Cụ cử Can với quê hương Nhị Khê
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 07:50, 02/04/2021
Người con của làng
Lương Văn Can (1854 - 1927) sinh ra tại làng Nhị Khê (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội). Năm 1874, triều đình nhà Nguyễn tổ chức thi Hương tại Hà Nội, cụ đỗ Cử nhân. Sau này, khi tuổi cao, Lương Văn Can thường được gọi là cụ cử Can.
Năm 1907, cụ cử Can và một số nhân sĩ cùng chí hướng như Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí, Lê Đại... sáng lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục với mục đích nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, truyền bá văn minh, tư tưởng mới và dạy chữ. Tại đây, cụ được bầu làm Thục trưởng, tức Hiệu trưởng của trường.
Tuy sống, làm việc và kinh doanh trong khu vực nội thành Hà Nội nhưng cụ Lương Văn Can thường xuyên lui về quê nhà ở Nhị Khê để dạy chữ cho con em trong làng với khát vọng khai dân trí, chấn hưng sức mạnh dân tộc để đánh đuổi thực dân, rửa nhục nước nhà. Năm 1924, cụ xây dựng một trường học ở làng Nhị Khê để dạy cả chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp.
Theo ông Nguyễn Thông (hậu duệ đời thứ 18 của danh nhân Nguyễn Trãi tại Nhị Khê), ban đầu dân làng mong muốn lấy tên cụ cử Can để đặt tên trường, nhưng chính quyền Pháp không đồng ý. Thế nên, trường chính thức mang tên Nhị Khê. Được xây dựng theo kiến trúc phương Tây, trường có hai lớp học chính được quét vôi vàng, cửa mái vòm, mái lợp ngói, trước mặt có sân rộng. Từ khi thành lập trường, con em làng Nhị Khê và khu vực lân cận nô nức theo học, giáo viên được trả lương. Theo ông Thông, trường có nhiều cán bộ cách mạng từng theo học, trong đó có cố Tổng Bí thư Đỗ Mười. Năm 2005, trường Lương Văn Can được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố.
Lưu danh đất Suối Hoa
Cụ Lương Văn Can qua đời ngày 13-6-1927. Trước khi mất, cụ dặn dò con cháu sáu chữ: “Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ”, tức là: Giữ tinh hoa của nước, rửa nhục nước với khát khao chấn hưng nước nhà. Thậm chí, trước ngày mất, cụ đã cho in sáu chữ này trong nhiều tờ giấy nhỏ để phát cho những người dự đám tang nhằm tuyên truyền lòng yêu nước và thức tỉnh đồng bào về nỗi nhục mất nước vào tay thực dân Pháp. Đã có gần 1.000 người tiễn đưa cụ tới nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Hợp Thiện (nay thuộc đất phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Lễ truy điệu có sự theo dõi chặt chẽ của một toán lính Pháp với danh nghĩa bảo đảm trật tự.
Sự ra đi của cụ cử Can là một mất mát to lớn với người dân Nhị Khê, nhất là các môn sinh đang theo học tại trường. Để tưởng nhớ cụ, dòng họ Lương đã xây dựng nhà thờ Lương Văn Can trên nền nhà cũ. Xung quanh nhà thờ là cây cối thoáng mát, phía trước là một ao nhỏ có hòn non bộ, bên cạnh còn một bức tường phế tích và một nền nhà xây dựng từ thời cụ cử Can còn sống. Trong nhà thờ có ảnh cụ cùng gia đình và một số ảnh tư liệu về hoạt động canh tân, dạy học của cụ. Nhà thờ Lương Văn Can hiện do dòng họ Lương hương khói, săn sóc.
Hai bên cột nhà thờ Lương Văn Can có đôi câu thơ: “Huề thủ cựu thư quy cựu ẩn/ Dã hoa đề điểu nhất ban xuân” (Đem sách xưa về nơi ẩn cũ/ Xuân đầy hoa nở với chim kêu) - trích trong bài “Quy ẩn” của thi sĩ Trần Đoàn nhằm ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân và việc về quê ở ẩn, dạy học cũng như nỗi lòng của cụ Can trước cảnh nước nhà bị áp bức.
Nhị Khê trước đây còn được gọi là Suối Hoa. Theo ông Thông, Nhị Khê trước vốn gọi là Trại Ổi. Thời Lý, nhà vua thường xuôi thuyền rồng từ Thăng Long đến đoạn cuối sông Tô Lịch, thấy cảnh đẹp, hai bên nở đầy hoa nên đặt tên là Nhụy Khê. Nhụy nghĩa là hoa, Khê nghĩa là suối, tức Suối Hoa. Nhị Khê là đất địa linh nhân kiệt, quê hương của nhiều nhân tài, chí sĩ yêu nước nối tiếp nhau qua các thời kỳ như: Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, Tiến sĩ Nguyễn Trung Lượng, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến (con thứ của cụ cử Can), Lều Thọ Nam...
Từ năm 1946 đến tháng 6-1948, các thôn Nhị Khê, Trung Thôn, Văn Xá, Thượng Đình, phố Quán Gánh thuộc xã Lương Văn Can. Tháng 6-1948, xã Lương Văn Can và xã Lam Nhạc hợp nhất thành xã Quốc Tuấn. Đến năm 1970, xã Quốc Tuấn được đổi tên thành xã Nhị Khê. Việc đặt tên cụ cử Can cho một đơn vị hành chính cho thấy sự tôn kính của nhân dân địa phương với người chí sĩ yêu nước Lương Văn Can, cũng như sự gắn bó của cụ cử Can với quê nhà Nhị Khê.