Bàn về xu hướng hoạt động sáng tạo nghệ thuật sân khấu theo cơ chế tự chủ hiện nay
Hoạt động hội - Ngày đăng : 16:51, 17/11/2022
Kể từ năm 2015 đến nay, Đảng và Nhà nước đã định hướng cho sân khấu công lập chuyển dần sang sân khấu tự chủ. Từ thực trạng của sân khấu thời gian qua, các tham luận tại hội thảo đã chỉ ra các xu hướng hoạt động của sân khấu trong cơ chế tự chủ hiện nay.
Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, các xu hướng của sân khấu hiện nay mang theo thông điệp: “sân khấu bao cấp” đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và “sân khấu tự chủ” đã thay thế với những nguyên lý thẩm mỹ, nguyên lý sáng tạo, nguyên lý vận hành... hoàn toàn mới để tạo ra mỗi đơn vị sân khấu là một đơn vị kinh doanh và mỗi nghệ sĩ là một nhà doanh nhân của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế.
Nhìn vào thực tế của các đoàn nghệ thuật truyền thống hiện nay, NSND Nguyễn Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội đánh giá, kể từ khi có Nghị định quy định về tiến trình cho các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa – tư nhân hóa, các đơn vị nghệ thuật công lập đã tích cực hơn, năng động hơn trong việc khắc phục tình trạng vắng bóng khán giả trong các sân khấu nghệ thuật truyền thống. Xu hướng tiếp nối, đổi mới và cách tân trên nền tảng truyền thống đang được các đơn vị nghệ thuật chú trọng và hướng tới.
Với một số đoàn nghệ thuật ca múa nhạc, nghệ thuật đương đại hay xiếc, việc tự chủ đã tạo ra động lực để mỗi đơn vị tự nâng mình lên, phong phú các hoạt động nghệ thuật, kêu gọi đầu tư, liên kết, tạo ra những mô hình ưu tú, kích thích sáng tạo của các nghệ sĩ, không còn tình trạng ỉ lại, trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, tại hội thảo các đại biểu cũng đã chỉ ra những khó khăn, thách thức của sân khấu Thủ đô trong việc tìm kiếm hướng đi để thích nghi với cơ chế mới. Đó là tình trạng thiếu vắng khán giả; thiếu đội ngũ đạo diễn, diễn viên trẻ tài năng; thiếu kịch bản hay…
Để giải quyết những khó khăn mà các đơn vị công lập trong lĩnh vực nghệ thuật đang gặp phải trong lộ trình tự chủ, NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng cần phải thay đổi nhận thức về vấn đề tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về cơ chế tự chủ. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác xã hội hóa, vận động tư nhân đầu tư các thiết chế văn hóa và tổ chức các hoạt động có hiệu quả thiết thực…
Đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống kén khán giả, theo NSND Thanh Trầm cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng lộ trình, cơ chế đặc thù và dành thời gian hợp lý để các đơn vị có được sự chuẩn bị cả về tinh thần và vật chất trước khi tự chủ hoàn toàn. Bởi bước ra tự chủ thì phải có tác phẩm - hàng hóa “đặc biệt”, nếu không, nhiều loại hình có thể rơi vào tình trạng mất bản sắc.
Theo TS. Trần Thị Minh Thu để chuyển đổi sang cơ chế tự chủ thành công, không chỉ đòi hỏi các nghệ sĩ phải tự đổi mới tư duy, năng cao năng lực sáng tạo; mà còn cần có sự “bắt tay” của đội ngũ quản lý các bộ, ban, ngành cùng với Hội Sân khấu Trung ương và địa phương trong việc nghiên cứu, xây dựng các chính sách, kế hoạch mang tính chiến lược, tính thực tiễn để hỗ trợ các nghệ sĩ nâng cao vị thế và phát huy mọi hoạt động sáng tạo trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.