đại Việt để tu luyện. Sau do luyến tiếc cảnh đẹp nước Nam, nàng lại lẻn xuống trần gian để thưởng ngoạn, khi ở Quảng Bình, Nghệ An, lúc ở Thanh Hoá, Lạng Sơn, cuối cùng nàng đam mê phong cảnh Tây Hồ hơn bất cứ ai.

Bởi vậy ở phủ chính còn có biển đề: Tây Hồ hiển tích

Nghĩa là: Hiển tích ở Tây Hồ

Hay: Tây Hồ phong nguyệt đề:

Nghĩa là: Gió trăng Tây Hồ

Gió trời, trăng trời và cũng chỉ có người trời như Liễu Hạnh mới cảm nhận hết cái thi vị của gió trăng ở đây.

Danh truyền Nam sử, dấu tiên rực rỡ mấy ngàn thu. Các nhà nghiên cứu về Tam phủ, về Mẫu thường muốn truy nguyên. Vậy Mẫu tên tuổi là gì, quê quán ở đâu, đời sống riêng tư ra sao, hiển thánh như thế nào... xin hãy xem câu đối:

Tối linh nhi linh, Thiên Bản hồi hoàn chân cảnh tịnh.

Chúng mẫu chi mẫu, Tây Hồ hương hoả biệt từ tôn.

Tạm dịch:

Linh thiêng của linh, Thiên Bản trang hoàng tiên phủ đệ

Mẫu trong các mẫu, Tây Hồ hương hoả chốn từ tôn.

Tìm về quê gốc của Mẫu, kỳ thực vùng này do Sùng thượng Thiên tiên Liễu Hạnh, con gái út của Ngọc Hoàng mà có tên là Vân Hương, Thiên Bản, Thiên Hương... Tất cả những danh từ đó là tính từ hoá, nó đã quy về hư vô, quy về mây gió, quy về cái gốc của vạn vật

Bài thơ bên trái phủ chính nói rõ về thân thế của Mẫu:

Vân tác y thường phong tác xa

Chiêu du Đâu Suất mộ yên hà

Nhân gian dục thức ngô danh tính

Nhất đại tiên nhân Ngọc Kinh hoa.

Tạm dịch:

Mây là áo gió là xe

Sáng chơi Đâu Suất chiều mê yên hà

Người đời muốn hỏi tên ta?

Quỳnh Hoa tiên nữ mờ xa Thiên đình.

Điện Sơn Trang

Điện Sơn Trang mới được xây bằng chất liệu bê tông giả gỗ làm theo kiểu chồng diềm hai tầng mái ngói. Tầng trên thờ Phật và Tam toà Thánh Mẫu, tầng dưới thờ Mẫu Thượng Ngàn và 24 cô sơn trang. Nói là Điện Sơn Trang nhưng thực ra đây là nơi thờ Phật. Phật tức Tiên, Tiên tức Phật. Quan niệm dân gian Việt Nam là thế. Họ coi Tiên, Phật là một, đều là các vị thần tối linh bất tử, cứu giúp con người. Tiên cuối cùng cũng quy về Phật. Nội đạo tràng và các thần tích về Mẫu Liễu đều nói: Mẫu Liễu Hạnh được Phật Bà Quan Âm cứu đưa về chùa Hương, quy y Phật!

phu-tay-ho-hn-8-nemtv.jpg

Điện Sơn Trang không nên hiểu đơn thuần là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn. Mà Điện Sơn Trang ở phủ Tây Hồ nếu suy rộng ra là sơn lâm nước Việt, thu nhỏ lại là núi non Hương Tích, núi non Tây Hồ. Tiên, Phật bao giờ cũng gắn với non xanh nước biếc linh thiêng, giang sơn kỳ tú. Chính vì thế ở các phủ, các điện có thờ Phật cũng là điều dễ hiểu.

“Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Cha là Trần Hưng Đạo, mẹ là Liễu Hạnh công chúa. Cha và mẹ là cha mẹ trong tâm linh tôn giáo, không nên hiểu theo nghĩa dung tục.

Hàng năm cứ vào ngày mùng 3 tháng ba và 13 tháng tám âm lịch, tại phủ Tây Hồ đều mở hội tế lễ. Lễ hội này đã có từ xưa, mấy năm gần đây càng trở nên hưng thịnh. Có thể nói lượng người đến cầu khấn, thăm viếng tại phủ ngày càng nhiều, không lúc nào ngừng.

Phủ Tây Hồ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1996.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Phương Anh (T/h)