Trường THPT Mạc Đĩnh Chi: Ngôi trường kiểu mẫu ở ngoại thành Hà Nội
Y tế - Giáo dục - Ngày đăng : 09:29, 25/11/2022
Về với trường THPT Mạc Đĩnh Chi vào một ngày cuối thu, đúng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam là một cái duyên đặc biệt của nhóm PV Tạp chí Người Hà Nội. Tiếp chúng tôi là thầy Đỗ Phúc Thông, nhà giáo, nhà quản lý, Hiệu trưởng đồng thời cũng chính là người sáng lập ngôi trường mang tên vị Lưỡng quốc Trạng nguyên này.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, thầy Thông cho biết, nói đến những ngày đầu thành lập thì những khó khăn không kể sao cho hết, thời điểm sáng lập ra ngôi trường này thầy chỉ mới 46 tuổi. Xuất thân là một giảng viên của trường Địa chất, năm 1994 thầy nghỉ công việc giảng dạy ở trường; nhìn thấy thực tế các trường công lập đang dần quá tải, với tâm huyết của người thầy đã nhiều năm đứng trên bục giảng, được sự ủng hộ cả tinh thần và vật chất của gia đình, thầy quyết định xin phép thành lập ngôi trường này để con em địa phương có nơi học tập, để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, khi các trường công lập đã vượt quá khả năng tiếp nhận. Đồng sáng lập với thầy là nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ, Đại Tá Nguyễn Đăng Tề của Học viện ANND.
Ngày đầu thành lập, trường chỉ có quy mô 3 lớp học cho khối 10, với 1 hiệu trưởng và 14 thầy cô giáo, điều kiện vật chất còn sơ sài, thầy đã dùng chính căn nhà của gia đình mình ở để lấy nơi làm việc cho Ban giám hiệu, đồng thời cũng kiêm luôn phòng họp cho giáo viên. Ngày đó, sự nhìn nhận các trường học ngoài công lập là mới mẻ và mang đầy sự hoài nghi, muôn vàn khó khăn nhưng thầy vẫn có niềm tin mãnh liệt rằng: chất lượng đào tạo và chất lượng môi trường học tập sẽ quyết định thành công trong mục tiêu mà thầy tâm huyết.
Một mình tiên phong với nhiều bỡ ngỡ, thầy đã về tham quan và học tập kinh nghiệm ở trường Lương Thế Vinh của thầy Văn Như Cương và trường Marie Curie ở Hải Phòng, hai ngôi trường ngoài công lập đầu tiên ở Việt Nam thời điểm đó. Trở về, thầy xây dựng mục tiêu, vạch ra lộ trình để áp dụng linh hoạt, phù hợp với các điều kiện của mình và thực tế ở địa phương rồi từng bước kiên trì thực hiện.
Sau 25 năm xây dựng và trưởng thành, giờ đây khi nhắc đến trường THPT Mạc Đĩnh Chi, khái niệm về các trường ngoài công lập chỉ dành cho các học sinh “không thể đỗ vào các trường công lập” đã không còn nữa, thay vào đó, hầu hết phụ huynh khi được hỏi lý do cho con em mình vào học ở đây thì câu trả lời chúng tôi nhận được đó là vì họ yên tâm với chất lượng GV, chất lượng giảng dạy, kỷ luật và một môi trường hiện đại, thân thiện. Mọi khoản đóng góp đều rất xứng đáng, được công khai minh bạch, được bàn bạc và trên hết là được thực chất phục vụ cho học sinh.
Hiện tại, trường có quy mô 23 lớp học với 41 GV, 10 CBCNV, 2 Hiệu phó, cùng đội ngũ thủ quỹ, kế toán, bảo vệ và nhân viên phục vụ theo đúng quy định.
Đa số đội ngũ giáo viên của nhà trường hiện nay đều đã có trình độ trên đại học. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm đối với học sinh của trường đạt từ 97-99%; tỷ lệ đỗ vào các trường CĐ, ĐH đạt từ 50-60%, rất nhiều học sinh của trường đã đỗ vào các Học viện và Đại học hàng đầu Việt Nam như: ĐH Y Hà Nội, ĐH Sư phạm HN, Học viện Lục Quân, Học viện ANND, ĐH Ngoại Thương,…
Sau 25 năm từ ngày đón khóa học đầu tiên, đến nay trường THPT Mạc Đĩnh Chi đã tự hào chào đón sự trở về chính những học trò thành đạt của mình để viết tiếp truyền thống cho trường trên cương vị là những GV được đào tạo chính quy, bài bản ở những trường sư phạm hàng đầu.
Để phục vụ bữa ăn trưa cho học sinh tại trường, nhà trường đã xây dựng một căng-tin sạch sẽ, rộng rãi, cũng được trang bị điều hòa mát mẻ. Ngoài ra, nhà trường còn tự trồng rau ngay trong khuân viên của trường để có nguồn rau quả tươi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trường THPT Mạc Đĩnh Chi có địa chỉ tại: Số 100 phố Kim Anh, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn-TP Hà Nội. Về ngôi trường này, tận mắt chứng kiến sự khang trang, nề nếp ở đây thật không quá khi nói rằng trường THPT Mạc Đĩnh Chi xứng đáng là ngôi trường kiểu mẫu cho mô hình các trường THPT.