Câu hát - tình người

Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi - Ngày đăng : 09:21, 11/11/2022

Trong khu phố cổ Hà Nội, tôi có người đồng đội - anh tên là Lê Văn Tuấn. Tuấn kém tôi nhiều tuổi, trước đây anh ấy là chiến sĩ trinh sát của tiểu đoàn tôi, là chàng trai người Hà Nội, nhập ngũ khi đang học năm thứ hai đại học tổng hợp. Tuấn trắng trẻo đẹp trai, tính tình cởi mở và hát rất hay.
tinh-yeu-bo-doi(1).jpg
Ảnh minh hoạ

Tuấn bị thương cuối năm 1974 trong một trận chiến đấu, vết thương khá nặng: dập cả xương đùi và xương ống chân trái, tuy không phải cắt cụt chân nhưng đi lại khó khăn, vì vậy tôi rất hay đến nhà thăm Tuấn.

Hôm tôi đến chơi, đúng lúc cả nhà đang ngồi xem chương trình Văn hoá sự kiện của VTV1, trên màn hình Tivi có cảnh nghệ sĩ đang hát xẩm. Tôi nói với mẹ Tuấn:

- Thưa bác, Tuấn nhà ta hát xẩm rất hay, hồi ở đơn vị cậu ấy là cây văn nghệ chủ lực.Tiếng hát của Tuấn đã làm say đắm bao nhiêu cô gái miền nam đấy ạ.

- Đúng thế, lần nào cô Hiền từ Sài Gòn ra chơi cũng kể chuyện Tuấn hát.

- Chị Hiền nói chị ấy rất mê tiếng hát của anh Tuấn, chị thuộc từng câu, từng lời và cả giai điệu của nhiều bài hát. Tiếng hát ấy đã theo chị suốt cả cuộc đời, cùng với dòng máu đỏ của chị luôn chảy trong cơ thể anh Tuấn, anh ạ (vợ Tuấn nói xen vào).

Tuấn ngồi đó trầm ngâm, nghĩ về những kỷ niệm của một thời không thể nào quên. Thời kỳ đó, tuy hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết nhưng quân Ngụy, với những hỏa lực mạnh được quân Mỹ chuyển giao lại vẫn thường xuyên nống ra lấn chiếm đất và bắn pháo, ném bom vào vùng giải phóng.

Vào một buổi sáng đẹp trời, khi công việc đã tạm ổn, cô y tá Hiền và người yêu là bác sỹ của đại đội quân y, cùng nhau ra đứng bên bờ suối (con suối chảy qua nơi đóng quân của đơn vị quân y) để trò truyện. Khung cảnh thanh bình quá, nước suối trong xanh in hình đôi bạn trẻ đang tâm sự bên nhau. Đột nhiên, tiếng đạn pháo của quân Ngụy từ căn cứ gần đó bắn vào, chưa kịp nằm tránh thì Hiền đã bị một mảnh đạn pháo găm vào đúng chỗ hiểm của chị, máu chảy trào ra. Tiếng đạn pháo của địch vẫn nổ dồn dập quanh đây, vì quá hoảng sợ nên tay bác sĩ đã bỏ mặc Hiền, chạy đi tìm nơi ẩn nấp. Vừa lúc đó, tổ trinh sát của Tuấn đi qua. Thấy rõ sự việc vừa xảy ra, Tuấn chạy nhanh đến chỗ Hiền, thấy máu chảy ra nhiều quá, Tuấn nói: “phải cầm máu ngay”, nói rồi, bằng một động tác rất nhanh, Tuấn dùng hai tay tụt ngay quần của Hiền xuống, lấy chiếc khăn đang quàng trên cổ bịt chặt vào chỗ máu đang phun ra. Vài phút sau có hai chị y tá chạy đến, Tuấn trao Hiền lại cho họ xử lý tiếp vết thương. Sự việc xảy ra nhanh quá. Hiền vừa mừng vì có người kịp thời cầm máu cho mình, vừa ngượng ngùng vì lần đầu tiên bị một thanh niên tụt quần ra giữa thanh thiên bạch nhật. Máu ra nhiều quá nên Hiền rất mệt, người lả đi, đầu óc choáng váng. Hiền chỉ nhỏ nhẹ nói được lời cảm ơn anh bộ đội đã cứu sống cô. Trước khi Tuấn và đồng đội tiếp tục đi làm nhiệm vụ, các chị y tá đã biết được anh tên là Tuấn, chiến sĩ trinh sát của tiểu đoàn 3. Sau lần đó, hình ảnh của Tuấn - anh bộ đội trắng trẻo, đẹp trai, dáng vẻ thư sinh mà rất dũng cảm, quyết đoán trong hành động cứu chữa thương binh luôn hiển hiện trong cô. Hiền hiểu rõ, vết thương ở vị trí này mà không kịp cầm máu thì khó có thể bảo toàn tính mạng.

Từ cuối năm 1974, tình hình chiến sự rất căng thẳng, các trận tấn công của quân giải phóng vào căn cứ của địch ở nhiều nơi ngày càng ác liệt, thêm nhiều những tổn thất, hy sinh. Tuấn bị thương nặng trong trận tấn công vào căn cứ quân ngụy ở Bảo Bình. Sau khi sơ cứu, Tuấn được chuyển về điều trị tại bệnh xá của trung đoàn. Tại đây, Hiền đã nhận ra Tuấn. Hiền lo lắng cho sức khỏe của anh. Vết thương nặng quá, mất máu rất nhiều, cần phải truyền máu gấp. Đồng chí trạm trưởng thông báo: hiện tại, máu dự trữ của bệnh xá không còn nhóm máu của Tuấn, ai có cùng nhóm máu này thì xung phong hiếu máu để cứu sống thương binh. May mắn thay, Hiền có nhóm máu cùng với Tuấn, Hiền đề nghị lấy máu của cô để truyền cho Tuấn và yêu cầu đơn vị không cho Tuấn biết tên của người đã hiến máu cứu anh. Hiền rất tận tình chăm sóc cho Tuấn, từ bữa ăn, giấc ngủ, nước uống, giặt giũ quần áo… và điều trị theo phác đồ tích cực nhất.

Được điều trị và chăm sóc chu đáo, vết thương của Tuấn mau lành, sức khỏe dần hồi phục. Tuấn rất hòa đồng, nhiệt tình tham gia những việc mà Tuấn có thể làm, được anh chị em trong đơn vị quân y quý mến. Tuấn vui tính và hay hát. Hiền rất thích nghe Tuấn hát điệu xẩm bài “Hà Nội 36 phố phường”: “Rủ nhau chơi khắp Long Thành/ Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai/ Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai/ Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay …”. Có hôm, sau những giờ làm việc mệt mỏi, Hiền ra đứng bên bờ suối gần đó để thư giãn - trong không gian tĩnh lặng, Hiền nghe văng vẳng tiếng hát ngọt ngào của Tuấn: “Cây trúc xinh/ tang tình là cây trúc mọc/ Cây trúc mọc ở sân đình/ Chị hai xinh / Tang tình là chị hai đứng/ Đứng một mình /A lới / Xinh càng xinh…! Nghe câu hát, hướng nhìn vào nơi Tuấn đang nằm trên võng, tự nhiên nước mắt Hiền chảy ra. Hình ảnh Tuấn dũng cảm lao thẳng vào nơi đạn pháo của địch đang bắn tới để cứu cô, hành động nhanh nhẹn, quyết đoán tụt quần cô xuống để cầm máu kịp thời, đã cứu sống cô. Chàng trai trông thư sinh thế mà dũng cảm vô cùng, hành động đẹp đẽ vô cùng.

Càng nghĩ đến Tuấn, Hiền càng làm việc hăng say hơn. Cô tận tình chăm sóc, cứu chữa thương, bệnh binh không kể ngày đêm. Ngày nào thấy Tuấn không ăn hết suất cơm là Hiền lo lắng, không nghe thấy tiếng hát của Tuấn, Hiền lại xốn xang nỗi nhớ. Hiền nhớ đến câu Tuấn hát: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Hiền ước mong một ngày nào đó cô được ra thăm Thủ đô Hà Nội, được Tuấn đưa cô đi dạo thăm hồ Gươm, hồ Trúc Bạch, cùng bơi thuyền trên hồ Tây, đi thăm quan các danh thắng ở Thủ đô, về ăn món bánh Tôm nổi tiếng trên đường Thanh Niên… những địa danh ấy, Hiền mới chỉ nghe Tuấn kể mà đã thấy háo hức vô cùng. Hiền lại ước mong được vào thăm nhà Tuấn, được mẹ Tuấn chỉ dạy cho cách làm những món ăn ngon của đất Hà thành. Rồi Mẹ đưa Hiền đi chọn mua những tấm vải lụa đẹp nhất để may áo dài… nghĩ đến đấy, tự nhiên má Hiền ửng đỏ mà trong lòng dào dạt niềm vui. Có hôm, Tuấn nằm trên võng hát câu: “Anh còn son/ em cũng còn son /ước gì ta được/ làm con một nhà”. Hiền thấy Tuấn cứ nhìn vào mình mà hát đi hát lại câu hát đó. Ôi, câu hát thật ngọt ngào làm sao, tha thiết làm sao! Hiền nghĩ, phải chăng anh muốn nhắn gửi tới mình tình cảm yêu thương? Nằm trên võng, Hiền se sẽ hát lại: “Em còn son/ Anh cũng còn son /ước gì ta được /làm con một nhà/ ước gì ta được / làm con một nhà/ Anh về/ thưa với mẹ cha…”.

Đầu năm 1975, trung đoàn tham gia vào chiến dịch lớn. Hiền được đơn vị cử đi trong đội phẫu thuật tiền phương. Trước khi đi, cô chuẩn bị chu đáo cho Tuấn những thứ cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và dặn Tuấn đủ điều. Cầm tay Hiền, Tuấn nói: “Miền Nam, chắc cũng sắp được giải phóng hoàn toàn rồi, anh chúc em đi làm nhiệm vụ được may mắn, bình an. Hy vọng sớm đến ngày anh được đón em ra thăm Thủ đô Hà Nội”.

Hiền đi hôm trước thì ngay sáng hôm sau, Tuấn và những thương binh nặng được đưa về trung tâm điều dưỡng để chờ ngày chuyển ra miền Bắc. Trước khi Tuấn đi, đồng chí chính trị viên đại đội quân y đưa đến cho Tuấn một tờ báo của quân khu, anh ấy nói: “ Trong tờ báo này có bài viết về tấm gương sáng của một nữ chiến sỹ quân y, chị là chiến sỹ thi đua cấp trung đoàn và chính chị là người đã hiến máu để kịp thời cứu sống cậu đấy. Trong bài có cả hình ảnh của đồng chí ấy, cậu cầm lấy để làm kỷ niệm”.

Sau chiến thắng 30/4/1975, Hiền được cấp trên cử đi học đại học quân y. Khi giám định thương tật Hiền mới biết cô không còn khả năng sinh con, do mảnh đạn của quân thù đã gây nên vết thương quái ác này. Chính vì vậy, Hiền tha thiết đề nghị được vào học ở khoa Sản. Hiền nghĩ, làm việc ở khoa Sản thì hàng ngày cô được tự tay đón các sinh linh bé nhỏ chào đời, được nghe các con cất tiếng khóc đầu tiên…

Mùa thu năm 1980 Hiền đi máy bay ra Hà Nội, tìm đến thăm nhà Tuấn. Trước đây khi Tuấn chuyển đi điều dưỡng, vì gấp gáp quá nên hai người cũng chưa kịp trao đổi địa chỉ liên lạc. Hiền bảo bác lái xe xích lô cho vào trung tâm phố cổ. Hiền cứ đi theo hướng mà con tim mách bảo. Lúc này còn là thời bao cấp, trên các phố Hiền chỉ thấy nhà cửa san sát, nhưng chưa có nhiều các cửa hàng buôn bán. Hiền dừng lại nơi có bà cụ ngồi bán nước chè chén trên vỉa hè. Cụ mời Hiền vào uống nước, Hiền vừa cầm chén nước bà cụ đưa cho thì thấy cánh cửa nhà đối diện bên kia đường mở, một chị phụ nữ dắt ra chiếc xe đạp, tiếp đó là người đàn ông bế cháu nhỏ đi ra, họ cùng ngồi lên xe đạp đi thẳng về phía trước. Hiền đứng bật dậy khi nhận ra người đó chính là Tuấn.

  • Có chuyện gì vậy chị? (bà cụ hỏi)
  • Dạ, cháu thấy anh ấy giống người quen của cháu ạ.
  • Đó là vợ chồng anh Tuấn, hôm nay họ đến phố Phùng Hưng dự đám giỗ bên ngoại.
  • Bác biết rõ thế ạ?
  • Ừ, là bạn hàng phố, tôi với mẹ anh Tuấn cũng là chỗ thân tình.

Bà cụ bán nước nói tiếp: Anh Tuấn còn một cô em gái nữa đã lấy chồng, vợ chồng cô ấy chuyển vào Sài Gòn làm ăn rồi. Anh Tuấn đi bộ đội về, bị thương nặng lắm. Anh ấy bảo nếu không được một cô y tá hiến máu kịp thời cứu chữa, không có sự chăm sóc, điều trị tận tình của đơn vị quân y thì chắc không còn sống để trở về. Sau ngày miền Nam được giải phóng, anh ấy nhờ nhiều người hỏi thăm tìm địa chỉ của cô y tá nhưng không được. Gia đình thúc giục Tuấn lấy vợ, nhưng Tuấn bảo muốn tìm để biết về cô y tá đó đã. Có lần, một đồng đội của Tuấn đến chơi cho biết: cô ấy đã chuyển đi, đơn vị thì vẫn cơ động đi làm nhiệm vụ ở nhiều nơi nên không biết được. Bố anh Tuấn là bộ đội chống Pháp, năm đó ông ốm nặng lắm, ông muốn trước khi nhắm mắt xuôi tay, thấy con trai đã yên bề gia thất. Em gái giới thiệu cho anh cô bạn đang làm việc ở sở giáo dục, nhà ở phố Phùng Hưng, tên là Thảo. Cô Thảo đến nhà chơi luôn nên họ cũng hiểu nhau, ít thời gian sau đám cưới được tổ chức. Bây giờ anh Tuấn làm việc ở phòng Thương binh xã hội quận, anh chị ấy đã sinh được một cháu trai, họ sống rất hạnh phúc. Cô Thảo vẫn bảo đến lúc con trai đi học mẫu giáo, gửi con ở nhà cho bà nội, hai vợ chồng sẽ vào miền Nam, tìm thăm cô y tá. Nghe bà cụ nói chuyện, Hiền thấy yên tâm, mừng cho hạnh phúc của người đồng đội.

Hiền nói lời cảm ơn và chào bà cụ, đi sang bên kia đường phố, cô đi thẳng một đoạn rồi quay lại, gõ cửa nhà Tuấn.

  • Con chào bác ạ

Mẹ Tuấn nhìn kỹ vào khuôn mặt cô rồi thốt lên:

  • Hiền đấy phải không con
  • Dạ, thưa bác con tên là Hiền ạ.

Hiền theo chân bà cụ đi vào trong nhà, ngồi ở bàn uống nước Hiền hỏi mẹ Tuấn:

  • Thưa bác, sao mới gặp con bác đã biết tên con là Hiền ạ?

Bà cụ chưa trả lời ngay mà đi lại tủ sách lấy ra một tờ báo cũ được bọc cất cẩn thận, đưa cho Hiền. Cụ nói: “Có ảnh của con ở trong tờ báo này, đã mấy năm nay cả gia đình bác luôn nhớ tới con, nghĩ về con với lòng biết ơn, con đã cứu sống thằng Tuấn nhà bác”. Hiền quá bất ngờ về sự việc này, cô nói: “Thưa bác, chính con phải luôn mang ơn cứu mạng của anh Tuấn. Nếu không được anh Tuấn dũng cảm lao vào cứu, thì con đã không còn tồn tại trên cõi đời này, bác ạ”.

  • Thế là thế nào, từ khi Tuấn nó được về nhà, chỉ thấy nó nói về việc con đã hiến máu cứu Tuấn, con đã tận tình chăm sóc nó suốt thời gian điều trị.
  • Dạ, việc đó là nhiệm vụ của chúng con ạ.

Hiền kể lại cho mẹ Tuấn nghe toàn bộ sự việc đã xảy ra và hoàn cảnh của cô. Bà cụ ôm Hiền mà nước mắt chảy dài. Cụ thương Hiền lắm, cô gái mồ côi má từ năm 14 tuổi mà nỗ lực trong cuộc sống đến thế, mà sống thật nghĩa tình. Cụ nói với Hiền:

  • Mẹ có thể nhận con là con gái của mẹ được không? Nơi đây sẽ là chốn đi về của con.
  • Dạ, con cảm ơn mẹ, con thật hạnh phúc khi được làm con gái của mẹ.

Chiều hôm đó, vợ chồng Tuấn về, cả nhà quây quần vui vẻ lắm. Cô Thảo (vợ Tuấn) xin nghỉ phép mấy ngày đưa Hiền đi thăm lăng Bác Hồ, thăm một số danh thắng ở Thủ đô. Mẹ Tuấn đưa cô đến một hiệu may tốt nhất trong khu phố cổ để may tặng cô một bộ quần áo dài, kỷ niệm lần đầu tiên cô ra thăm Hà Nội. Hiền được thưởng thức những món ăn ngon do chính tay mẹ nấu. Một hôm, cả nhà ngạc nhiên thấy Hiền vừa ngồi chơi với cu Bông (con trai Tuấn), vừa khe khẽ hát bài xẩm: “Hàng thùng, Hàng Bát, Hàng Tre/ Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà/ Quanh đi đến phố Hàng Da/ Trải xem hàng phố thật là cũng xinh”. Tuấn ngồi ở bàn nước, hát đế theo: “Phố hoa thứ nhất Long Thành/ Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ/ Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ/ Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền”. Mọi người đều vỗ tay khen Hiền hát Xẩm hay quá. Hiền bảo: “Con học theo khi anh Tuấn hát lúc đang điều trị vết thương đấy ạ, con thuộc nhiều bài hát lắm”. Cu Bông nói xen vào: “Thế là cô Hiền đã thành người Hà Nội rồi đấy”, Hiền vui lắm. Trước hôm chia tay Hiền, cả nhà đi ăn ở cửa hàng bánh tôm trên đường Thanh Niên. Hôm đó cô lại được nghe Tuấn hát.

Ngồi trên máy bay trở lại Sài Gòn, nghĩ về những ngày ở Hà Nội, được sum họp trong gia đình Tuấn, Hiền thấy hạnh phúc vô cùng. Lúc mới đến Hà Nội, cô hồi hộp, lo lắng làm sao. Từ khi được tiếp chuyện với mẹ anh Tuấn, gặp mặt cả gia đình anh, cô thấy tình cảm ấm áp, chan hòa, yêu thương quá. Tự nhiên nước mắt cô lăn chảy, miệng khe khẽ hát lại câu mà Tuấn đã hát trong buổi liên hoan chia tay: “Người ơi... người ở... đừng về!”.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Kiều Vĩnh Lộc. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Kiều Vĩnh Lộc