Người 58 năm "vẽ tranh bằng chỉ"
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 17:07, 17/11/2022
Ngọn lửa nghề thêu rực cháy
NNƯT Nguyễn Xuân Dục sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống gần 200 năm làm nghề thêu. Cái nôi ấy đã nuôi dưỡng, giúp ông hình thành nên tình yêu đặc biệt với nghề. Từ năm lên 7, lên 8, nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục đã được cha mẹ cầm tay dạy từng đường kim mũi chỉ, dần trở thành thế hệ thứ 5 tiếp nối nghệ thuật thêu tay của gia đình. Trải qua 58 năm gắn bó, ngoài trình độ tay nghề được thừa hưởng từ cha mẹ, ông Dục luôn nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi thêm từ ngoài xã hội để nâng cao trình độ, phát huy sáng tạo kỹ năng nghề nghiệp.
Khác với dòng tranh thêu máy hay thêu tay đại trà có tuổi thọ ngắn, tranh thêu tay của nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục sở hữu độ bền màu “đi cùng năm tháng” đáng kinh ngạc. Sở dĩ có sự khác biệt ấy là bởi tranh của ông không có thao tác đánh màu hậu kỳ bằng bút dạ hay màu tuýp, hoàn toàn sử dụng chỉ màu thêu nhiều lớp để tạo độ sâu cho mỗi bức tranh.
Chia sẻ về bí quyết này, NNƯT Nguyễn Xuân Dục cho biết: “Dòng tranh của gia đình tôi, quê hương tôi có đường đi riêng, có sự mộc mạc, chất phác, thực tế nghề nghiệp của gia đình truyền thống. Chúng tôi thêu tỉ mỉ từng đường kim bằng lòng kiên trì, không chạy đua theo thị trường; không dùng màu tô bên ngoài để thương mại hoá bức tranh, làm cho bức tranh bị mai một, không còn tính chất của tranh truyền thống nữa. Nếu làm vậy, bức tranh sẽ đào thải mình và tự mình làm mất thương hiệu của mình. Nếu máy thêu thêu được 4 - 5 màu thì chúng tôi thêu được đến trăm màu trong một sản phẩm”.
Ngoài sự đặc biệt về kỹ thuật truyền thống, tranh thêu tay của nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục còn chứa đựng nét đẹp rất riêng. Cái hồn, cái tâm, sự tỉ mỉ, cẩn thận của người “vẽ tranh bằng chỉ” đều được toát lên, làm mãn nhãn người “thưởng tranh”. Tranh thêu tay ở cơ sở của ông Dục là tập hợp của nhiều lớp chỉ chồng chéo lên nhau với đặc thù hình khối hội họa tiêu biểu. Một bức tranh thông thường gồm 3 lớp chính: lớp nền, lớp đi nét cơ bản, lớp kỹ thuật. Từng tầng khối, đường nét, bố cục, mảng màu đều vô cùng hài hoà và sắc sảo.
Có những thời điểm khó khăn, 2 vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục phải tự đi xe đạp vào nội thành Hà Nội trả hàng cho từng khách, ngồi bờ hồ ăn bánh mì để chờ đợi hàng về đưa cho thợ làm sản phẩm đầu ra. Những năm dịch covid, gia đình ông Dục cũng phải bù lỗ rất nhiều cho hàng chục người thợ, thế nhưng vợ chồng ông vẫn quyết tâm: “Không có chặng đường nào là dải hoa hồng, nó phải có nhiều sự trăn trở và những bước thăng trầm. Bây giờ bỏ thì mất nghề cha ông, mình bỏ, người khác cũng bỏ thì ai là người kế thừa? Cuối cùng vợ chồng lại chụm đầu, lại quyết tâm chiến đấu để dần dần khôi phục.” – ông Dục tâm sự.
Nghệ nhân nghề thêu cũng cười khà kể rằng, ông đã từng phải đi chỉnh hình xương khớp ở vùng vai bên trái do không đưa được cánh tay ra đằng sau, bởi suốt 58 năm qua, ông chỉ thao tác đưa chỉ lên xuống để thêu tranh.
Năm 2016, gia đình nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục vinh dự được Nhà nước trao tặng Bảng vàng Gia tộc nghề thêu truyền thống Việt Nam. Năm 2020, ông Dục được Nhà nước công nhận và trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đã có nhiều cống hiến trong giữ gìn và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Mới đây nhất, ngày 11/11 vừa qua, Nghệ nhân ưu tú nghề thêu tay Nguyễn Xuân Dục vinh dự nhận được giải Nhì toàn quốc Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tổ chức với tác phẩm “Bến thuyền (Vịnh Hạ Long)”.
Trăn trở nỗi lo “lớp trẻ bỏ nghề”
Nói về trăn trở với nghề, nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục đau đáu tâm sự: “Hiện nay trong tình hình công nghiệp hoá, nhiều cụm công nghiệp mở ra trong các làng quê. Người ta đổ xô đi làm ở các khu công nghiệp rất nhiều bởi lương cao, được đóng bảo hiểm. Chúng tôi ngày xưa 7 tuổi được bố mẹ dạy nghề, đó là gia đình truyền thống, còn như các cháu bây giờ, bảo đi học thêu thì không ai học, họ bảo nghề thêu của ông, của bác công thấp lắm, không kiếm ăn được. Vì thế, nếu trước kia có 35 ông chủ trong một thôn thì bây giờ chỉ còn 5 đến 10 người, trước kia có 800 người thêu thì bây giờ chỉ còn đâu đó hơn trăm người…”
Với NNƯT Nguyễn Xuân Dục, chỉ kiên trì và say mê thôi là chưa đủ, ông tâm huyết để sáng tạo, để làm mới, để gìn giữ phát huy nghề nghiệp của mình. Điều quan trọng nhất là trên cương vị một người nghệ nhân ưu tú, ông Dục luôn muốn truyền lại cho các thế hệ kế tiếp những bí quyết, những tinh hoa nghề nghiệp truyền thống của gia đình, quê hương.
Từ những trăn trở đó, hàng năm, NNƯT Nguyễn Xuân Dục đều mở từ 3 – 4 lớp dạy nghề khuyến công. Các lớp học thêu được tổ chức theo sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương, đào tạo những người muốn học nghề, thợ mới thêu. Mỗi lớp có khoảng 35 học viên. Ở các lớp học này, người nghệ nhân “vẽ tranh bằng chỉ” truyền dạy những kỹ thuật độc đáo, những phương pháp làm truyền thống giúp học viên rút ngắn ngày công nhưng vẫn đảm bảo chất lượng mỗi bức tranh, hỗ trợ đảm bảo kinh tế gia đình.
Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục bày tỏ thêm: Mình đã là người có bí quyết nghề nghiệp thì phải có trách nhiệm truyền lại, thắp lửa cho con cháu sau này nắm bắt được kỹ năng nghề nghiệp truyền thống của cha ông. Để từ đó, tự họ sẽ giữ gìn và phát triển, lan toả cho nhiều người, nhiều thế hệ mai sau. Có vậy thì mới bảo tồn được nghề nghiệp.”