Làng cổ Đường Lâm

Điểm hẹn cuối tuần - Ngày đăng : 16:04, 24/11/2022

Làng cổ Đường Lâm là một làng cổ lâu đời mang rất nhiều nét văn hóa đặc sắc. Cho tới ngày nay, ngôi làng vẫn giữ được những đặc trưng cơ bản của một ngôi làng xưa với đình làng, cây đa, bến nước, chùa miếu... Có thể nói, giá trị nghệ thuật ở nơi đây đã khiến cho Đường Lâm đã trở thành một điểm nhấn không thể thiếu của Hà Nội.

Trong tâm thức của nhiều người, nói đến Đường Lâm người ta thường liên tưởng địa danh “Kẻ Mía”, “một ấp hai vua”. Địa danh này xuất hiện khá sớm trong các thư tịch cổ như: “Việt Điện u linh”, “Thiên Nam ngữ lục”, “Lịch triều hiến chương loại chỉ”... Tuy nhiên, không có tên làng nào ở đây có tên gọi là “làng cổ Đường Lâm”. Đường Lâm xưa thuộc tổng Cam Giá Thịnh, dân gian quen gọi là tổng Mía, và ngày nay là xã Đường Lâm gồm 9 làng: Cam Lâm, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Đông Sàng, Hà Tân, Hưng Thịnh, Văn Miếu, Phụ Khang và Mông Phụ thuộc thị xã Sơn Tây.

image-ghe-lang-co-duong-lam-nhung-ngay-cuoi-thu-164646299140444(1).jpg

Từ trung tâm thị xã Sơn Tây lên Đường Lâm khoảng 4km. Từ đường nhựa vào Đường Lâm, trừ làng Hà Tân và Hưng Thịnh nằm ở ven sông Hồng, còn 6 làng kia nằm trên các đồi gò thấp mà ta quen gọi là làng bán sơn địa. Cổ nhân xưa dựng nhà trên đất cao để tránh lũ lụt (gần sông Hồng, sông Tích) và để đất thấp, đất trũng cho việc cấy lúa, trồng mẫu. Ngoài cây lúa thì xưa kia Đường Lâm còn nổi tiếng với những câu ca như “Dưa hấu, dưa gang là làng Mông Phụ”, “Nước giếng Giang, khoai lang đồng Bường”... để ca ngợi những sản vật ở đây.

Trải qua hàng ngàn năm, từ thuở Phùng Hưng, Ngô Quyền giữ nước, làng xã vùng Kẻ Mía qua bao thăng trầm vẫn tồn tại và phát triển. Bây giờ đến Đường Lâm, người ta rất ngỡ ngàng trước cổng làng Mông Phụ xây bằng đá ong trên lợp ngói mũi hài, cao rộng hai con trâu cùng lúc có thể đi qua, ô tô tải có thể đi lại và cạnh đó là gốc đa cổ thụ. Ông Tomoda, giáo sư trường đại học Nữ Chiêu Hoà (Showa - Tokyo), người phụ trách chương trình hợp tác Việt - Nhật về văn hoá làng cổ Đường Lâm thường nói: Chiếc cổng làng duy nhất còn lại ở Đường Lâm là một biểu tượng văn hoá làng. Ông còn nói quanh những chiếc ao làng kia phải trồng lại luỹ tre để làm “áo” cho làng cổ vốn có.

Luỹ tre xanh không còn nguyên vẹn, ao làng chỗ kè đá, chỗ đắp bờ cao để nuôi trồng thuỷ sản, vắng bóng mặt nước ao phủ li ti bèo tấm, trong làng đã nhấp nhô một số nhà bê tông… nhưng cơ bản vẫn còn hơn 400 ngôi nhà cổ mà vật liệu xây dựng người xưa đã dùng “văn minh dựa trên thảo mộc” - gỗ xoan và tre ngâm, tồn tại trên 200 năm. Quanh những mái ngói rêu phong, nhiều nhà có vườn cây lưu niên xanh tốt và đặc biệt những ngôi nhà cổ ấy đều được xây bằng đá ong, gạch cổ và đất nện. Tường bao quanh nhà cũng được xây bằng đá ong, cổng có mái che lợp ngói. Đặc biệt không có ngôi nhà cổ nào trổ cửa sổ ra đường. Sự giao tiếp bình yên trong tình làng nghĩa xóm.

Khách đến Đường Lâm không phân biệt được ranh giới các làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh và Đoài Giáp. Trên những đồi gò cổ xưa ấy, không biết từ bao giờ các ngôi nhà ở đã xen cư với nhau, chung sống với nhau, chỉ có ngôi đình làng là riêng nhưng vẫn còn chung trong quá khứ ngôi đình tổng và chùa Mía. Chợ Mía được lập từ thế kỷ XVII nằm trên đất làng Đông Sàng, chợ đông vui nhất vùng nhưng từ xưa người Mông Phụ đã có câu ca:

“Chợ Mía mới họp đã to 

Các thầy Mông Phụ cứ dò xuống chơi”

                                              (ca dao)

Nổi bật lên không gian hơn bốn trăm ngôi nhà cổ là những công trình kiến trúc to lớn của cộng đồng làng xã. Đó là chùa Mía ngôi chùa nhiều tượng Phật nhất trong hệ thống chùa Việt Nam, đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền - những bậc anh hùng dân tộc quê gốc ở Đường Lâm. Rồi đình Mông Phụ, Cam Thịnh, Đoài Giáp, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh - người đi sứ không làm nhục quốc thể... Rồi các giếng nước cổ, điếm canh... vẫn còn giữ được gần như cơ bản của người xưa để lại. Ở vùng này người xưa quan niệm:

“Thứ nhất được ở gần cha

Thứ hai gần giếng, thứ ba gần chùa”

(ca dao sưu tầm ở Đường Lâm)

Những dấu tích văn hoá cổ còn lưu giữ được nhiều, trong đó còn phải kể đến cả những nghề cổ truyền như làm tương ở làng Mông Phụ, làm kẹo bột, kẹo dồi ở Đông Sàng, nước chè ở Cam Lâm... và gà Mía thơm ngon nổi tiếng. Bia đá, chuông đồng, sắc phong, thần phả, gia phả các dòng họ... là nguồn thư tịch cổ quý giá hầu như làng nào ở Đường Lâm cũng còn lưu giữ khá phong phú làm cho Đường Lâm có diễn cách riêng so với các vùng đất khác ở xứ Đoài.

Sau những đợt khảo sát, điều tra thực địa giữa các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản, Bộ Văn hoá và Thông tin, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã nhất trí chọn sự bảo tồn và phát huy làng cổ Đường Lâm bao gồm trọng tâm là làng Mông Phụ và phạm vi điều chỉnh bảo tồn là các làng Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh và Cam Lâm cùng tất cả các di tích lịch sử - văn hoá đã xếp hạng. Nhìn trên bản đồ xã Đường Lâm “làng cổ Đường Lâm” có trung tâm là làng Mông Phụ. Trước đây di tích thường thấy đơn chiếc là ngôi đình, chùa, đền, miếu... Sự định hướng bảo tồn lần này là làng Mông Phụ gồm tất cả các ngôi nhà cổ của dân, từ cổng làng, tường rào, đường đi, giếng nước, bờ ao... đến phong tục tập quán, nghề thủ công, cảnh quan và tổ chức không gian làng sẽ là một đơn vị di tích mang tính phức hợp giống như phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã được UNESCO xếp hạng hoặc phố cổ Hà Nội đã được xếp hạng cấp quốc gia. Khác phố cổ Hội An và phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm ngoài những ngôi nhà cổ, nhiều ngôi nhà được xây dựng ở đây mang đậm phong cách truyền thống về kiến trúc cũng như thẩm mỹ. Có ngôi nhà năm hàng chân cột, bốn hàng chân, ba hàng chân và quá giang trốn cột với những vì kèo kẻ chuyền, chồng rường, cửa bức bàn bằng gỗ đặc... với những hoạ tiết hoa văn dân dã. Ngoài nhà chính (nhà trên) là nhà phụ - nhà ngang, nhà bếp. Ý niệm “lấy vợ hiền hoà làm nhà hướng nam”, vào nhà bếp “ngồi đông mông tây”, sân lát gạch, tường đá ong, vườn cây ăn quả, cây cảnh... đều được người dân sống trong ngôi nhà cổ 6 - 7 đời người giữ gìn, bảo vệ. Nhà ở Đường Lâm sẽ được phân loại ít nhất thành 4 loại theo tiêu chí khoa học để xác định giá trị và đầu tư tu sửa trên cơ sở “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Các thành viên tham gia dự án này đã đến từng nhà chụp ảnh, vẽ kiến trúc, ghi chép niên đại tạo dựng, vật liệu xây dựng vốn có. Việc bảo tồn hình thái làng mạc cũng đã được đặt ra với phương châm không mở rộng mặt đường làng, giữ gìn cây cổ thụ, giếng nước cổ... để tổng thể cảnh quan không biến dạng.

Trong dự án nghiên cứu làng cổ Đường Lâm người ta đã tính đến việc quy hoạch tổng thể để dự kiến khu vực dãn dân, khu vực bãi đỗ xe cho du khách đến thăm quan nghiên cứu, các công trình văn hoá phục vụ khách như nhà nghỉ, cửa hàng ăn uống, hệ thống dịch vụ... Người dân Đường Lâm sẽ đón khách vào thăm nhà cổ, mua bán hàng thủ công, hàng đặc sản của quê hương và tham quan các di tích nổi tiếng như đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, đình Mông Phụ, chùa Mía, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh... Một tour du lịch sẽ hình thành từ Thành cổ Sơn Tây - đền Và - làng cổ Đường Lâm. Cơ cấu kinh tế Đường Lâm sẽ thay đổi, nhưng quan trọng hơn là ở Việt Nam đã giữ gìn bảo vệ và phát huy tốt một ngôi làng cổ đặc trưng ở đồng bằng sông Hồng, đó là Làng cổ ở Đường Lâm.

Di tích làng cổ Đường Lâm đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2005.

                                                        Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Phương Anh (T/h)