Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn: Cây bút tiểu thuyết giàu vị đời

Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 10:54, 14/11/2022

Trình làng văn muộn nhưng nhà văn Nguyễn Bắc Sơn sớm khẳng định vị thế trên văn đàn đương đại. Ở tuổi 81, ông đã cống hiến cho bạn đọc gần 20 tác phẩm văn xuôi giàu vị đời, tình người và đầy ắp tinh thần đối thoại. Viết nhiều thể loại nhưng nói đến nhà văn Nguyễn Bắc Sơn người đọc nhớ đến một cây bút đặc sắc, có thành tựu trong “thời của tiểu thuyết” và đã ba lần nhận giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (2006 - 2009, 2011 - 2014 và 2016 - 2019).
nguyenbacson(1).jpg

Nhà văn viết “bi kịch lạc quan”
Khi luận bàn về hướng tiếp cận mới của văn chương đương đại, giới nghiên cứu đã chỉ ra những “không gian văn hóa mới” thu hút sự quan tâm, phát hiện và sáng tạo của nhà văn: không gian văn hóa gia đình (thế sự - đời tư), không gian văn hóa đương đại (chính trị - xã hội), không gian văn hóa truyền thống (lịch sử - cách mạng - chiến tranh), không gian văn hóa bản thể (thân - tâm), không gian văn hóa di dân (người Việt ở nước ngoài)... Mỗi nhà văn đều có sở trường và sở đoản, quan trọng là không biến cái này thành cái kia. Từ sau Đổi mới (1986), gia đình như một đơn vị văn hóa căn cơ của xã hội đã được nhà văn quan tâm (Lê Lựu với “Thời xa vắng”, Ma Văn Kháng với “Mùa lá rụng trong vườn”, Đào Thắng với “Dòng sông mía”, Dương Hướng với “Bến không chồng”, Dạ Ngân với “Gia đình bé mọn”, Bích Ngân với “Thế giới xô lệch”, Nguyễn Huy Thiệp với “Tướng về hưu”, Lê Minh Khuê với “Bi kịch nhỏ”, Thùy Dương với “Lạc lối”...).
Nguyễn Bắc Sơn trong một loạt tiểu thuyết (“Lửa đắng”, “Luật đời và cha con”, “Gã Tép Riu”, “Vỡ vụn”, “Cuộc vuông tròn”) đã tiếp cận những “bi kịch lạc quan” phát khởi từ mỗi gia đình qua đó khúc xạ bộ mặt đời sống tinh thần xã hội. Trong bài phê bình có tựa “Bi kịch lạc quan” (về tiểu thuyết “Gã Tép Riu”, đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội), chúng tôi đã nhấn mạnh đến bi kịch của nhân vật Gã Tép Riu (một nhà báo giỏi ở một thành phố lớn) đã rơi vào bi kịch gia đình khi vợ chồng đã “đồng sàng dị mộng”, khi trong một mái nhà hai cá thể với hai lẽ sống va đập chát chúa (vợ thì tiến thủ bằng bất kỳ giá nào, kể cả thân xác), chồng thì đi tìm tự do (từ lâu đã có nguy cơ bị tước đoạt). Bi kịch của nhân vật nhà báo có biệt danh Gã Tép Riu là bi kịch kép, vừa mang tính đơn nhất vừa mang tính phổ quát. Gánh nặng tinh thần với Gã Tép Riu nặng gấp nghìn lần của khổ nạn vật chất, của đói nghèo lạc hậu.

nguyen-bac-son-2.jpg


Sự rạn vỡ của gia đình có mầm mống từ hậu quả của chiến tranh, của tàn dư phong kiến, của cơ chế thị trường, của vô số những nguyên nhân tất nhiên và ngẫu nhiên, của những vô thường, vô nghĩa lý, phi lý vốn khi là mặt phải, khi là mặt trái của đời sống xã hội ngày càng trở nên phức tạp. Mỗi gia đình và cá thể đứng trước những nguy cơ “vỡ vụn” trong những “cuộc vuông tròn” (nhan đề tác phẩm) đầy tính chất “vô tiền khoáng hậu”, vô nghĩa lý, thậm chí phi lý. Nhưng điều đáng nói là nhà văn đã cố gắng tìm lối ra cho nhân vật, gỡ thế bí cho những tình huống có thể lật ngược thế cờ. Ví dụ trong “Gã Tép Riu” nhà văn đã tìm lối ra cho Tùng bằng một sự hiện diện trước tòa án, ly hôn với Thủy, người vợ từng gieo đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần cho chồng. Đó là một câu chuyện buồn không ai muốn nhưng cần thiết kể lại để giúp con người “thanh lọc tâm hồn”.

Nhà văn viết đối thoại chính trị

Đối thoại như một tinh thần chủ đạo, một cảm hứng lớn trong tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn. Nhà văn đối thoại chính trị bằng hình tượng văn học về những nền tảng tinh thần - văn hóa - xã hội nào? Có thể nói tinh thần đối thoại ngùn ngụt khí thế, nhiệt huyết trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn (“Gã Tép Riu”, “Lửa đắng”, “Luật đời và cha con”, “Vỡ vụn”, “Cuộc vuông tròn”). Bằng hình tượng văn học nhà văn đã “chạm” đến những “điểm nóng” hết sức nhạy cảm của đất nước thời mở cửa (thị trường định hướng XHCN) như: Cơ chế kiểm soát quyền lực; cơ chế quản trị xã hội (vĩ mô và vi mô); cơ chế giải phóng năng lực cá nhân; cơ chế để nhà văn có thể can dự vào công cuộc chống tham nhũng; cơ chế nhất thể hóa lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương. Tất nhiên không ai ngây thơ, cạn nghĩ rằng văn chương và nhà văn có thể xoay vần tình thế, cải tạo xã hội theo ý chủ quan của mình. Nhưng trong tinh thần đối thoại và nhiệt huyết can dự vào đời sống xã hội chính là nghệ sĩ ngôn từ đã góp một viên đá nhỏ xây đắp nền móng văn hóa. Mới đây nhà văn đã trực tiếp và thẳng thắn bàn về “Văn chương phòng chống tham nhũng?” (báo Văn nghệ, số 30, ra ngày 23/7/2022). Viết như thế là theo tinh thần dấn thân, nhập cuộc của cây bút đầy trách nhiệm công dân và trách nhiệm nghệ sĩ. Cũng lần đầu tiên, trong tiểu thuyết nhân vật Tổng Bí thư xuất hiện, theo cách thể hiện của nhà văn: “Trong “Lửa đắng”, nhân vật Tổng Bí thư còn trả lời báo chí phỏng vấn: “Việc này, tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và trước cả pháp luật. (...) Tôi phải nhắc lại một khẩu hiệu: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. (...). Pháp luật phải như một dây điện trần. Ai động vào cũng bị giật”. Đó là tinh thần dân chủ do ngọn gió Đổi mới mang lại. Nhà văn viết được như thế là do sự ưu đãi của thực tế đời sống xã hội khi hội đủ ba nhân tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Nhưng tất nhiên có đủ ba nhân tố song ngòi bút nhà văn không đủ lực, đủ tầm thì cũng không thể có tác phẩm hay. Ở đây vấn đề tài năng không thể thay thế, thậm chí là tiên quyết trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.

nguyen-bac-son-3.jpg
nguyen-bac-son-1.jpg
Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn


Nhận xét sau của đồng nghiệp về tinh thần đối thoại chính trị trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn là xác đáng: “Thật ra, Nguyễn Bắc Sơn chưa phải là người đầu tiên đưa đối thoại chính trị vào văn chương ở ta. Ông là người tiêu biểu cho xu hướng này, là bởi ông hăng hái, xả thân xây dựng đối thoại chính trị lên như một trận chiến toàn diện với nhiều mức độ, có sự tham gia của nhiều loại người - nhân vật có tính chất đại diện, biểu trưng trong tất cả các tiểu thuyết hiện có của ông” (Nguyên An: “Sương lại càng long lanh”, tiểu luận và chân dung văn học, Nxb Văn học, 2020, tr. 404)

Nhà văn viết hồi ký

Viết hồi ký là một cách thức sống với thời gian hai chiều. Thể loại hồi ký đang trương nở trên văn đàn Việt như một vụ mùa bội thu của các nhà chính trị gia, tướng lĩnh, văn nghệ sĩ, thậm chí các thương gia có tiếng tăm trên lĩnh vực ngoại giao, kinh tế. Nhưng đọc kỹ sẽ thấy hồi ký đang bị “nhiễu” khi không ít tác giả của các thiên hồi ký thường bị sa chân vào cái bẫy “ta trong thiên hạ đục”. Vậy nên cơ quan chức năng gần đây đã có những quy định chặt chẽ, cụ thể về việc xuất bản và phát hành hồi ký.
“Bảy nổi ba chìm” (hồi ký, Nxb Đà Nẵng, 2022) của Nguyễn Bắc Sơn là một cuốn sách “bắt mắt” của một người từng nhiều năm cầm phấn và cầm bút (như tinh thần hào hiệp trong “Tản mạn với nghề cầm phấn và cầm bút”, tiểu luận và bài báo, 1999). Cuốn hồi ký này dung chứa một khoảng không gian - thời gian nghệ thuật rộng lớn trong cuộc đời một người trải qua nhiều thời kỳ lịch sử với nhiều biến động từ cuộc kháng chiến chống Pháp, đến hòa bình (1954), chống Mỹ, giải phóng miền Nam (1975), hậu chiến và Đổi mới (1986), đến những thập niên đầu thế kỷ XXI. Hồi ký của một nhà giáo - nhà báo - nhà văn nên những câu chuyện về “nghề cầm phấn” và “nghề cầm bút” tất nhiên sẽ là trọng lực. Chúng tôi cùng là đồng nghiệp “cầm phấn và cầm bút” với tác giả nên dễ dàng đồng cảm, chia sẻ mọi nỗi niềm qua con chữ. Những trang viết về chiều dài năm tháng cầm phấn của tác giả có cái nghiêm ngắn, chuẩn chỉnh, sâu lắng, nghĩa tình của những câu chuyện dù nhỏ dù lớn, dù xa dù đến gần, đều gấy ấn tượng với người đọc trong một xã hội học tập.


Nhưng khi đọc hồi ký “Bảy nổi ba chìm” của Nguyễn Bắc Sơn, chúng tôi lại riêng thích những trang về “một nửa” của tác giả - người vợ tao khang muôn thuở. Như đã nói ở trên, gia đình là một không gian văn hóa đặc thù đang được nhà văn tiếp cận và tái hiện nghệ thuật. Những trường đoạn về người vợ tao khang, hậu phương lớn của nhà văn được viết một cách nhuần nhị, có cái duyên thầm của câu chữ như “Mê nhau từ cái nhìn đầu tiên”, “Vợ hiền dâu thảo đảm đang”, “Mối tình đầu cũng là mối tình cuối”, là một chuỗi những câu chuyện không phải của “gia đình thần thánh” mà là của “gia đình văn hóa” đang được xây dựng thành một phong trào để góp phần chấn hưng văn hóa Việt đang có nhiều nguy cơ bị xâm thực. Câu danh ngôn “Đằng sau người đàn ông thành đạt luôn có một người phụ nữ” mãi mãi đúng, càng ứng nghiệm toàn diện và sâu sắc với nhà văn Nguyễn Bắc Sơn.


Cuốn hồi ký “Bảy nổi ba chìm” cũng hé mở cho thiên hạ biết thêm nhiều chuyện thuộc “trường văn trận bút”. Viết văn, làm báo không thể không đổ mồ hôi sôi nước mắt. Viết văn, làm báo khác nào đối diện với “pháp trường trắng”. Viết văn, làm báo là một nghề, đã đành. Nhưng cao hơn và thâm hậu hơn là một nghiệp, không sai. Viết văn, làm báo là một “khổ nạn đích lịch trình” (con đường đau khổ). Ai không có năng khiếu/ tài năng, ai không đủ gan bền chí, ai mưu cầu danh lợi thì không nên bước chân vào cuộc chơi chữ nghĩa. Câu cổ nhân nói vẫn đúng “Lập thân tối hạ thị văn chương”, lại càng đúng cho cả nghề tân văn (báo chí).

Vĩ thanh

Nguyễn Bắc Sơn thuộc kiểu “ba trong một” (nhà giáo - nhà báo - nhà văn) là một ngòi bút đa năng, bặt thiệp, bền bỉ, thặng dư sản phẩm chữ nghĩa. Điều đặc biệt khiến văn hữu, báo hữu, giáo hữu quý trọng tác giả chính là tinh thần trung thực đến tận chân tủy trên từng con chữ. Khát vọng “nhúng bút vào sự thật” khi viết đã hoàn tất trong thiên hồi ký hoành tráng đáng đọc này. Tâm lý ngại đọc dài của độc giả có thể sẽ được hóa giải khi tiếp nhận “Bảy nổi ba chìm”. Dẫu tác giả không viết đủ câu với một mệnh đề nữa “chín lênh đênh”, song toàn bộ cuốn hồi ký và gần 20 tác phẩm văn xuôi của ông đã gợi ý người đọc ý tưởng sâu sắc “mở một cuốn sách thấy một con người”. Cũng có không ít độc giả mong muốn được thưởng thức một lối văn mềm mại hơn, phiêu diêu hơn khi đọc Nguyễn Bắc Sơn. Nhưng mỗi người có một “vân chữ”.

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn (tên khai sinh Nguyễn Công Bác)
sinh năm 1941 tại xã Hữu bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây
(nay thuộc TP. Hà Nội). Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 1962, dạy học ở trường THPT (1962 - 1972).
Từ năm 1972 - 1974, ông tham gia quân đội. Từ năm 1975, ông trở lại nghề dạy học, từng giữ chức Phó Hiệu trưởng (2 nhiệm kỳ) trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Sau đó, ông đã kinh qua công tác quản lý giáo dục, báo chí, xuất bản từ 1992 đến khi nghỉ hưu.

Bùi Việt Thắng