Giáo sư, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Trọng Bằng qua đời ở tuổi 91
Văn học - Nghệ thuật - Ngày đăng : 16:14, 22/11/2022
Giáo sư, Nghệ sĩ nhân dân Trọng Bằng, sinh năm 1931 tại Cao Bằng, quê ở Hà Nội. Ông xuất thân từ gia đình với người cha là một công chức ngành xây dựng biết chơi thành thạo đàn bầu và đàn tranh. NSND Trọng Bằng bắt đầu hoạt động âm nhạc từ khi còn là học sinh trung học. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông được cử đi công tác văn nghệ tại mặt trận Trung Lào, sau đó ra Việt Bắc làm Đội trưởng Đội Ca nhạc, Đoàn Văn công Nhân dân trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam).
Năm 1963, ông là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp bằng đỏ tại Nhạc viện Tchaikovsky (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Moskva, Nga). Sau đó ông trở về làm giảng viên Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) sau đó trở thành giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Sự cống hiến của ông đã góp phần không nhỏ đưa nhạc viện trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn có uy tín ở trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, NSND Trọng Bằng còn là nhạc trưởng chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng, với nhiều tác phẩm nổi tiếng biểu diễn trong nước và quốc tế, mang về nhiều giải thưởng lớn. Không những thế, về thanh nhạc, ông là tác giả của nhiều bài hát in đậm dấu ấn những năm tháng hào hùng của đất nước, như: “Tình quê hương”, “Nhịp máy khoan”, “Bão nổi lên rồi”, “Chúng ta là sĩ chiến sĩ Công an”, “Cả nước hướng về Hà Nội”…
Các tác phẩm khí nhạc của ông đã góp phần xây dựng khí nhạc trẻ tuổi của Việt Nam như: vũ khúc viết cho cello và piano, ouverture Chào mừng (1986), giao hưởng thơ Người về đem tới ngày vui (1990), ouverture fantaisie Chào thiên niên kỷ mới (2000), hai tổ khúc hợp xướng Mùa xuân trên quê hương đổi mới (2002) và Trường ca Tây Bắc (2004).
Năm 2013, GS, NSND Trọng Bằng được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2017; ông từng đảm nhiệm vị trí Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa V và VI.
Có thể nói, sự ra đi của ông là một mất mát lớn, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho những con người yêu mến nhạc phẩm của ông nói riêng và nền âm nhạc Việt nam nói chung.